Bệnh nhân trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Washingtonpost |
Tại Hàn Quốc, cứ 77 người có một người phẫu thuật làm đẹp, con số này ở Mỹ là 1/100. Theo khảo sát năm 2012, khoảng 20% phụ nữ ở Seoul trong độ tuổi từ 19 đến 49 phẫu thuật làm đẹp. Phẫu thuật mắt nằm trong top phổ biến nhất.
Chỉ tính từ năm 2009 đến 2012, doanh thu từ ngành công nghiệp y tế Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần, lên tới 453 triệu USD. Theo số liệu của Tổ chức phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế, Hàn Quốc chỉ đứng thứ 3 thế giới về tỷ lệ người phẫu thuật nhưng ngành công nghiệp sắc đẹp tại đây được đánh giá là phát triển hơn cả.
"Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã khao khát được thay đổi ngoại hình và trở thành một người khác", nhiếp ảnh gia người Hàn Quốc đang sống tại New York (Mỹ), Ji Yeo chia sẻ về niềm đam mê phẫu thuật thẩm mỹ.
Ji không phải là người duy nhất ở Hàn Quốc có mong muốn đó. Khao khát trở nên xinh đẹp đã đi sâu vào trong tiềm thức hàng triệu người dân Seoul nói riêng và của cả Hàn Quốc nói chung.
Nhiếp ảnh gia Ji từng cân nhắc tới việc tu sửa sắc đẹp. Cô lớn lên ở Gangnam - nơi nổi tiếng giàu có trong ca khúc Gangnam Style của ca sỹ Psy và cũng là trung tâm của ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau nhiều lần suy nghĩ, cô từ bỏ ý định chỉnh sửa toàn bộ cơ thể mình.
Tờ Washington Post cho hay tại Hàn Quốc, trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm. Những trung tâm quy mô rộng lớn sở hữu tới 300 nhân viên, 30 bác sĩ, 12 phòng phẫu thuật, 40 phòng chờ phẫu thuật, 70 phòng tư vấn, 1 salon chăm sóc da, 1 spa, khu vực nha khoa, 1 phòng cafe và 1 thư viện.
Tuy nhiên, đằng sau căn phòng xa hoa, hiện đại đó là mặt tối của ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều người đang ngày đêm phải chịu đựng đau đớn, nuốt nước mắt làm đẹp.
Nhiều khuôn mặt na ná giống nhau vì cùng được phẫu thuật tại một bệnh viện. Ảnh: Washingtonpost |
Trước sự phát triển đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ tại xứ sở kim chi, nhiếp ảnh gia Ji đã về nước để thực hiện loạt ảnh chân thực phía sau ngành công nghiệp sắc đẹp mà ít người có cơ hội được chứng kiến.
Năm 2008, cô bắt đầu thực hiện loạt ảnh chủ đề “Phòng phục hồi sắc đẹp” (Beauty Room Recovery), cho thấy chân dung khách hàng trong những ngày hậu phẫu, hình ảnh mà ít người từng nhìn thấy. Bộ ảnh nhận được sự quan tâm từ phần lớn cộng đồng mạng thế giới khi thể hiện rõ sự đau đớn trên từng nét mặt của bệnh nhân.
Để khám phá nhiều hơn về nỗi ám ảnh của phụ nữ Hàn Quốc với việc phẫu thuật thẩm mỹ, Ji tiếp cận một số phụ nữ Hàn Quốc sau phẫu thuật. Cô đề nghị được chăm sóc họ trong những ngày hậu phẫu chờ bình phục và đổi lại sẽ được phép chụp hình chân dung của họ.
"Tôi rất sốc khi biết phụ nữ Hàn Quốc coi phẫu thuật thẩm mỹ là điều hết sức hiển nhiên và bình thường. Phẫu thuật thẩm mỹ giúp họ thấy thỏa mãn và vô cùng phấn khích. Trong suốt quá trình chụp ảnh, bất chấp nỗi đau đớn đến tột cùng với vết thương rỉ máu, khuôn mặt phù nề, chằng chịt vết khâu, họ vẫn cho tôi cảm nhận được sự háo hức với diện mạo mới, hoàn hảo của mình", Ji nói.
Trong một chia sẻ khác bên lề bộ ảnh, Ji tiết lộ không ít bệnh nhân bi quan sau phẫu thuật. "Chưa biết khuôn mặt mình sẽ ra sao, chỉ thấy ngay lúc này tôi không thể nhai được thức ăn, còn nước mắt chảy không ngừng do tổn thương tuyến lệ", một phụ nữ phẫu thuật cằm kể lại.
Washington Post cho hay, nhiều bệnh nhân đã tự tử vì không đẹp như ý muốn sau quá trình "dao kéo". Không chỉ sự thất vọng vì hình thức bên ngoài có thể đẩy con người ta đến bờ vực, sự đau đớn kéo dài hết năm này qua năm khác do ca mổ mang lại cũng có thể khiến bệnh nhân không muốn sống nữa.
Tư vấn viên tại bệnh viện thẩm mỹ Gyalumhan, Gangnam, Hàn Quốc. Ảnh: Washingtonpost |
Tại Hàn Quốc, quy trình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ vô cùng nhanh chóng, gọn nhẹ. Khách hàng không gặp trực tiếp bác sĩ mà chỉ thảo luận yêu cầu và giá cả với người quản lý. Sau đó, họ sẽ được tiêm thuốc mê trước khi bác sĩ tới và tỉnh dậy khi quá trình phẫu thuật đã hoàn thành.
Giống như ngành công nghiệp xây dựng, các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay "sản xuất" ra những "sản phẩm" giống hệt nhau. Nhiều chàng trai, cô gái tại Hàn Quốc giờ đây có khuôn mặt na ná hoặc thậm chí giống nhau như đúc dù không phải anh em họ hàng.
Hầu hết các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc thường cung cấp dịch vụ miễn phí cho các quản lý tư vấn, lễ tân như một cách quảng bá thương hiệu sản phẩm.
"Bạn có thể nhìn vào các tư vấn viên hay lễ tân và dễ dàng đoán được phong cách của trung tâm đó. Họ thường tuyển dụng những người thích ăn diện. Nhiều trường hợp, họ sẽ được giảm giá khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ", Ji cho hay.