Theo Bloomberg, hai trong số những nhân vật quyền lực nhất của cuộc chiến chống dịch Covid-19 toàn cầu đã mặt đối mặt tại một hội nghị trực tuyến hồi tháng 7.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - chỉ trích dữ dội "sự thiếu công bằng đáng kinh ngạc" trong việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19.
Ông cho biết không thể chấp nhận được việc các nhà sản xuất ưu ái cung cấp vaccine và liều bổ sung cho những nước giàu. "Thành thật mà nói, tôi không thấy được sự cam kết mà tôi mong đợi từ các vị", ông Tedros nói với những nhà phát triển vaccine.
Đáp trả, ông Albert Bourla - Giám đốc điều hành của Pfizer Inc. - nói rằng ông Tedros đã phát biểu "đầy cảm tính".
Cuộc đối thoại đã phơi bày một sự thật. Đó là tình trạng bất bình đẳng vaccine không tự xảy ra, mà là kết quả của những quyết định đến từ các giám đốc điều hành và quan chức chính phủ.
Ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer Inc. Ảnh: Bloomberg. |
Bất bình đẳng vaccine
Gần một năm sau khi mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được tiêm, những nhà sản xuất phương Tây và các lãnh đạo y tế cộng đồng vẫn chật vật tìm tiếng nói chung.
Người Mỹ và châu Âu - với tỷ lệ tiêm chủng cao - đang bắt đầu bước vào thời kỳ hậu Covid-19. Nhưng virus vẫn lan tràn khắp thế giới. Tính đến tháng 11, chỉ 6% người dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ.
Cách đây một năm, Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson đã có chung điểm xuất phát. Đó là giao hầu hết liều vaccine đến những quốc gia giàu có hơn. Nhưng sau đó, họ đã có hướng đi khác nhau.
AstraZeneca nhanh chóng đẩy mạnh cung cấp cho các nước nghèo hơn, chủ yếu thông qua việc cấp phép công thức cho một nhà sản xuất ở Ấn Độ.
Trong khi đó, Pfizer và đối tác BioNTech của Đức dự kiến tạo ra doanh thu khoảng 36 tỷ USD trong năm nay nhờ vaccine Covid-19. Các dữ liệu chỉ ra Pfizer là nguồn cung cấp hàng đầu của những quốc gia giàu có nhất.
Trong những tháng gần đây, Pfizer bắt đầu đẩy mạnh cung cấp vaccine cho phần còn lại của thế giới. Tính đến ngày 7/11, hãng đã vận chuyển hơn 658 triệu liều đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên tổng số 2 tỷ liều được giao.
Theo Pfizer, đến cuối năm, con số dự kiến đạt 1,1 tỷ liều trong số khoảng 3 tỷ liều được sản xuất. Nhưng có một điều không thay đổi. Đó là ông Bourla vẫn giữ kín công thức của vaccine.
Người Mỹ và châu Âu đang bắt đầu bước vào thời kỳ hậu Covid-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Nhưng tính đến tháng 11, chỉ 6% người dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: AFP. |
Một số quốc gia - dẫn đầu là Ấn Độ và Nam Phi - đề xuất với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và các phương pháp điều trị Covid-19.
Ông Bourla quyết liệt phản đối những lời kêu gọi chia sẻ công nghệ của mình. Ông gọi quyền sở hữu trí tuệ là "máu của khu vực tư nhân". Trong khi đó, về lý thuyết, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp tạo ra nhiều liều vaccine hơn.
"Ngành công nghiệp đang trên đà sản xuất đủ vaccine cho toàn thế giới vào những năm sau", Pfizer lập luận.
Hồi tháng 6, Pfizer đồng ý bán 500 triệu liều vaccine với giá gốc cho Mỹ để phân phối tới những quốc gia thu nhập thấp, sau đó tăng gấp đôi quy mô lên 1 tỷ liều.
Nhưng sau khi thực hiện thỏa thuận đó, hãng dược Mỹ từ chối các cuộc đàm phán về một thỏa thuận cung cấp lớn hơn với COVAX - chương trình được WHO lãnh đạo nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vaccine đối với các nước nghèo.
"Cách làm của họ là, hãy để chúng tôi kiểm soát nguồn cung và chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia để tăng cường những khoản đóng góp", Bloomberg dẫn lời giáo sư Brook Baker tại Northeastern University bình luận.
"Ngành công nghiệp biết rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ là mối đe dọa đối với mô hình kinh doanh của họ", ông bình luận.
