Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nỗi ám ảnh nguy hiểm' của chính quyền TT Trump về Iran

Những cuộc tranh luận về Iran ở Washington đang ngày càng xa rời thực tế. Chính quyền Trump mắc kẹt trong nỗi ám ảnh nguy hiểm về Tehran.

Dù chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào nhận trách nhiệm vụ tấn công các tàu chở dầu trên vịnh Oman nhưng phía Mỹ đã đưa ra cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công này.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton kêu gọi tấn công quân sự nhằm trả đũa Iran. Cây viết Bret Stephens (khuynh hướng bảo thủ) của New York Times cho rằng Mỹ phải có biện pháp răn đe, đe dọa trả đũa đánh chìm các tàu quân sự của Iran.

Điều này không gây ngạc nhiên, nhất là đối với những người đã theo dõi cuộc tranh luận của Washington về Iran. Đó là những cuộc tranh luận đang ngày càng xa rời thực tế.

Mỹ cần tìm ra đối sách tốt nhất 

Chính quyền Iran được nhận định là rất nguy hiểm. Họ bị cáo buộc đàn áp người dân và tài trợ cho khủng bố tại Trung Đông. Vấn đề không còn nằm ở việc tranh cãi các hành động của Iran tốt hay xấu, mà phải tập trung tìm ra biện pháp tốt nhất để giải quyết những mối hiểm họa hiện nay, theo bình luận trên Guardian của Michael H Fuchs, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, từng giữ vị trí trợ lý thứ trưởng ngoại giao Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

noi am anh ve Iran cua chinh quyen Trump anh 1
Tàu chở dầu bốc cháy trong vụ tấn công ngày 13/6 tại vịnh Oman. Ảnh: Reuters.

Một trong những ưu tiên trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush và nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama là ngăn chặn các chương trình hạt nhân của Iran. Sau nhiều năm nỗ lực đàm phán và kêu gọi sự ủng hộ quốc tế, chính quyền ông Obama đã đạt được thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổng thống Trump đã xác nhận thỏa thuận vẫn còn hiệu lực. Trước, trong và sau thỏa thuận, Mỹ kiên quyết phản đối sự hậu thuẫn của chính quyền Iran với các phe khủng bố và tích cực củng cố khả năng phòng thủ cho Israel.

Những biện pháp này đối với Mỹ dường như là chưa đủ. “Nỗi ám ảnh về Iran” đã khiến giới cầm quyền Mỹ lựa chọn bắt tay với chính quyền Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất cũng như ủng hộ cuộc chiến tranh khốc liệt ở Yemen.

Thậm chí, một cơ quan liên bang gần đây được cho là đã tài trợ một nhóm tấn công các phóng viên và chuyên gia vì không có thái độ chống Iran. Năm 2015, ông John Bolton - nay đang giữ vị trí cố vấn an ninh Mỹ - thậm chí đã kêu gọi đánh bom Iran.

noi am anh ve Iran cua chinh quyen Trump anh 2
Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton từ lâu đã được biết tới là người có tư tưởng “diều hâu” về vấn đề Iran. Ảnh: Rex/Shutterstock.

Thay vì đặt ra những mục tiêu hay chiến lược để giải quyết vấn đề, Mỹ dường như đang mắc kẹt trong “nỗi ám ảnh về Iran”. Các đồng minh của Mỹ từ châu Âu đến châu Á lo ngại nỗi ám ảnh này ảnh hưởng tới các chính sách của Mỹ và băn khoăn điều gì đã khiến Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân từng được cho là rất thành công.

Điều này gợi nhớ lại những sự kiện năm 2017 khi nội bộ Mỹ dấy lên hàng loạt các chỉ trích và kiến nghị rất nông nổi và khinh suất về việc đánh bom Triều Tiên, thậm chí là khởi đầu chiến tranh hạt nhân bất chấp hậu quả nặng nề có thể xảy ra.

Đáng lo ngại nhất, nó cũng giống như thời điểm năm 2003 khi sắp diễn ra cuộc chiến tranh Iraq, chính quyền Tổng thống Bush khi đó thậm chí đã nói dối về việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có liên quan tới khủng bố khiến người Mỹ bị “bơm” vào đầu suy nghĩ cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq sẽ dễ dàng chiến thắng và Mỹ được chào đón như những người giải phóng.

