Theo New York Times, năm ngoái, Pfizer đã đưa ra quyết định lớn trong cuộc chạy đua vaccine ngừa Covid-19. Khi nhiều đối thủ khác thề không kiếm lợi nhuận, Pfizer dự định thu lợi từ vaccine do hãng phát triển.
Theo báo cáo mới đây của Pfizer, vaccine đã mang lại 3,5 tỷ USD doanh thu trong quý I/2021, chiếm gần 25% tổng doanh thu của hãng. Vaccine từ lâu đã là nguồn doanh thu lớn nhất của công ty dược phẩm Mỹ.
Công ty không tiết lộ lợi nhuận thu được từ vaccine. Tuy nhiên, hãng nhắc đến tỷ suất lợi nhuận ước tính trước đó là 20%. Điều đó có nghĩa là hãng thu khoảng 900 triệu USD lợi nhuận trước thuế nhờ vaccine.
Tuy nhiên, New York Times nhận định khả năng tiếp cận vaccine Pfizer trên toàn cầu không đồng đều. Điều đó trái ngược với cam kết của giám đốc điều hành hãng dược rằng các quốc gia nghèo hơn "có quyền tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 giống với phần còn lại của thế giới".
Vaccine đã mang lại 3,5 tỷ USD doanh thu cho Pfizer trong quý I/2021. Ảnh: Reuters. |
Phục vụ các nước giàu
Tính đến giữa tháng 4, các quốc gia giàu đã nhận 87% trong số hơn 700 triệu liều vaccine được phân phối trên thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Những nước nghèo chỉ nhận 0,2%. Ở các nước giàu, cứ 4 người thì một đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tỷ lệ tại những nước nghèo là một trên 150 người.
Pfizer cam kết cung cấp vaccine trên toàn cầu. Hôm 4/5, hãng thông báo đã giao 430 triệu liều đến 91 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng phát ngôn viên Sharon Castillo của Pfizer không tiết lộ bao nhiêu liều trong số đó được chuyển tới các nước nghèo. Đó là những quốc gia hãng cho biết sẽ không thu lời từ việc bán vaccine.
Các số liệu của WHO chỉ ra Pfizer đã hỗ trợ rất ít cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Hãng dược Mỹ cam kết đóng góp 40 triệu liều cho COVAX - chương trình do WHO khởi xướng nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các loại vaccine ngừa Covid-19. Con số đó chiếm chưa đến 2% trong số 2,5 tỷ liều mà Pfizer và đối tác phát triển BioNTech dự định sản xuất trong năm 2021.
Kể từ khi bắt đầu giao vaccine vào tháng 2, khoảng 960.000 liều vaccine Pfizer đã được chuyển đến những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Bà Clare Wenham - chuyên gia về chính sách y tế tại Trường Kinh tế London - nhận xét số vaccine Pfizer cam kết với COVAX chỉ là "hạt cát trên sa mạc".
CEO Pfizer Albert Bourla. Ảnh: AP. |
Johnson & Johnson và AstraZeneca đều tuyên bố sẽ bán vaccine không lợi nhuận trong thời kỳ đại dịch. Ngay cả trước khi bán vaccine Covid-19, Pfizer đã đạt lợi nhuận 9,6 tỷ USD trong năm ngoái.
Pfizer thường xuyên nhấn mạnh rằng họ không sử dụng các quỹ liên bang được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra. Tuy nhiên, BioNTech đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ chính phủ Đức trong kế hoạch phát triển vaccine chung với Pfizer.
Khoản lời Pfizer thu được từ việc bán vaccine Covid-19 cũng không rõ ràng. Chẳng hạn, Mỹ trả 19,5 USD cho mỗi liều vaccine Pfizer. Trong khi đó, Israel phải trả tới 30 USD/liều. Liên minh châu Âu mới đây đồng ý mua thêm vaccine Pfizer. Tuy nhiên, công ty không tiết lộ giá bán.
"Ở Pfizer, chúng tôi tin rằng mọi người đều xứng đáng được chú ý, lắng nghe và quan tâm", Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla khẳng định hồi tháng 1. "Chúng tôi chia sẻ sứ mệnh của COVAX và tự hào được hợp tác để các nước đang phát triển có thể tiếp cận vaccine như phần còn lại của thế giới", ông nhấn mạnh.
Không giữ lời hứa
Tuy nhiên, theo New York Times, hãng dược Mỹ dường như ưu tiên lợi nhuận hơn cả. Nhiều yếu tố phơi bày sự không công bằng trong việc phân phối vaccine của Pfizer.
Ông Bourla đã kiếm 21 triệu USD chỉ trong năm ngoái. Các số liệu tài chính được Pfizer báo cáo hôm 4/5 cũng chỉ ra vaccine Covid-19 đang tạo ra bao nhiêu tiền cho công ty.
Pfizer ăn chia doanh thu vaccine với đối tác BioNTech. Hồi tháng 3, BioNTech cho biết đã đạt doanh thu 10 tỷ euro (tương đương 11,8 tỷ USD) dựa trên các đơn đặt hàng vaccine thời điểm đó.
Loại vaccine này sẽ tiếp tục tạo ra doanh thu đáng kể cho Pfizer và BioNTech, nhất là khi người dân có thể phải tiêm nhắc lại thường xuyên. Hôm 4/5, Pfizer cho biết họ kỳ vọng sẽ đạt 26 tỷ USD doanh thu từ vaccine trong năm 2021, tăng so với ước tính trước đó là 15 tỷ USD.
"Chúng tôi tin rằng mọi người có khả năng có nhu cầu lâu dài đối với vaccine Covid-19, tương tự vaccine cúm", ông Bourla nói với các nhà phân tích.
"Từ vaccine chống đại dịch, vaccine Covid-19 sẽ trở thành một loại hình kinh doanh vaccine thông thường. Và Pfizer sẽ có lợi thế rất lớn. Chúng ta không chỉ sở hữu sức mạnh dữ liệu mà còn đã phát triển giá trị thương hiệu đáng kể và niềm tin với mọi người", vị CEO khẳng định.
Nếu được lựa chọn, các hãng dược sẽ không cộng tác và chia sẻ kiến thức của họ
Mustaqeem De Gama, đại diện của Nam Phi tại WHO
Điều đó có thể khiến vaccine trở thành một trong những dược phẩm bán chạy nhất từ trước đến nay. Thuốc ngăn ngừa bệnh tim mạch của Pfizer, Lipitor, hiện dẫn đầu với doanh thu khoảng 125 tỷ USD trong vòng hơn 15 năm.
Các hãng dược phẩm không muốn bị coi là thu lợi từ đại dịch. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chịu áp lực nới lỏng những biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ và cho phép các nước nghèo sản xuất những phiên bản vaccine giá phải chăng hơn. Pfizer và các công ty dược phẩm khác kiên quyết phản đối những đề xuất này.
Một nhóm nước đang phát triển, do Nam Phi và Ấn Độ dẫn đầu, đã đề xuất với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc nới lỏng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 trong đại dịch.
Đề xuất này nhằm gây áp lực cho các công ty dược phẩm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine cho những nước đang phát triển, thông qua giảm giá hoặc hợp tác với các công ty khác để tăng công suất.
"Nhưng nếu được lựa chọn, các hãng dược sẽ không cộng tác và chia sẻ kiến thức của họ", ông Mustaqeem De Gama, đại diện của Nam Phi tại WTO, nhận định.