Giữ kín công thức
Ông Bourla nói với các nước nghèo rằng hãy nhanh tay mua vaccine của Pfizer. Bởi ở những nước giàu, chi phí một mũi tiêm chỉ bằng một bữa ăn nhanh, khoảng 20 USD. Con số này giảm 50% đối với các quốc gia thu nhập trung bình. Phần còn lại của thế giới sẽ được bán với giá gốc.
"Họ nên đặt hàng cho năm 2022", ông nói với Bloomberg.
Khi được hỏi liệu việc phân phối vaccine có liên quan đến số ca nhiễm Covid-19 tại một quốc gia hay không, ông Bourla trả lời thẳng thắn: "Không. Nó liên quan tới số liều chúng tôi có và ai muốn mua chúng", ông nói.
"Ở thời điểm hiện tại, hầu hết cuộc thảo luận là với những quốc gia có thu nhập trung bình và cao, chủ yếu là nước thu nhập cao", ông nói thêm.
Trong khoảng thời gian đầu, Pfizer chủ yếu bán vaccine cho các nước thu nhập cao. Hãng giải thích rằng những nước nghèo hơn đã lựa chọn đặt hàng tại các nhà sản xuất khác.
Theo Pfizer, cơ sở vật chất tại các quốc gia nghèo hơn cũng là rào cản đối với việc phân phối, bảo quản và sử dụng vaccine. "Cùng với đó là những vấn đề về nhu cầu và niềm tin vào vaccine", đại diện hãng nói thêm.
Ngay cả khi hoàn tất giao dịch, quá trình sản xuất và vận chuyển cũng tốn nhiều thời gian. Trong số các liều vaccine được Pfizer cam kết bán cho Mỹ để phân phối sang những quốc gia khác, khoảng 80% sẽ được giao vào năm sau.
Pfizer và đối tác BioNTech của Đức dự kiến tạo ra doanh thu khoảng 36 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Reuters. |
Hồi đầu tháng 5, Moderna đã đạt được thỏa thuận với COVAX để cung cấp 500 triệu liều. Nhưng hầu hết trong số đó sẽ được xuất xưởng vào năm tới.
Vào tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã cùng bảo trợ cho đề xuất với WTO nhằm tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ. Khác với ông Bourla, Moderna hứa sẽ không hiệu lực hóa các bằng sáng chế liên quan đến Covid-19 trong thời kỳ đại dịch.
AstraZeneca theo đuổi mô hình định giá phi lợi nhuận và chuyển giao công nghệ được cấp phép cho các nhà sản xuất trên khắp thế giới. Johnson & Johnson cũng có cách làm tương tự.
Tôi sẽ không im lặng khi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vaccine trên toàn cầu cho rằng những nước nghèo nên dùng "đồ thừa"
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới
Hơn 120 quốc gia, bao gồm Mỹ, hiện ủng hộ hoặc chính thức bảo trợ cho đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ. Vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng của WTO bắt đầu vào cuối tháng này.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu phản đối và đưa ra một loạt biện pháp mà họ cho rằng sẽ cho phép các nước đang phát triển sử dụng những công cụ thương mại hiện có để mở rộng năng lực sản xuất. Anh, Thụy Sĩ và Na Uy cũng phản đối đề xuất này.
"Tôi đã rất bàng hoàng. Tôi sẽ không im lặng khi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vaccine trên toàn cầu cho rằng những nước nghèo nên dùng 'đồ thừa'", ông Tedros chỉ trích.
Với những lời kêu gọi mở rộng phân phối, các nhà sản xuất đã tìm những cách thay thế. Chẳng hạn, hồi tháng 7, Pfizer cho biết đang đặt mục tiêu bắt đầu đóng ống vaccine tại một công ty nhỏ ở Nam Phi vào năm 2022. Đích đến của hãng là sản xuất 100 triệu liều/năm cho Liên minh châu Phi.
Vào tháng 8, hãng cũng công bố thỏa thuận tương tự với Eurofarma Laboratorios của Brazil.
Moderna có thể chọn một con đường khác. Hãng đang đàm phán với Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (một tổ chức phi lợi nhuận được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhằm phân phối thuốc và công nghệ rộng rãi hơn) về việc tham gia vào trung tâm vaccine mRNA ở Nam Phi.
Công ty cũng sẽ cung cấp tới 110 triệu liều cho Liên minh châu Phi với giá 7 USD/liều.