Nguy cơ xảy ra xung đột ngày càng lớn

Những thông tin về hội nghị cấp cao liên quan tới Iran tại trụ sở CIA trước những lần cảnh cáo Tehran gần đây làm dấy lên mối quan ngại trong công chúng về việc chính trị hóa các cơ quan tình báo của Mỹ - như đã diễn ra từ trước chiến tranh Iraq.

Hệ quả là căng thẳng giữa các bên ngày một leo thang và nguy cơ diễn ra xung đột ngày càng lớn. Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump khẳng định không muốn chiến tranh xảy ra nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là đã nói về quyền sử dụng quân sự (Authorization to Use Military Force - AUMF) ban hành năm 2001 (hệ quả từ sự kiện 11/9), có thể khởi động cuộc chiến tranh Iran, dù trên thực tế AUMF chưa thể làm điều này.

Mỹ cần phải nhìn nhận lại và có một cuộc đối thoại thực sự về Iran, cũng như không thể để “nỗi ám ảnh Iran” chi phối những chính sách tại Trung Đông. Israel hiện đã có lực lượng quân sự mạnh nhất khu vực, và với sự hậu thuẫn của Mỹ, Israel hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình.

Nước Mỹ sẽ tiếp tục chống các phe khủng bố do Iran tài trợ mà không cần phải mù quảng ủng hộ những nước lân cận Iran như Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất trên danh nghĩa chống Iran. Chính quyền các quốc gia này cũng đàn áp người dân, châm ngòi xung đột trong khu vực, tài trợ khủng bố và tuyên truyền tư tưởng cực đoan với mục đích phi nhân đạo.

Để xây dựng đối sách phù hợp, Mỹ cần đặt mình vào vị trí của Iran để hiểu được vấn đề. Sau khi Mỹ xâm lược hai nước láng giềng của Iran là Afghanistan và Iraq, căng thẳng ngày một leo thang khi Tehran kiên quyết phát triển vũ khí hạt nhân và theo đuổi các cuộc xung đột đẫm máu với lính Mỹ tại Iraq. Mỹ cho rằng Iran quá hiếu chiến còn Iran lo ngại việc Mỹ đang âm mưu bao vây quốc gia này.

Theo nhận định của ông Fuchs, thay vì ám ảnh, Washington cần phải đối thoại với Tehran. Trong quá khứ, chiến lược gây áp lực cùng đối thoại đàm phán đã giúp hai bên đạt được thỏa thuận hạt nhân. Mỹ nên đàm phán với Iran về tương lai của Afghanistan và Iraq cũng như về an ninh khu vực, kết hợp với gây sức ép như đã từng làm.

Iran cũng góp phần không nhỏ đẩy cuộc khủng hoảng lên đến cao trào. Trước việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, Iran tuyên bố sẽ làm giàu uranium vượt xa giới hạn đã thỏa thuận. Nếu Iran nhận trách nhiệm về các vụ tấn công tàu chở dầu, một loạt các hành động trả đũa theo đó sẽ diễn ra, đẩy cao nguy cơ chiến tranh giữa hai bên.

Chính vì vậy, Mỹ cần phải chấm dứt “nỗi ám ảnh” của mình và thực hiện đối chất với Iran cũng như đưa ra những chiến lược phù hợp.

Mỹ công bố video cáo buộc Iran dỡ ngư lôi khỏi tàu chở dầu bị tấn công Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố đoạn video mà nước này cho rằng quân đội Iran đang dỡ ngư lôi chưa nổ khỏi mạn con tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman.

Nga tố Mỹ khiêu chiến Iran, TQ cảnh báo 'đừng mở hộp Pandora'

Giới chức ngoại giao Nga kêu gọi Mỹ từ bỏ những kế hoạch khiêu khích nhằm triển khai thêm quân đội đến Trung Đông, chấm dứt những hành động cố tình khiêu chiến với Iran.



Khánh Linh

Bạn có thể quan tâm