Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi đau axit trên cơ thể những cô gái trẻ Bangladesh

Phụ nữ trong xã hội Bangladesh có thể trở thành nạn nhân của axit vì vô số lý do - từ thất tình, thù địch, tranh chấp của hồi môn tới thành kiến cố hữu với nữ giới.

Nhiếp ảnh gia Khaled Hasan bắt đầu chụp hình các nạn nhân của axit ở Bangladesh từ 5 năm trước. Những vụ tấn công bằng loại hóa chất nguy hiểm xảy ra trên khắp thế giới, nhưng đa số nạn nhân sống ở Nam Á, đặc biệt là Bangladesh. Từ năm 1999 tới nay, nhà chức trách Bangladesh ghi nhận 3.000 vụ tấn công bằng axit trên lãnh thổ, với 80% nạn nhân là phụ nữ. Người ta dễ dàng mua axit với giá chưa tới 1 USD ở các chợ đen Bangladesh, Washington Post đưa tin.

Ayesha, 11 tuổi, không muốn Hasan chụp mặt vì xấu hổ. Cô bé buồn và khóc khi đủ nhận thức để hiểu sự tàn phá của axit với cơ thể, đặc biệt là phần ngực.

Khuôn mặt biến dạng của một phụ nữ. Phần lớn nạn nhân của axit ở Bangladesh không thể phẫu thuật thẩm mỹ vì họ sống ở những vùng nông thôn hẻo lánh. Khoản chi phí cho các ca phẫu thuật vượt xa khả năng tài chính của họ.

Đây là lần hiếm hoi một nạn nhân của axit dám nhìn vào khuôn mặt qua gương. Trước khi bi kịch xảy ra, soi gương là sở thích của cô.

Doli bị chính anh trai tấn công bằng axit sau khi về nhà để xin tiền hồi môn theo yêu cầu của chồng. Sau vụ tấn công, chồng của Doli cũng bỏ cô.

Cuộc sống của Doli hiện nay vô cùng tồi tệ. Cô không có nơi để ở, không có việc và cũng mất hết hy vọng vào cuộc sống và tương lai.

Tại Bangladesh, những đứa trẻ cũng có thể trở thành mục tiêu của những vụ tấn công bằng axit. Xã hội trọng nam khinh nữ và nhiều hủ tục còn tồn tại khiến phụ nữ và trẻ em gái đối mặt với cuộc sống không an toàn.

Tình trạng bạo lực và tấn công bằng axit phổ biến ở các vùng nông thôn Bangladesh, nơi dân trí vẫn ở mức rất thấp.

Sau khi đánh Nasrin khiến cô ngất xỉu, người chồng lấy axit dội lên người cô gái 23 tuổi khiến phần mặt, cổ và tay biến dạng.

Chân của Nargis bị thương vì axit từ khi cô 4 tuổi. Cô bé vẫn mơ ước trở thành phi công. Nhà chức trách Bangladesh tìm nhiều cách để hạn chế sự phổ biến của axit nhưng không thành công vì nó là hóa chất quan trọng trong quá trình gia công trang sức, món đồ phổ biến trong xã hội.



Hồng Duy

Ảnh: Washington Post

Bạn có thể quan tâm