Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nợ công tính lại đã lên 66,4% GDP

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán lại, nợ công trong năm 2014, nếu tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng là 5% nợ công trong nước thì sẽ là 66,4% GDP.

Trong nhiều báo cáo gửi tới các kỳ họp Quốc hội gần đây, Chính phủ đều khẳng định nợ công vẫn ở mức an toàn. Theo Luật Quản lý nợ công 2009, phạm vi tính nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương.

Như vậy, phạm vi xác định nợ công của Việt Nam khác với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) là không bao gồm ba khoản nợ: nợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội.

Thay đổi cách tính

Từ thực tế này, một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nợ công cho rằng, phạm vi xác định nợ công theo Luật Quản lý nợ công còn có một số bất cập và chưa tính đầy đủ một số khoản nợ có bản chất là nợ công, làm ảnh hưởng đến sự chính xác và cập nhật của số liệu nợ công.

Bộ này phân tích sự khác nhau giữa cách tính nợ công của Việt Nam và các tổ chức quốc tế như sau:

Thứ nhất, về nợ NHNN. Theo luật, NHNN không có chức năng thực hiện các khoản vay thay Chính phủ và các khoản vay nợ khác có bản chất nợ công (trên thực tế, NHNN được Nhà nước ủy quyền để đàm phán và ký kết các khoản nợ); các khoản nợ NHNN chỉ là công cụ của chính sách tiền tệ không phải để chi tiêu, không có rủi ro thanh toán vỡ nợ, không được tính vào nợ công là hợp lý.

Thứ hai, về nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội. Hiện nay quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) còn kết dư nên chưa phát sinh nợ vay. Khi quỹ BHXH, BHYT mất cân đối thu chi dẫn đến phải vay nợ để chi trả bảo hiểm thì Chính phủ phải đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cuối cùng nếu các tổ chức này không trả được nợ. Do đó, về bản chất nợ của các tổ chức BHXH, BHYT cần được tính vào nợ công.

Nếu tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng là 5% thì nợ công trong nước sẽ là 66,4% GDP.

Nếu tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng là 5% thì nợ công trong nước sẽ là 66,4% GDP.

Thứ ba, về nợ của DNNN và các tổ chức tài chính - tín dụng của Nhà nước. Nếu tính toàn bộ nợ phải trả của khu vực DNNN vào nợ công thì tính thừa (bị trùng lắp với số nợ đã được Chính phủ bảo lãnh, tính cả số nợ DNNN có khả năng trả nợ và tính cả số nợ mà chưa phát sinh nghĩa vụ trả thay của Nhà nước). Nếu loại bỏ hoàn toàn nợ của khu vực DNNN ra khỏi nợ công thì tính thiếu (chưa tính đủ các khoản nợ có bản chất nợ công và các khoản nợ xấu mất khả năng thanh toán mà Nhà nước phải trả thay sẽ chuyển thành nợ công).

Do vậy, chỉ nên tính vào nợ công số nợ mà DNNN không có khả năng thanh toán, buộc Chính phủ phải có nghĩa vụ thanh toán thay và các khoản nợ ngầm định khác.

Đối với các khoản nợ phải trả của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (các khoản nhận tiền gửi, tiền vay và các khoản nợ phải trả khác, trừ các khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh), không tính vào nợ công là không phù hợp. Theo điều lệ, các tổ chức này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán.

Từ thực tế trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán lại, nợ công nếu tính thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng là 5% nợ công trong nước (49.500 tỷ đồng, hay 1,38% GDP) thì sẽ là 2,656 triệu tỷ đồng, hay 66,4% GDP trong năm 2014. Như vậy, sẽ chênh lệch tới 6,5 điểm phần trăm so với nợ công được công bố. Nợ công, theo Luật Quản lý nợ công là 2,395 triệu tỷ đồng, hay 59,9% GDP đến cuối năm 2014.

Thêm tiêu chí đánh giá an toàn nợ công

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận xét, các báo cáo của các cơ quan quản lý về nợ công chỉ công bố chỉ tiêu “nghĩa vụ trả nợ chính phủ/tổng thu ngân sách”, mà không công bố chỉ tiêu “nghĩa vụ trả nợ công/tổng thu ngân sách”, dẫn đến kết quả đánh giá mức độ rủi ro trả nợ công chưa đầy đủ.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thêm các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn nợ công Việt Nam như khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách (tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ công so với tổng thu ngân sách hàng năm); mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm; tỷ lệ nợ công/GDP; các tiêu chí khác: chất lượng và rủi ro nợ công; mức độ năm chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài theo tiêu chí của IMF/WB; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển; hệ số tín nhiệm của quốc gia…

Báo cáo của bộ này đánh giá khả năng trả nợ từ nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn chế, và nợ công còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên mức độ an toàn nợ công là không bền vững. Bộ này cũng phân tích các chỉ tiêu về khả năng trả nợ.

Chẳng hạn, nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách lớn hơn 30% (giai đoạn 2013- 2015 lần lượt là 33%, 38%, 45%). Bội chi ngân sách liên tục 10 năm (bình quân giai đoạn 2006- 2015 là âm 5,43% GDP). Bội chi lớn hơn chi đầu tư phát triển (năm 2014, 2015 tương ứng là 54,9 và 31.000 tỷ đồng). Chi thường xuyên nhỏ hơn thu từ thuế, phí và lệ phí (năm 2014, 2015 tương ứng là 74,8 và 14.100 tỷ đồng).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ tổng nghĩa vụ trả nợ công/thu NSNN lên tới gần 38% trong năm 2014 và 45% năm 2015; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ chính phủ/thu NSNN vào khoảng gần 26% năm 2014 và 32% năm 2015. Điều này cho thấy, các tỷ lệ trả nợ đang ở mức cao và có xu hướng tăng, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn nợ công.

Bên cạnh đó, cân đối nguồn trả nợ trong NSNN không đủ, vay để trả nợ gốc ngày càng tăng. Vay trả nợ gốc năm 2014 gần 80.000 tỷ đồng; năm 2015 là 130.000 tỷ đồng

Hơn nữa, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực.

Cuối cùng, Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất lao động bình quân thấp và giảm dần gây áp lực tăng nợ công.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho rằng, rủi ro vỡ nợ của Việt Nam là thấp. Bộ này lý giải, nợ vay trong nước (năm 2013 là 51%, năm 2014 là 54%) có tỷ trọng cao hơn nợ vay nước ngoài, có xu hướng tăng, tuy kỳ hạn nợ ngắn phải đảo nợ nhưng mức độ đảm bảo thanh toán cao. 

Bên cạnh đó, nợ vay nước ngoài (năm 2013 là 49%, năm 2014 là 46%) có tỷ trọng thấp hơn nợ vay trong nước, có xu hướng giảm và mức độ rủi ro rất thấp so với tiêu chuẩn an toàn của IMF và WB. Bộ này cho rằng, rủi ro rút vốn của nợ nước ngoài rất thấp, nên an ninh tài chính quốc gia đảm bảo. Vì lẽ đó, bộ đề xuất ngưỡng nợ công phù hợp bình quân giai đoạn 2015-2020 là 68% GDP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ngưỡng nợ công phù hợp bình quân giai đoạn 2015-2020 là 68% GDP.

'CPI đang ổn, tăng lương quá đổ dầu vào lửa'

Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, nếu điều chỉnh lương trong khi chỉ số giá (CPI) đang ổn định không khác gì đổ dầu vào lửa.

 

http://www.thesaigontimes.vn/136081/No%CC%A3-cong-tinh-lai-da-len-664-GDP.html

Theo Tư Hoàng/Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm