Hồi tháng 6, một đoàn đại biểu học giả Hồi giáo từ nhiều quốc gia tới Afghanistan để gặp giới lãnh đạo Taliban. Mục tiêu của họ là tác động tới các chính sách của tổ chức này.
Đoàn đại biểu - hoạt động trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) - hy vọng có thể thuyết phục Taliban cho phép trẻ em gái đến trường. Dù vậy, bất chấp các học giả đã trích kinh Qur'an như bằng chứng về “mệnh lệnh rõ ràng của thần thánh”, họ chỉ nhận được những tuyên bố mơ hồ từ phía chủ nhà.
Vài ngày sau chuyến thăm, lãnh đạo tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada - người trước đó từ chối gặp đoàn đại biểu, theo nguồn tin của Finacial Times - bày tỏ sự không hài lòng với nỗ lực vận động của cộng đồng quốc tế.
“Họ nói rằng: Tại sao các ngài không làm điều này? Tại sao các ngài không làm điều kia”, nhà lãnh đạo Taliban nói với giới học giả Afghanistan tại Kabul hôm 1/7. “Tại sao thế giới can thiệp vào công việc của chúng ta?”.
Trong một năm cầm quyền, Taliban đã đạt được một số thành tựu nhất định - điển hình là đối phó với tình trạng tham nhũng tràn lan tại Afghanistan. Dù vậy, tổ chức này cũng đang phải đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế trong nhiều vấn đề, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Hệ thống Hồi giáo mới
Sau khi trở lại nắm quyền tháng 8/2021, Taliban tìm cách đảo ngược cách thức Afghanistan được quản lý trong 20 năm trước đó. Giới lãnh đạo tổ chức này, vốn đã quen với cảnh cô lập và nghi ngờ các nước bên ngoài, tuyên bố họ đang xây dựng chế độ Hồi giáo chân chính duy nhất và tin rằng họ không có nhiều điều cần học từ thế giới.
“Cho đến nay, chúng tôi không thấy một hệ thống Hồi giáo chân chính nào”, một quan chức Taliban nói. “Dù Iran và Saudi Arabia tự coi bản thân là Hồi giáo, chúng tôi sẽ giới thiệu một hệ thống mới với thế giới”.
Các binh sĩ Taliban bên một tấm bích chương in hình nhà lãnh đạo Haibatullah Akhundzada. Ảnh: Reuters. |
Để hướng tới mục tiêu này, Taliban dẹp bỏ những gì họ coi là sự thối nát của các chính phủ được phương Tây hậu thuẫn trước đó. Họ cũng đưa các nhà tư tưởng và chiến binh nắm các vị trí quan trọng trong chính phủ, cũng như đàn áp các lãnh chúa địa phương để củng cố quyền lực.
Taliban cũng mong muốn chấm dứt sự phụ thuộc của Afghanistan vào viện trợ nước ngoài qua việc tăng cường và tập trung hóa việc thu thuế. Và đặc biệt, họ đang ban bố các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn về xã hội, bao gồm quyền của phụ nữ.
“Luật Hồi giáo là cơ sở của những điều được áp dụng tại Afghanistan”, ông Abdul Qahar Balkhi, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Afghanistan, nói.
Từ khi nắm quyền, Taliban đã bổ nhiệm một nội các tại Kabul. Nhiều quan chức và nhân viên của chế độ cũ được giữ lại hoặc đang được Taliban vận động quay lại làm việc.
Dù vậy, nhà lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhundzada và các cố vấn thân cận ở Kandahar vẫn có tiếng nói lớn. Trong khi một số bộ ngành đang cố gắng tiếp tục công việc trước đây, một số cơ quan khác đã thay đổi hoàn toàn hoặc không còn nữa. Ví dụ, Bộ Phụ nữ đã bị thay thế bằng Bộ Truyền bá Đạo đức và Ngăn ngừa Thói hư tật xấu.
Chiến dịch chống tham nhũng
Cho đến nay, chưa quốc gia nào công nhận chính quyền mới tại Afghanistan. Sau khi chính quyền cũ sụp đổ và binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút đi, các nhà tài trợ phương Tây đã cắt đứt Kabul khỏi các định chế tài chính và viện trợ quốc tế.
Mỹ và các đồng minh cũng áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận lên Afghanistan, đóng băng 9 tỷ USD của quốc gia này, cũng như dừng các khoản viện trợ vốn chiếm tới ba phần tư ngân sách chính phủ. Các biện pháp này tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế Afghanistan, khiến hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Để thúc đẩy nền kinh tế, Taliban tìm cách giảm thiểu các quy định và thủ tục giấy tờ trong xuất khẩu các sản phẩm - như trái cây và than - tới các nước láng giềng. Liên Hợp Quốc ước tính kim ngạch xuất khẩu của Afghanistan trong năm 2022 sẽ là 1,8 tỷ USD, tăng khoảng 1,5 lần so với con số 1,2 tỷ USD năm 2019.
