Hiện trường tai nạn của chuyến bay số hiệu 470, thuộc hãng Mozambique Airlines. Nó rơi ở Luanda, Angola vào tháng 11/2013. Ảnh: AllAfrica |
Những nguyên nhân chính
Năm 2014, Cơ quan Quản lý Hàng không Mỹ (FAA) công bố nghiên cứu dựa trên kết quả khảo sát 2.758 vụ tai nạn hàng không xảy ra từ năm 2003 đến 2012. Người chủ trì nghiên cứu là ông Russell J. Lewis, chuyên gia tại Viện Y tế Hàng không Dân dụng (Mỹ). "Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi tự sát của phi công gồm trầm cảm, các mối quan hệ xã hội biến động và tài chính khó khăn", báo cáo nhận định.
Trong số các tai nạn nêu trên, chỉ 8 vụ do phi công cố tình gây ra. Tất cả họ đều là nam giới trong khoảng từ 21 đến 68 tuổi. 4 người đã uống rượu và 2 người uống thuốc chống trầm cảm ngay trước khi lên máy bay.
Nhà điều tra lưu ý, 5 phi công có nhiều biểu hiện và động cơ để tự sát trước khi họ đảm nhận chuyến bay cuối cùng. Một phi công 45 tuổi từng bị trầm cảm và tự sát ít nhất một lần, nhưng anh ta không tiết lộ với hãng hàng không và người thân. Các nhân chứng kể lại, máy bay do phi công này điều khiển đã lao xuống đất sau khi nó cất cánh không lâu.
Trường hợp chuyến bay số hiệu 470, thuộc hãng Mozambique Airlines, rơi ở Luanda (Angola) vào tháng 11/2013 có nhiều nét giống với thảm kịch 4U9525. Hai sự việc chỉ khác ở điểm đối tượng trực tiếp thực hiện âm mưu tự sát.
Người gây ra cái chết cho 33 nạn nhân trên phi cơ của Mozambique Airlines chính là cơ trưởng của chuyến bay. Khi cơ phó rời buồng lái để đi vệ sinh, cơ trưởng đã khóa cửa và điều khiển máy bay lao xuống đất. Bộ ghi âm đặt trong buồng lái cho thấy tiếng động do cơ phó nỗ lực phá cửa.
Theo trang Newsweek, nhà điều tra phát hiện cơ trưởng đã trải qua nhiều tháng "vô cùng suy sụp" vì vấn đề hôn nhân trước ngày anh ta điều khiển chuyến bay 470.
Phần động cơ còn sót lại từ máy bay của hãng Egypt Airlines sau vụ phi công tự sát năm 1999. Ảnh: AFP |
Chuyến bay số hiệu 990 của hãng Egypt Airlines rơi ở bang Massachusetts (Mỹ) vào ngày 31/10/1999 khiến toàn bộ 217 người trên phi cơ thiệt mạng. Ủy ban Điều tra An toàn Vận tải Mỹ kết luận nguyên nhân tai nạn do phi công muốn tự sát. Cơ phó trên chuyến bay, Gameel al-Batouti, nhiều lần giục cơ trưởng đi vệ sinh. Sau đó, anh ta tắt chế độ lái tự động, giảm độ cao máy bay đến khi nó lao xuống đất.
Báo Guardian cho biết, phi công cố tình tự sát để "trả thù". Trước khi nhận nhiệm vụ trên chuyến bay định mệnh, ban lãnh đạo đã khiển trách nặng nề cơ phó vì hành vi quấy rối tình dục. Người đã la mắng phi công cũng là hành khách trên máy bay.
Cải thiện quá trình giám sát sức khỏe phi công
Hãng hàng không Lufthansa và Germanwings khẳng định cơ phó Andreas Lubitz đã trải qua tất cả các đợt sát hạch về tâm lý và y tế nên anh ta hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để điều khiển máy bay. Tuy nhiên, họ thừa nhận Lubitz vắng mặt vài tháng trong quá trình đào tạo. Theo nhà điều tra Đức, Lubitz đang điều trị bệnh trầm cảm nghiêm trọng trong thời gian này.
Cơ phó Andreas Lubitz phải điều trị trầm cảm kéo dài. Bạn gái đã chia tay anh không lâu trước ngày Lubitz nhận nhiệm vụ trên chuyến bay 4U9525. Ảnh: Reuters |
Phi công bị trầm cảm che giấu bệnh vì họ lo ngại giấy phép hành nghề bị thu hồi, hoặc thậm chí mất việc. Tiến sĩ Michelle Cornette (Hiệp hội Nghiên cứu Tự tử Mỹ) lưu ý, một người có xu hướng muốn kết liễu cuộc đời vẫn có thể trải qua các cuộc kiểm tra về tâm lý và sở hữu một bệnh án "đẹp".
"Các phi công hoạt động trong môi trường khổ sở vì cứ phải làm việc liên tục. Tôi nghĩ nhà quản lý cần áp dụng những biện pháp hoàn thiện hơn để giám sát sức khỏe tâm thần của phi công", Suzanne Kearns, cựu phi công và hiện là giảng viên trường Western University (Canada), nói.
Từ năm 2010, FAA không còn nghiêm ngặt cấm đoán đối với những phi công phải sử dụng thuốc điều trị trầm cảm. Theo chính sách mới, họ vẫn có thể điều khiển máy bay nhưng phải thường xuyên kiểm tra y tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định hành động của những kẻ liều chết để giết người hàng loạt rất khác với những người chỉ muốn tự tử một mình. Tiến sĩ Cornette cho rằng viên phi công cố tình hủy diệt máy bay chở hàng trăm người hoàn toàn giống với một kẻ xả súng hàng loạt.