bình luận
Lee Nguyễn đánh đổi không ít khi trở về Việt Nam. Ở tuổi 34, anh vẫn là cái tên hấp dẫn với nhiều đội bóng chất lượng. Ghi và kiến tạo hơn 100 bàn thắng trên đất Mỹ, Lee Nguyễn đã được thừa nhận về đẳng cấp.
Theo lãnh đạo CLB TP.HCM, ngôi sao Việt kiều nhận được không ít lời mời từ các đội châu Âu, nhưng lựa chọn trở về Việt Nam nhờ quá trình đàm phán kiên trì và chân thành đến từ đội chủ sân Thống Nhất. Lee Nguyễn muốn đua vô địch, đá ở sân chơi châu Á. Song, đến lúc này, mặt bằng đẳng cấp hạn chế của CLB TP.HCM khiến ước vọng của Lee Nguyễn trở nên xa vời.
Lee Nguyễn là chân sút số 1 của CLB TP.HCM sau 10 vòng với 3 bàn thắng, nhưng cầu thủ mang áo số 24 vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng. Ảnh: Y Kiện. |
Nạn nhân của HLV Polking
Trong buổi họp báo sau trận ra mắt của Lee Nguyễn, khi CLB TP.HCM thắng Hà Tĩnh với tỷ số 2-0, HLV Alexandre Polking nói tiền vệ này "có những điểm tương đồng với Bruno Fernandes". Ông khẳng định Lee Nguyễn cần không gian để sáng tạo và chơi bóng, với hàm ý sẽ xây dựng chiến thuật để phục vụ cựu cầu thủ Los Angeles FC. Với năng lực đã được khẳng định, Lee Nguyễn xứng đáng với sự ưu ái.
Để tối ưu hóa khả năng quan sát và đôi chân điều bóng cực "ngoan" của Lee Nguyễn, HLV Polking mang về 3 tiền đạo ngoại. Trung vệ Pape Diakite khẳng định HLV Polking kiên quyết loại anh vì yếu tố chiến thuật, ngay cả khi CLB TP.HCM rơi vào khủng hoảng với phong độ yếu kém của hàng thủ (thủng lưới 9 bàn trong 3 trận liên tiếp).
Sự nhẫn nại đến cố chấp của Polking có không ít phần trăm niềm tin từ đẳng cấp của Lee Nguyễn. 3 ngoại binh của CLB TP.HCM không qua thử việc, chưa từng đá V.League, nhưng vẫn được bố trí vì Polking tin tưởng khả năng kết nối của Lee Nguyễn sẽ bù đắp tất cả.
Đó là tính toán sai lầm. Sau 10 trận, Joao Paulo, Dario Junior và Junior Barros ghi tổng cộng 2 bàn, dù được đá chính thường xuyên. CLB TP.HCM ghi bàn kém 6 đội ở V.League và có 4 trận không thể chọc thủng lưới đối thủ. Hàng công đội bóng chủ sân Thống Nhất rời rạc, thiếu gắn kết, nhưng đây không phải lỗi của Lee Nguyễn.
HLV Polking giao cho Lee Nguyễn nhiệm vụ sáng tạo, dù vậy đây là cách giao kiểu "khoán trắng", thay vì xây dựng hệ thống phù hợp để cầu thủ mang áo số 24 phát huy khả năng. Lee Nguyễn không phải mẫu cầu thủ gồng gánh đội bóng như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Anh là tiền vệ tổ chức. Một cầu thủ muốn tổ chức tốt cần hai yếu tố: Đồng đội ăn ý xung quanh và được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự.
CLB TP.HCM không có cả 2 yếu tố này. Sau 10 trận đấu và 4 tháng làm việc ở Việt Nam, HLV Polking vẫn chưa biết đâu là hàng thủ tốt nhất của CLB TP.HCM. Ông liên tục xoay tua hậu vệ, tiền vệ. Mỗi trận, Lee Nguyễn lại chơi với những đối tác khác nhau.
CLB TP.HCM không thể trông đợi lối chơi đẹp mắt, lôi cuốn chỉ với sự hiện diện của Lee Nguyễn. Ảnh: Minh Chiến. |
Trong loạt trận giao hữu ở Cúp Tứ hùng, HLV Polking nói muốn xây dựng CLB TP.HCM lên bóng tuần tự từ hàng thủ. Lee Nguyễn là chất bôi trơn để cỗ máy vận hành ổn định, nhưng các cầu thủ của Polking không có kỹ thuật và tư duy đủ tốt để chơi bóng ngắn. CLB TP.HCM "gẫy" từ hàng thủ khi bóng bị đẩy sang hai biên thay vì chuyền cho tiền vệ. Ở hàng công, các tiền đạo "mệnh ai nấy đá", không quan sát, lắng nghe đồng đội.
Nhiều trận đấu, Lee Nguyễn lùi về đá ngang hai trung vệ để tịnh tiến bóng lên trên, rồi góp mặt sát 3 tiền đạo để tạo đột biến. Anh phải gồng gánh khối lượng công việc khổng lồ với mật độ thi đấu dày đặc. Chấn thương ở trận gặp HAGL là hậu quả tất yếu.