Một điểm đổi tiền trên đường phố Kandahar, tháng 9/2021. Ảnh: AFP. |
Theo Taliban, khoản tiền này sẽ giúp họ có 231 tỷ afghani (khoảng 2,5 tỷ USD) ngân sách trong năm 2022, ít hơn nhiều so với con số 440 tỷ afghani năm 2020. Khoản tiền này sẽ giúp họ chi trả lương cho những viên chức ở khu vực công, nhưng không còn lại nhiều để đầu tư phát triển.
Theo ông Balkhi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Afghanistan, sự phụ thuộc của nước này vào viện trợ khiến Kabul không có đủ năng lực để tự khai thác tài nguyên. “Chúng tôi mong các lệnh cấm vận được dỡ bỏ để người dân Afghanistan có thể xây dựng được một mức độ an ninh nhất định và quyền được sống - không phải thông qua viện trợ”, ông nói.
Trọng tâm của dự án kinh tế này là việc chấm dứt tình trạng tham nhũng tràn lan trong chính quyền cũ - điều mà các chuyên gia nước ngoài đồng thuận với Taliban - vốn xuất hiện ở cả các lãnh chúa địa phương quyền lực đến những viên cảnh sát trên đường phố.
Một báo cáo được Bộ Ngoại giao Anh tài trợ hồi tháng 7 ước tính Taliban đã giúp cắt giảm tới 1,4 tỷ USD tiền hối lộ hàng năm, chỉ tính riêng lĩnh vực thương mại xuyên biên giới.
Dưới chính quyền cũ, “ngành khai mỏ nằm trong tay các lãnh chúa và nền kinh tế trong tay số ít gia đình”, theo người phát ngôn Bộ Tài chính Afghanistan Ahmad Wali Haqmal. “Khó có thể nói rằng chúng tôi đã dẹp bỏ hoàn toàn tham nhũng, nhưng chúng tôi đã cắt giảm tới mức tối thiểu”.
Bất đồng nội bộ
Theo các nhà phân tích và quan chức nước ngoài, Taliban đạt được thành công này nhờ kỷ luật nội bộ, sức mạnh quân sự và sự sợ hãi của các đối tượng tiềm năng.
Tuy nhiên, bất chấp kỷ luật trên, Taliban cũng phải đối mặt với nhiều tranh cãi nội bộ kể từ khi lên nắm quyền. Một trong số đó là về quyền đi học của trẻ em gái. Quyết định đóng cửa các trường trung học cho nữ sinh vô thời hạn được lãnh đạo tối cao Taliban đưa ra hồi tháng 3 được cho đã gây chia rẽ tổ chức.
Nữ sinh tại Kabul được đi học trở lại hôm 23/3. Chỉ vài giờ sau, các trường học lại bị yêu cầu đóng cửa. Ảnh: AFP. |
Một số quan chức cấp cao như Chánh án Tòa án Tối cao Afghanistan Abdul Hakim Ishaqzai ủng hộ lệnh cấm, trong khi một số nhân vật quyền lực khác - bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mohammad Yaqoob và Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani - phản đối, theo Financial Times.
Một quan chức Afghanistan thậm chí tuyên bố rằng “99% Taliban - từ cao cấp, trung cấp tới cấp thấp - ủng hộ việc tiếp tục cho trẻ em gái đi học”.
“Đối với thế giới bên ngoài, Taliban là một phong trào rất mạnh mẽ và gắn kết. Dù vậy, họ có nhiều rạn nứt nội bộ”, một quan chức nước ngoài nói. “Trước đây, họ là một phong trào kháng chiến với mục tiêu rõ ràng: Giành quyền lực. Giờ đây, mọi thứ đã phức tạp hơn nhiều”.
Tuy nhiên, cả các nhà phân tích và quan chức Taliban đều cho rằng với kỷ luật đã được rèn giũa trong hai thập kỷ chiến đấu, mọi tranh chấp đều sẽ không thể bùng phát thành một cuộc đối đầu công khai, gây nguy cơ chia rẽ tổ chức.
“Sự phục tùng trong Taliban rất cao”, một thành viên lâu năm chia sẻ. “Khi lãnh đạo tối cao tuyên bố đóng cửa trường học cho nữ sinh, trong thâm tâm tôi không mong muốn. Nhưng tôi sẽ tuân lệnh”.