Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi đau của hai người mất con vì chuyến bay 30 năm trước

"Mỗi khi trở lại Ireland, tôi vẫn hy vọng phép màu tồn tại và các con sẽ trở về. Tôi đứng cạnh biển, nói chuyện với Deepak dù thi thể con nằm sâu dưới đại dương", Padmini nói.

Đội cứu hộ thu gom những mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn ngày 23/6/1985. Ảnh: AFP

Sáng 23/6/1985, thiếu tá James Robinson thuộc Hải quân Ireland nghe tiếng ồn bất thường khi ông đối phó với một thuyền đánh cá trái phép. Sau đó, ông nhận thông báo trạm kiểm soát không lưu sân bay Shannon đã mất tín hiệu của chuyến bay Air India 182 từ thành phố Toronto, Canada, đến thành phố Delhi, Ấn Độ. Đội của Robinson nhanh chóng rà soát vùng biển xung quanh.

"Ban đầu, chúng tôi không biết rõ chi tiết. Sau 3 giờ, chúng tôi thấy phi cơ Boeing 747 chở hơn 300 người trong chuyến bay Air India 182 gặp nạn", ông nói.

Khi thủy thủ đoàn đến hiện trường, họ thấy cảnh tượng kinh hoàng. Mảnh vỡ của máy bay nổi khắp nơi. Họ rất ngạc nhiên vì những bộ phận lớn của phi cơ như thân, khung gầm và cánh cũng nổi. Xác người vây quanh các thành viên của đội.

Cuối cùng, đội tuần tra của Robinson, các tàu buôn cùng lực lượng Hải quân và Không quân Hoàng gia Anh vớt 132 thi thể trong số 329 người thiệt mạng. Hoạt động tìm xác nạn nhân diễn ra đến 23h. 

"Cả người Anh lẫn người Ireland đều nỗ lực thu gom thi thể trước khi họ chìm. Chúng tôi biết chẳng ai trên máy bay sống sót", ông nói.

Chuyến bay Air India 182 phát trên không ở vị trí cách bờ biển phía tây nam Ireland khoảng 193 km do một quả bom. Một người đàn ông giấu nó vào vali, chuyển lên máy bay, còn ông ta không xuất hiện trên chuyến bay.

Đây là hành động trả đũa của người Sikh muốn ly khai đối với chính phủ Ấn Độ sau khi quân đội xông vào Đền Vàng, ngôi đền thiêng liêng nhất của giáo phái Sikh, vào tháng 6/1984. Tháng 10/1984, các vệ sĩ theo đạo Sikh ám sát thủ tướng Indira Gandhi. 

Đến nay, Air India 182 là vụ đánh bom máy bay khiến nhiều người tử vong nhất. Đây cũng là một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất. Tuy nhiên, trừ 3 nước Ấn Độ, Canada và Ireland, người dân các nước khác thường không chú ý tới nó, đặc biệt sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ.

Hàng năm, bạn bè và người thân các nạn nhân trên chuyến bay Air India 182 đến viếng khu tưởng niệm thảm kịch ở làng Ahakista gần bán đảo Sheep's Head ở phía tây hạt Cork, Ireland. Ngày 23/6/2015, hơn 20 người dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày thảm họa xảy ra.

Hàng năm, ông Babu Turlapati và vợ đến Ireland để gần con hơn trong ngày thảm họa xảy ra. Ảnh: BBC

Từ năm 1986, cứ vào tháng 6, ông Babu Turlapati, một kế toán đã nghỉ hưu, và vợ, bà Padmini, lại đến Ahakista để tưởng niệm hai người con trai thiệt mạng trên chuyến bay xấu số.

"Đây là nơi đẹp và yên bình nhất. Lần đầu tiên đến đây, vợ chồng tôi cảm thấy tuyệt vọng vô cùng. Nhưng phong cảnh tuyệt vời của biển và những con người hào phóng đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho chúng tôi", ông Babu nói.

Hiện tại, ông đã coi bán đảo Sheep's Head, khu tưởng niệm hướng ra Vịnh Dunmanus và vùng biển ngoài khơi Đại Tây Dương như quê hương thứ hai.

"Khi chúng tôi trở lại Ireland, mọi người, từ nhân viên hải quan ở sân bay đến người dân trong các siêu thị, đều chào hỏi", Padmini, bác sĩ nhi khoa ở thành phố Markham, bang Ontario, Canada, nói.

