Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nội các Nhật Bản lao đao vì bê bối

Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản - người được kỳ vọng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên - sẽ sớm nộp đơn từ chức vì bê bối sử dụng sai mục đích quỹ chính trị.

Bộ trưởng Yuko Obuchi trong vòng vây của báo chí. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Yuko Obuchi trong vòng vây của báo chí. Ảnh: Reuters

Việc Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Yuko Obuchi từ chức là một cú đòn nặng giáng vào uy tín của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm.

Theo các báo NikkeiSankei, bà Obuchi, 40 tuổi, sẽ nộp báo cáo điều tra các vụ chi tiêu sai mục đích quỹ chính trị và cả đơn từ chức cho ông Abe trong hôm nay 20/10. Kyodo cũng khẳng định bà Obuchi đã nói với những người thân cận là sẽ từ chức. Nếu việc này diễn ra, đây là lần đầu tiên một bộ trưởng nội các từ chức kể từ khi ông Abe lên nắm quyền hồi tháng 12/2012.

Thông tin về vụ bê bối của bà Obuchi xuất hiện từ giữa tuần trước. Hôm qua, Đài truyền hình NHK đưa tin hai quỹ chính trị của bà Obuchiđã chi tới 43 triệu yen (400.000 USD) mua vé xem nhạc kịch cho những người ủng hộ bà từ năm 2009-2011.

Hai tổ chức này không giữ thông tin về các khoản chi trong năm 2012. Một quỹ chính trị khác của bà Obuchi sử dụng 3,8 triệu yen (35.550 USD) mua hàng hóa từ các cửa hàng thời trang của em gái và em rể bà từ năm 2009-2012.

Sự nghiệp đầy hứa hẹn của 'công chúa chính trị' ở Nhật

Xinh đẹp, mạnh mẽ, tài năng, đương kim Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản có đầy đủ điều kiện để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của đất nước.

Hàng loạt bê bối

Giới quan sát nhận định việc bà Obuchi từ chức sẽ tạo cơ hội cho đảng đối lập mở chiến dịch tấn công các bộ trưởng trong nội các ông Abe. Khi cải tổ nội các hôm 3/9, ông Abe đã bổ nhiệm 5 phụ nữ vào các chức vụ quan trọng với mục tiêu thúc đẩy vai trò của nữ giới đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, cả 5 người đều dính bê bối trong thời gian qua. Bộ trưởng Tư pháp Midori Matsushima bị buộc tội vi phạm luật vận động bầu cử khi phân phát quạt giấy in hình và tên tuổi bà cho các cử tri. Bà Eriko Yamatani, chủ tịch Ủy ban An toàn công quốc gia (NPSC), bị chỉ trích có quan hệ với tổ chức cực hữu, phân biệt chủng tộc Zaitokukai, chuyên phản đối và quấy rối người Triều Tiên sống ở Nhật.

Cả Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi và Bộ trưởng Bình đẳng giới Haruko Arimura đều bị mang tiếng có quan điểm bảo thủ về các vấn đề giới tính và quá tôn thờ ngôi đền Yasukuki gây tranh cãi, nơi thờ 2,5 triệu người Nhật chết trong chiến tranh, bao gồm một số tội phạm chiến tranh.

Trước tuần qua, chỉ bà Obuchi được xem là hoàn toàn trong sạch và có uy tín cao. Bà là con gái của cố thủ tướng Keizo Obuchi. Với ngoại hình tươi sáng, bà được đánh giá là một ngôi sao đang lên trên chính trường Nhật. Báo Japan Times cho rằng Thủ tướng Abe rất khó kiếm được một bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp tốt hơn bà Obuchi.

Ngay sau khi lên nắm quyền, bà Obuchi được giao nhiệm vụ đầy khó khăn là thuyết phục công chúng ủng hộ kế hoạch khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động sau thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011, để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như dầu và than. Ông Abe từng công khai ý định tái khởi động các lò phản ứng vào đầu năm 2015. Bê bối của bà Obuchi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch này.

Thời điểm nhạy cảm

Các nhà quan sát cho rằng việc bà Obuchi phải ra đi cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ trương tăng số lượng phụ nữ Nhật đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tới 30% vào năm 2020.

Khảo sát của Đài truyền hình NHK hôm 14/10 cho thấy 52% người dân Nhật ủng hộ chính quyền Thủ tướng Abe. Khoảng 54% đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong xã hội mà ông Abe theo đuổi. Việc tỉ lệ ủng hộ của chính quyền Abe luôn được duy trì ở mức cao kể từ cuối năm 2012 một phần nhờ việc nội các hầu như không có bê bối nào. Nhưng nay tình hình đã thay đổi.

Việc bà Obuchi phải từ chức diễn ra trong thời điểm đầy thử thách đối với chính quyền ông Abe. Báo chí Nhật cho biết người dân nước này bắt đầu nghi ngờ tính hiệu quả của các chính sách kinh tế mà ông Abe áp dụng, được gọi là Abenomics.

Nói một cách đơn giản, kế hoạch kinh tế của ông Abe bao gồm bơm tiền vào thị trường tài chính, tăng chi tiêu ngân sách và cải tổ cơ cấu để mở rộng tăng trưởng. Abenomics đã giúp tăng giá chứng khoán ở Tokyo và giảm giá đồng yen so với đồng USD, theo lý thuyết sẽ có lợi cho xuất khẩu của Nhật.

Nhưng chi phí nhập khẩu tăng, đặc biệt là xăng dầu, đã đánh vào sức mua của người tiêu dùng Nhật. Trong khi đó, xuất khẩu không tăng cao như kỳ vọng. Vào tháng 12, ông Abe sẽ phải ra quyết định khó khăn là có tăng thuế tiêu dùng lên 10% hay không. Việc lựa chọn người thay thế bà Obuchi cũng là thử thách lớn, bởi nhân vật kế nhiệm bà sẽ phải quyết định có tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân hay không.

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20141020/don-giang-vao-chinh-phu-abe/660526.html

Theo Hiếu Trung/Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm