Neetu chỉ là một trong hàng nghìn nạn nhân của các vụ tạt axit tại Ấn Độ hàng năm. Ảnh: Daily Mail |
Neetu, sống tại Agra, bang Uttar Pradesh, bị cha ruột tạt axit vào mặt khi cô 3 tuổi. Hành động tàn nhẫn của người đàn ông trong cơn say và mất kiểm soát đã để lại dấu vết vĩnh viễn trên gương mặt con gái và nỗi đau không thể xóa nhòa.
Tại Ấn Độ, bản án tối đa cho kẻ thủ ác là 10 năm tù. Tuy nhiên, phần lớn thủ phạm đều thoát lưới pháp luật.
Neetu từng cầu xin tòa án thả người cha tàn nhẫn bởi tại Ấn Độ, phụ nữ thường phải phụ thuộc vào nam giới. Dù quá đau khổ, Neetu và mẹ vẫn phải chung sống cùng người đàn ông đó. "Tôi không có tiền và cuộc sống trở nên khó khăn vì những vết thương để lại sau vụ tấn công bằng axit", Neetu tâm sự.
Da mất mẹ sau khi bị hàng xóm tạt axit. Ảnh: SCMP |
Deb Da sống với mẹ và em trai sau khi cha qua đời tại tỉnh Kampong Cham, miền Đông Campuchia. Để có tiền trang trải cuộc sống, mẹ Deb Da và em làm thuê cho gia đình ông Som, hàng xóm của họ. Do ghen tỵ trước sự giúp đỡ của chồng cũ với những người hàng xóm, vợ của Som tạt axit vào 2 người phụ nữ vô tội. Bà hắt 3 lít axit vào người và đổ vào miệng mẹ của Da. Cuộc tấn công tàn nhẫn đã khiến nạn nhân tử vong 15 phút sau đó. Cậu bé Da khi ấy 9 tuổi cũng chịu nhiều vết bỏng trên mặt do axit thấm sâu vào da.
Kẻ thủ ác bị bắt ngay sau vụ việc. Tuy nhiên, hắn chỉ phải nhận bản án 18 năm tù. Một trong những kẻ đồng lõa cũng bị kết tội 3 năm tù giam, theo SCMP.
Kẻ ác không phải trả giá
Nạn nhân Bushra với những vết thương khó lành trên gương mặt và tâm trí. Ảnh: Acidviolence.org |
Bushra đến từ thành phố Lodhran ở bang Punjab của Pakistan là nạn nhân của 2 vụ tạt axit chỉ trong năm 2013. Khi đó, cô bé mới 13 tuổi. Kẻ gây ra tội ác là Javed, một gã hàng xóm và thường xuyên quấy rối và ép em kết hôn với hắn.
Sau nhiều lần bị cự tuyệt, Javed ném lọ axit vào mặt Bushra, khiến mắt và toàn bộ má phải của em bị tổn thương nghiêm trọng. Với sự giúp đỡ của Tổ chức bảo vệ các nạn nhân bị tạt axit (ASF), em đã được chữa trị về mặt y tế và thẩm mỹ. Hiện tình trạng cô bé dần ổn định và em cảm thấy tự tin hơn với cuộc sống.
Theo Telegraph, Pakistan là quốc gia Hồi giáo bảo thủ, nơi phụ nữ - đặc biệt tại các vùng nông thôn hẻo lánh và nghèo - bị đối xử như hàng hóa. Họ luôn bị cô lập dù là nạn nhân. Cảnh sát không bảo vệ họ, trong khi gia đình luôn gây áp lực lên nạn nhân nhằm giữ thanh danh.
Phần lớn thủ phạm gây ra các vụ tạt axit phụ nữ tại quốc gia Nam Á thường chịu hình thức xử phạt nhẹ, thậm chí nhiều kẻ thoát tội.
Khi 13 tuổi, Farhat bị một gã đàn ông ném chai axit vào mặt do cha mẹ từ chối gả con gái cho hắn. Dù gây vết thương quá lớn về cả thể chất và tinh thần đối với nạn nhân, tòa án chỉ kết tội kẻ thủ ác 12 năm và số tiền phạt là 1,2 triệu rupee (khoảng 18.000 USD). Tuy nhiên, cuối cùng, hắn được giảm nhẹ tội và tự do sau khi trả tiền bồi thường.