Sáng 4/10, dòng người về quê tự phát vẫn đổ về các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền Trung. Trong đó, nhiều nhất là Sóc Trăng với gần 20.000 trường hợp, nâng tổng số người về quê của địa phương này lên trên 40.000.
Hàng trăm trường học thành nơi cách ly
Trao đổi với Zing, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết đêm qua đến sáng 4/10, số người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về quê nhiều hơn hôm trước. Các khu cách ly tập trung được địa phương chuẩn bị đã quá tải nên trưng dụng rất nhiều trường học. Vì vậy, học sinh tiếp tục học trực tuyến đến khi có thông báo mới.
Đối với hướng dẫn của Bộ Y tế có nội dung cách ly người dân tại nhà sau khi di chuyển qua lại giữa các vùng, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng chưa áp dụng nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương này.
Trên 40.000 người về Sóc Trăng 3 ngày qua. Ảnh: Thanh Hoàng. |
Ngoài Sóc Trăng, các tỉnh có số lượng người về quê tăng nhanh từ chiều 3 đến sáng 4/10 là An Giang (28.000), Kiên Giang (19.000), Đồng Tháp (16.300), Cà Mau (11.800), Bạc Liêu (11.000) và Trà Vinh (8.600). Vĩnh Long và Hậu Giang mỗi tỉnh tiếp nhận khoảng 5.000 người khiến các khu cách ly quá tải.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, ngoài 8.600 người đã về (có 3 F0), lực lượng trực chốt tại cửa ngõ thông báo có thêm 1.700 người chạy xe máy vào địa phương này trưa 4/10. Việc cách ly tại nhà đối với người dân về quê theo hướng dẫn của Bộ Y tế, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng chưa áp dụng được vì lo ngại có F0 sẽ gây nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng.
“Nếu tất cả bà con được tiêm 2 mũi, có xét nghiệm âm tính thì an tâm. Còn dòng người về quê những ngày qua không kiểm soát được nên chúng tôi rất lo phải cách ly tập trung. Các khu cách ly không kham nổi, tỉnh tận dụng 100 trường cấp 2, 35 trường cấp 3 để làm điểm sàng lọc, cách ly người dân”, ông Hẳn chia sẻ.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết học sinh chưa thể đến trường vì phải nhường cơ sở vật chất cho việc cách ly người dân. Địa phương này cũng thận trọng trong việc cho bà con cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với Đồng Tháp, 4 ngày qua có trên 81.000 người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam được CSGT dẫn đường di chuyển qua địa phương này để về quê. Ngoài 16.300 công dân của địa phương, 65.000 người còn lại được lực lượng chức năng bàn giao cho các tỉnh lân cận tại những chốt cửa ngõ.
“Chúng tôi thấy công văn hướng dẫn cách ly của Bộ Y tế rất thoáng, nhưng tùy tình hình thực tế tỉnh mới áp dụng”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.
Về nhà cất chòi để cách ly
Đến trưa 4/10, có 3 tỉnh chính thức gửi công văn đến Thủ tướng để đề nghị chỉ đạo siết chặt, kiểm soát khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, ngăn người dân tự ý về miền Tây.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, khi TP.HCM và nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, công dân ở nhiều tỉnh, thành phía nam tự ý chạy xe máy về miền Tây. Việc này đã gây quá tải nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp về an ninh của các tỉnh miền Tây, đặc biệt là an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng nếu người dân tiếp tục tự ý về quê sẽ gây “vỡ trận” hàng loạt tại các tỉnh. Trong đó, Bạc Liêu là nơi có các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí và điều kiện đảm bảo y tế rất thiếu thốn.
“Chúng tôi chỉ đạo các địa phương sàng lọc những người đã khỏi bệnh và tiêm 1, 2 mũi vaccine để cho bà con cách ly tại nhà. Người chưa tiêm vaccine, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV, cũng được cách ly tại nhà. Gia đình có thể chọn nơi thoáng mát để che chòi trong vườn cho những trường hợp này cách ly. Cách ly như thế này sẽ tốt hơn ở trường học”, ông Thiều nêu quan điểm.
Tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận khoảng 19.000 người chạy xe máy về quê. Ảnh: Phương Vũ. |
Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cũng chỉ đạo ngành y tế và các địa phương sàng lọc người tự ý chạy xe máy về quê. Người nào đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ được ly tại nhà.
Còn Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang Nguyễn Thanh Tùng nói rằng tỉnh này cách ly tập trung 7 ngày đối với người về quê có giấy xác nhận tiêm đủ 2 liều vaccine. Những người khỏi bệnh Covid-19 được cách ly tại nhà. Các trường hợp còn lại cách ly tập trung 14 ngày.
Phí cách ly 120.000 đồng mỗi ngày
Không chỉ miền Tây, 3 ngày qua có trên 12.000 người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam tự ý về quê tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Thừa Thiên - Huế.
Theo Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quang Thuân, hơn 7.000 công dân về quê đã được xét nghiệm nhanh. Những trường hợp âm tính nCoV được các huyện, thành phố tiếp nhận cách ly tập trung và người dân phải trả phí 120.000 đồng mỗi ngày.
Còn tại Đắk Nông, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp Đào Kim Nghiệp cho biết hơn 3.000 công dân hồi hương đã được xét nghiệm nCoV tại chốt kiểm soát Đắk Ru. Những trường hợp âm tính được các huyện đón về cách ly tập trung có thu phí 120.000 đồng một ngày.
Tại Thừa Thiên - Huế, trung tá Hoàng Phước Tế, Trưởng trạm CSGT Phú Lộc, cho biết đơn vị đã dẫn đoàn xe máy 950 chiếc, chở 1.700 người từ các tỉnh phía nam về quê. Ngoài nước uống và thức ăn, lực lượng làm nhiệm vụ còn hỗ trợ xăng cho những người có nhu cầu.
CSGT chuẩn bị dẫn đường cho đoàn người qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Hoàng Phước Tế. |
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa phương khuyến cáo người dân “ai ở đâu ở yên đó” để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, những trường hợp đã về địa phương thì sẽ đưa đi cách ly tập trung, còn về từ vùng áp dụng Chỉ thị 16 sẽ bị xử phạt hành chính.
Hiện, Thừa Thiên - Huế chuẩn bị đón người dân về từ vùng dịch có tổ chức. Trong đó, có chuyến bay đón 200 phụ nữ mang thai và người già, trẻ em…