Bà vẫn nhớ cảm giác đau đớn tột cùng khi nghe tin hai con trai, Sanjay và Deepak, qua đời. Họ nhận tin từ một người bạn khi đang ngủ ở nhà. Babu ngã quỵ ngay khi nghe điện. Bà Padmini mạnh mẽ hơn. Là nhà khoa học, bà biết không ai có thể sống sót. Nhưng là một người mẹ, bà không muốn chấp nhận sự thật. 

"Gần đây, mỗi khi trở lại Ireland, tôi vẫn hy vọng phép màu thật sự tồn tại và các con tôi sẽ trở về. Tôi đứng cạnh biển, nói chuyện với Deepak dù thi thể của con nằm sâu dưới lòng đại dương mãi mãi. Deepak chạy đến bên tôi trong những cơn sóng, nó nói trong gió và mưa. Thằng bé mới 11 tuổi, rất nghịch ngợm và hài hước. Tôi có thể cảm nhận nó vẫn hiện diện đâu đây. Vì thế, hàng năm, vợ chồng tôi đều đến thăm nó", bà Padmini nói.

Bà cảm thấy thất vọng khi nhà chức trách điều tra sơ sài và chỉ kết án một người.

Nhà báo Kim Bolan của tờ Vancouver Sun của Canada đã viết một cuốn sách về cuộc điều tra và phiên tòa kéo dài hai năm. Theo bà, nhà chức trách phạm sai lầm do tình trạng quan liêu của chính phủ và cơ quan điều tra các nước Ấn Độ, Canada và Anh không hợp tác chặt chẽ. Nhưng nguyên nhân chính nằm ở xã hội.

"30 năm trước, xã hội Canada không như bây giờ. Khi viết sách, tôi đã nghĩ, mọi chuyện sẽ ra sao nếu phần lớn nạn nhân là người da trắng. Vụ nổ khiến người dân hoảng sợ. Chúng tôi vẫn cho rằng khủng bố chỉ xảy ra ở những nơi khác. Nhưng tại thời điểm đó, nhiều người cảm thấy sự việc không liên quan đến Canada. Hầu hết nạn nhân là người Ấn Độ và máy bay nổ trên bầu trời châu Âu", bà viết.

Bolan cho rằng nhà chức trách mang tâm lý phân biệt chủng tộc trong quá trình làm việc. Đây là bi kịch của Canada nhưng hầu hết mọi người không để ý. 25 năm sau, chính phủ mới xin lỗi về vụ điều tra.

Ông Babu Turlapati đặt hoa viếng cạnh tấm hình hai cậu con trai trên tấm bia tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa hàng không 30 năm trước. Ảnh: BBC

Người duy nhất phải vào tù sau vụ tấn công là Inderjit Singh Reyat. Hắn gài quả bom thứ hai lên một chuyến bay khác của hãng Air India trong cùng ngày, khiến hai nhân viên phụ trách hành lý tại sân bay Narita ở thành phố Tokyo, Nhật Bản, thiệt mạng. Sau đó, Reyat nhận tội ngộ sát.

Tòa cũng buộc tội hai gã khác, Ajaib Singh Bagri và Ripudaman Malik, nhưng tha chúng trong năm 2005.

"Kẻ duy nhất vào tù cũng sẽ sớm hưởng tự do. Nhưng chúng tôi phải gánh mức án khủng khiếp đến cuối đời. Hai đứa con của tôi phải làm gì với những tranh cãi liên quan đến tôn giáo và quyền lực?", bà Padmini nói khi nhìn chăm chú về phía Đại Tây Dương lặng sóng. Người phụ nữ cố gắng không nghĩ quá nhiều về nguyên nhân chính trị đằng sau thảm họa Air India 182 vì nó khiến bà khó chịu hơn.

Với bà, chuyến đi hàng năm đến hạt Cork chỉ là một cách để chữa vết thương lòng. 

"Tôi đến đây với tất cả những lo toan, sự nhỏ nhen của cuộc sống. Nơi này giúp tôi bình tĩnh lại. Biển đang ôm lấy các con tôi. Nó chứa đựng niềm vui và nước mắt của trái đất, tiếp thêm sức mạnh cho tôi", bà nói.

Những hình ảnh ấn tượng nhất tuần qua (15 - 21/6)

Airbus A380 chao liệng tại Paris Air Show, dân Gruzia đưa hà mã vào chuồng sau trận lũ lớn hay người tị nạn Syria chạy trốn IS trong tuyệt vọng là những ảnh ấn tượng nhất tuần qua.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm