Những người thân an ủi nhau trong lúc chờ đội cứu hộ vớt thi thể nạn nhân tàu Sewol vào tháng 4/2014. Ảnh: AFP |
Vào ngày định mệnh 16/4/2014, ông Lee Woo Geun nhận điện thoại từ con trai Jung In khi đang họp ở công ty.
"Thằng bé kể với tôi về tình hình trên tàu. Lúc ấy tôi chỉ biết trấn an con, khuyên con tuân thủ hướng dẫn của các thầy, rồi vội cúp máy. Câu nói cuối cùng của Jung In là: 'Con rất yêu bố'. Tôi không ngờ đó là lần nói chuyện cuối cùng giữa 2 cha con", ông Lee nghẹn ngào chia sẻ trên Bloomberg.
Một năm trôi qua, người bố đơn thân luôn u uất. Ông Lee tránh tiếp xúc với mọi người, không ngừng dằn vặt bản thân. Yoon Ah, con gái của ông Lee, nói cô rất sợ bố sẽ nghĩ quẩn và tự tử.
Khôn nguôi
Đến nay, tàu Sewol vẫn chìm dưới đáy biển cùng những thi thể mắc kẹt bên trong. Các thợ lặn đã ngưng tìm kiếm nạn nhân từ tháng 11/2014. Họ trao trả 295 thi thể cho các gia đình còn 9 người khác vẫn mất tích.
Khoảng một tuần trước Tết âm lịch, gia đình các nạn nhân quay lại hiện trường tàu Sewol để cầu nguyện cho con, theo trang Hani.
"Eun Hwa của chúng tôi ở ngay dưới này, tại sao họ không thể tìm thấy con bé? Eun Hwa ơi, mẹ xin lỗi vì không thể mang con trở về", bà Lee Geum Hee, một trong những người mẹ mất con vì thảm kịch Sewol, khóc ngất giữa cuộc hành trình.
Bà Lee Geum Hee không ngừng khóc khi trở lại hiện trường chìm tàu Sewol, cũng là nơi thi thể con gái bà đang thất lạc, vào tháng 2/2015. Ảnh: Hani |
Bà Park Eun Mi cũng có con gái mất tích giữa vùng biển mà tàu Sewol chìm. Những người mẹ coi bản thân là tội nhân vì không thể tìm thấy con. Nỗi đau trong lòng bà Park nặng nề hơn vì chính bà khuyến khích con tham gia chuyến dã ngoại, dù cô bé tỏ ra không hào hứng.
Bà Park đổ lỗi cho chính phủ đã đình chỉ việc tìm kiếm, đồng thời ép buộc các gia đình chấp nhận quyết định này.
"Chính phủ nói hoạt động tìm kiếm bên trong tàu rất nguy hiểm với thợ lặn. Họ hứa sẽ tìm cách nâng tàu để đưa thi thể ra ngoài. Chúng tôi tin các quan chức nên đồng ý. Sau này, một số thợ lặn nói họ vẫn muốn tiếp tục công việc nhưng bị cấm, còn con tàu vẫn nằm dưới biển", bà Park bức xúc.
Phụ huynh cạo đầu biểu tình
Từ tháng 2/2015, nhiều phụ huynh của học sinh thiệt mạng liên tục tổ chức các cuộc biểu tình để buộc chính phủ thực hiện lời hứa nâng xác tàu Sewol. Họ cũng yêu cầu chính phủ thành lập ủy ban độc lập để điều tra nguyên nhân tai nạn.
Ngày 4/4, hơn 200 phụ huynh tham gia cuộc đi bộ biểu tình từ thành phố Ansan đến thủ đô Seoul. Trước khi xuống đường, nhiều người đã cạo đầu để chứng tỏ quyết tâm.
"Một năm trôi qua nhưng bà tổng thống vẫn không thực hiện lời hứa. Do vậy, chúng tôi muốn đến Seoul để nói chuyện với người lãnh đạo đất nước", Chun Myeong Sun, đại diện của các gia đình, nói.
Người thân của các nạn nhân tàu Sewol cạo đầu ngày 8/4 trước khi tham gia biểu tình. Ảnh: UPI |
Trước sự phẫn nộ của các gia đình, chính phủ vẫn chưa quyết định chính thức về việc trục vớt tàu Sewol. Ngày 6/4, Tổng thống Park Geun Hye chỉ cam kết "tích cực xem xét" sự việc.
Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc ước tính chi phí để nâng xác tàu sẽ tốn 120 tỷ won (110 triệu USD). "Đây chỉ là số liệu ban đầu. Chi phí thực sự còn tùy thuộc vào tình hình thời tiết và những trục trặc kỹ thuật có thể xảy ra", quan chức Yeon Yeong Jin nói.
Ngày giỗ đầu của hơn 300 nạn nhân trên tàu Sewol sẽ diễn ra vào cuối tuần tới. Tuy nhiên, gần một năm qua, bà Lee không thể tổ chức đám tang cho con gái.
"Trái tim tôi như tan nát mỗi lần nghĩ đến con. Con bé chắc chắn đã rất sợ hãi và cầu cứu tôi nhưng vô vọng. Tôi thậm chí không dám đến gần các khu vực tưởng niệm vì họ cho treo hình của những nạn nhân được tìm thấy xác", bà Lee ngậm ngùi.