Thi đấu giữa hai tuyến phòng ngự - tấn công rời rạc, Lee Nguyễn không thể hóa thành Bruno Fernandes. Tiền vệ 34 tuổi như người nhạc trưởng vung đũa trong vô vọng giữa một dàn nhạc lệch tông. Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng CLB TP.HCM thích đá tấn công, kiểm soát bóng, nhưng con người trong tay Polking không đủ tốt để vận hành lối chơi này.
Năm tháng thi đấu cùng HLV Chung Hae-seong hay Toshiya Miura, các cầu thủ CLB TP.HCM đã quen với lối đá phòng ngự phản công và đẩy bóng dài lên cho tiền đạo xử lý. Lối chơi này khiến Polking và Lee Nguyễn trở thành những kẻ "lạc loài".
Nạn nhân của CLB TP.HCM
Chia sẻ với Zing hồi tháng 10/2019, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng của CLB TP.HCM nói đội bóng muốn chiêu mộ những cầu thủ vừa giỏi chuyên môn, vừa có danh tiếng để thu hút cổ động viên. Lee Nguyễn là mẫu cầu thủ như thế. Anh đá bóng giỏi, có gương mặt đẹp và có thần thái của một ngôi sao. Kỳ vọng Lee Nguyễn sẽ nâng tầm CLB TP.HCM là hợp lý.
Dù vậy, Lee Nguyễn chỉ là điều kiện cần trong cuộc cách mạng dang dở của CLB TP.HCM. Đội bóng của HLV Polking cần có lực lượng ổn định và chiến thuật hợp lý, phù hợp với con người hiện có. 3 tiền đạo ngoại của CLB TP.HCM, với vốn tiếng Anh bằng không và lối chơi "cắm mặt rê bóng", khiến tuyến tấn công đội bóng rơi vào trạng thái đứt gãy. Nhiều trận đấu, Lee Nguyễn giơ tay xin bóng ở vị trí trống trải nhưng không nhận được đường chuyền.
CLB TP.HCM như bức tranh với những miếng ghép rời rạc. Đội bóng này có nhiều cầu thủ tốt, nhưng chưa có đội ngũ huấn luyện đủ giỏi để phát huy khả năng. Các tiền đạo nội như Nguyễn Xuân Nam, Lâm Ti Phông, Hồ Tuấn Tài không được tạo cơ hội. Lê Sỹ Minh, Phan Thanh Hậu ít ra sân khi HLV Polking ưu tiên cặp tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh - Đỗ Văn Thuận, vốn giàu cơ bắp, sức mạnh nhưng thiếu sáng tạo. Chiến lược gia người Đức đang thiếu một kế hoạch cụ thể cho từng cầu thủ, Lee Nguyễn không phải ngoại lệ.
Bộ ba ngoại binh của CLB TP.HCM liên tục gây thất vọng. Ảnh: Y Kiện. |
Bóng đá là cuộc chơi tập thể, và bản thân Lee Nguyễn khi đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, đang phải "tự bơi" trong môi trường lạ lẫm. Áp lực lớn về thời gian và mật độ thi đấu cũng khiến Lee Nguyễn không có thời gian hòa nhập. Chỉ 2 ngày sau khi hoàn thành cách ly, Lee Nguyễn phải vào sân đá trận ra mắt. Hơn một tháng qua, Lee Nguyễn chơi 8 trận và thường phải thi đấu trọn vẹn 90 phút.
CLB Hà Nội từng thống trị V.League bằng tập thể ăn ý, chơi bóng nhiều năm cùng nhau từ đội trẻ. Nguyễn Quang Hải rất hay, nhưng không phải người "gánh" đội Hà Nội. Khi Quang Hải mờ nhạt, Nguyễn Văn Quyết, Phạm Thành Lương hay Lê Tấn Tài sẵn sàng lên tiếng.
HAGL đang đứng trên ngôi đầu nhờ lối chơi gắn kết mà Kiatisuk ấp ủ gây dựng ở sân Pleiku. Trong chuỗi trận thăng hoa của đội bóng phố Núi, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Công Phượng hay Trần Minh Vương thay nhau tỏa sáng. Trọng trách gánh vác đội bóng được san sẻ cho 11 cái tên cùng góp mặt trên sân. Sự đồng đều về đẳng cấp và toàn tâm, toàn ý trong lối chơi quan trọng hơn nhiều so với trình độ của từng ngôi sao đơn lẻ.
Trở lại V.League sau 9 năm, Lee Nguyễn là cánh én đơn độc, không thể mang đến mùa xuân khi gánh trên vai kỳ vọng quá lớn. Sự lẻ loi của cựu cầu thủ MLS cũng là minh chứng cho cách mạng lực lượng dang dở của CLB TP.HCM. Có nền tảng tài chính hùng mạnh, nhưng đến lúc này, đội bóng của HLV Polking chưa có chiến lược dài hạn để trở thành thế lực bóng đá Việt Nam.
Đội bóng này thiếu nhất quán trong kế hoạch tăng cường lực lượng, thay đổi ngoại binh "vô tội vạ" và HLV bị đánh giá là "chưa hiểu V.League". Ở sân Thống Nhất, sự ổn định và kiên nhẫn là điều xa xỉ.
Đá trong tập thể như thế, Lee Nguyễn khó phát huy hết được khả năng.