Thẩm mỹ viện của Musarat là nơi mang tới niềm hy vọng cho nạn nhân của những vụ tấn công axit trong hơn 10 năm qua. Ảnh: BBC |
Những nhân viên thẩm mỹ làm việc vất vả trong một thẩm mỹ viện cao cấp trong một khu vực có mức sống cao ở thành phố Lahore của Pakistan. Tiếng phụ nữ nói chuyện và cười hòa lẫn với những tiếng kêu liên tục của máy sấy tóc.
Đó là nơi bạn không thể liên tưởng tới nạn nhân của những vụ tấn công bằng axit. Nhưng trong hơn một thập kỷ qua, thẩm mỹ viện của Musarat là nơi nương tựa của những phụ nữ từng bị tấn công bởi axit.
Mọi chuyện bắt đầu khi một phụ nữ tới thẩm mỹ viện của Musarat với mạng che mặt.
“Khi cô ấy bỏ mạng che mặt, tôi phải ngồi xuống. Hai chân của tôi không còn sinh khí để đứng. Người phụ nữ trước mặt tôi không có khuôn mặt. Đôi mắt và mũi của cô ấy biến mất, còn cổ và mặt dính vào nhau nên cô không thể cử động”, Musarat kể.
Người phụ nữ hy vọng rằng Musarat, một doanh nhân kỳ cựu trong lĩnh vực kinh doanh sắc đẹp, có thể cải thiện diện mạo của cô.
Musarat gọi bác sĩ và nhờ họ giúp người phụ nữ. Sau đó bà cũng bắt đầu công việc từ thiện đối với nạn nhân của những vụ tạt axit.
Trong 10 năm qua, Musarat đã giúp hàng trăm nạn nhân của axit. Cô dùng tiền mà các nhà hảo tâm quyên góp để trang trải chi phí điều trị y tế rồi đào tạo nghề cho họ. Hiện nay một số nạn nhân axit đang làm việc trong thẩm mỹ viện của cô.
Bushra Shafi là một trong những chuyên viên thẩm mỹ giàu kinh nghiệm nhất. Cô cũng từng là nạn nhân của hành vi tạt axit.
Những người họ hàng bên chồng của Bushra tấn công cô để trừng phạt việc cô không trả đủ tiền hồi môn.
“Chồng tôi cùng em và bố của anh ta dội axit lên cơ thể tôi. Mẹ chồng trói tôi từ cổ tới chân. Họ không để tôi tới bệnh viện trong 10 ngày và khuôn mặt tôi phồng đến mức nó trở thành một tảng thịt”, Bushra kể lại thảm kịch của cô.
Bushra tới thẩm mỹ viện của Musarat để cầu cứu. Mắt cô không thể mở vì bỏng, mũi rụng và nhiều vùng trên tai teo.
Sau đó Bushra trải qua vô số ca phẫu thuật trong nhiều năm. Giờ đây, sau 150 ca phẫu thuật, cô có cơ hội bắt đầu cuộc đời mới.
Một số nạn nhân của hành vi tấn công bằng axit đang làm việc tại thẩm mỹ viện của Musarat. Ảnh: BBC |
“Tôi rất vui. Thị lực và thính lực của tôi phục hồi. Tôi có một mũi để thở và có thể nói nhờ một lưỡi”, Bushra tâm sự.
Những vết sẹo trên khuôn mặt của Bushra không thể che nụ cười khi cô nói chuyện.
Tổ chức từ thiện của Musarat là một trong số rất ít tổ chức giúp nạn nhân axit tại Pakistan. Bà nói chính phủ phải thực hiện nhiều hành động để giúp những người phụ nữ đáng thương đó.
“Do đây là vấn đề liên quan tới phụ nữ nên nó nằm ở vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên của chính phủ. Ngoài ra, họ nói nó sẽ làm hoen ố hình ảnh của đất nước chúng tôi. Đó là lý do khiến họ làm ngơ và bưng bít thực tế”, bà phát biểu.
Ít nhất 160 vụ tấn công bằng axit đã xảy ra trong năm nay, song các tổ chức nhân đạo cho rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều lần. Nhiều nạn nhân không dám báo cảnh sát vì họ sợ rằng hung thủ sẽ tiếp tục tấn công họ.
Ngay cả khi nạn nhân báo cảnh sát và kiện hung thủ, những kẻ gây tội cũng hiếm khi phải đối mặt với luật pháp.“Do định kiến của xã hội đối với việc tạt axit, các nạn nhân và gia đình họ chịu rất nhiều áp lực. Nhiều gia đình dàn xếp vụ kiện bên ngoài tòa án và không kẻ nào lĩnh án”, Saad Rasool, một luật sư đang soạn thảo luật mới nhằm hình sự hóa các vụ tấn công axit, nói.
Huma Shahid bị tấn công bằng axit hồi tháng 1. Cô là giảng viên và vụ tấn công diễn ra khi cô rời trường để về nhà. Một kẻ nào đó ném axit vào Huma ở bên ngoài nhà riêng của cô rồi tẩu thoát trên xe máy.
“Vụ việc xảy ra đúng 10 ngày trước lễ cưới của tôi. Khi đó tôi chuẩn bị lấy người đàn ông yêu thương tôi, nhưng đột nhiên cuộc đời tôi thay đổi”, Huma kể.
Sau khi điều trị tại bệnh viện trong nhiều tháng, Huma vẫn cần nhiều cuộc phẫu thuật nữa. Một mặt nạ bảo vệ vẫn bao phủ khuôn mặt cô và nữ giảng viên che nó bằng khăn choàng đầu. Cô nói cảnh sát vẫn chưa tìm ra gã đàn ông ném axit vào cô.
“Từ khi vụ tấn công xảy ra, tôi không thể nhìn vào khuôn mặt trong gương. Mỗi khi nghĩ lại sự việc, tôi cảm thấy đau đớn tột cùng. Tôi cảm thấy căm hận bởi mức độ tàn nhẫn của tội ác đó. Mọi người gọi tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, song tôi không thể mạnh mẽ khi diện mạo của tôi trở nên như thế này”, Huma tâm sự.
Huma nói thêm rằng cô không bao giờ nghĩ một vụ tấn công bằng axit có thể xảy ra đối với cô. Trước đây cô từng nghĩ nó là vấn đề đối với người dân trong các khu dân cư nghèo, những người có học vấn thấp.
“Tôi nghĩ đó không phải là vấn đề về việc có giáo dục hay không. Nó là vấn đề về tư tưởng. Người dân tin rằng những vụ tấn công axit vào phụ nữ xảy ra vì nguyên nhân nào đó. Bạn thấy rằng phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Xã hội coi họ là giới yếu hơn”, cô bình luận.
Hama đưa vụ việc ra tòa. Cô nói rằng, bất chấp nghịch cảnh, cô vẫn muốn tiếp tục sống và làm việc như trước đây, nhưng thực hiện mục tiêu ấy không phải việc dễ dàng.
“Nhiều lúc tôi cảm thấy giận dữ khi nhận ra rằng kẻ gây tội ác với tôi vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Đôi khi tôi cảm thấy bất lực”, cô thừa nhận.
Mặc dù sẽ phải trải qua hàng loạt cuộc phẫu thuật nữa, Huma vẫn hy vọng một ngày nào đó cô có thể nhìn khuôn mặt của cô trong gương.