Vì sao lại có tình trạng này là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trước khi Quốc hội thảo luận về tình hình NSNN năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.
- Năm 2014, ngân sách tăng thêm 80.820 tỷ đồng so với dự toán (863.520 tỷ đồng), đáng ra bội chi phải giảm, song vì sao, bội chi lại vẫn tăng, thưa ông?
- Không kể số tăng thu viện trợ được sử dụng cho các mục tiêu đã xác định, năm 2014, so với dự toán, thu Ngân sách Trung ương tăng 37.130 tỷ đồng; ngân sách địa phương tăng 41.750 tỷ đồng. Tổng cộng thu ngân sách tăng 78.880 tỷ đồng, nhưng chi ngân sách tăng 80.820 tỷ đồng, nên bội chi đã tăng từ 5,3% GDP lên 5,69% GDP.
- Ông có lo ngại không khi mấy năm gần đây không giữ được mức bội chi theo Nghị quyết của Quốc hội?
- Bội chi là thu không đủ chi, làm không đủ tiêu, vì thế, không phải ở góc độ tài chính quốc gia, ngay cả ở góc độ gia đình, cá nhân, nếu làm không đủ tiêu thì ai cũng lo, nên về nguyên tắc, cần phải giảm dần bội chi, tiến tới cân bằng thu - chi.
Đánh giá lại tình hình thu - chi ngân sách mấy năm qua, tôi nghĩ cũng không quá lo lắng. Đơn cử như năm 2014, mặc dù so với GDP, bội chi tăng từ 5,3% lên 5,69%, nhưng về số tuyệt đối vẫn giữ được mức 224.000 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền bội chi để cho đầu tư phát triển, chứ không dành cho chi tiêu thường xuyên.
Nguyên nhân chính của bội chi là do nguồn vốn ODA vay nước ngoài giải ngân tăng mạnh, nên trong nước phải bố trí nguồn vốn đối ứng cao hơn nhiều so với dự toán.
Cụ thể, năm 2014, ngân sách dành tới 208.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, tăng 45.000 tỷ đồng (27,6%) so với dự toán, còn nếu so với con số được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, thì chi cho đầu tư phát triển tăng 38.940 tỷ đồng. Điều này, theo tôi là đáng mừng, chứ không phải đáng ngại, vì nền kinh tế rất cần vốn để phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. |
Bội chi còn do mấy năm gần đây, chúng ta liên tục giảm các loại thuế với mức độ khá cao khiến tốc độ tăng thu không bằng các năm trước. Điều này cũng là đáng mừng, vì sau nhiều lần giảm, mặt bằng thuế suất của Việt Nam rất cạnh tranh, là điều kiện quan trọng để cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khuyến khích tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
- Hiện tại, bội chi chỉ tính với Ngân sách Trung ương, nhưng khi Luật NSNN sửa đổi có hiệu lực (từ ngày 1/1/2017), thì bội chi phải tính cả bội chi ngân sách địa phương. Nếu tính theo quy định mới thì bội chi phải lên đến 8-9% GDP?
- Theo quy định của Luật NSNN sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp này, bội chi ngân sách bao gồm cả bội chi Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, nên nhiều người cho rằng, bội chi cao hơn khá nhiều so với hiện nay.
Theo tôi, tính toán này không chính xác, vì hiện tại, bội chi chủ yếu là do Ngân sách Trung ương chi lớn hơn thu, còn tuyệt đại đa số các địa phương đều thu vượt chi với tổng số thu vượt dự toán lên tới 41.750.000 tỷ đồng.
- Nhưng Luật NSNN sửa đổi mở rộng cửa cho các địa phương huy động vốn để đầu tư phát triển, nhiều người lo ngại bội chi ngân sách địa phương sẽ tăng rất mạnh, thưa ông?
- Theo quy định hiện hành, trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm thì được phép huy động vốn không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh (trừ Hà Nội và TP HCM được huy động 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản).
Để tạo điều kiện cho các địa phương đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, Luật NSNN sửa đổi nâng tỷ lệ huy động vốn lên không quá 150% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh (Hà Nội và TP HCM). Đối với các địa phương khác, tùy thuộc vào tình hình thu ngân sách, tỷ lệ này được khống chế là 100%, 50% và 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Nhưng không phải địa phương nào cũng được huy động vốn, mà chỉ có địa phương thu vượt dự toán và có khả năng trả nợ mới được huy động vốn, nên không lo địa phương huy động vốn thỏa mái, đầu tư kém hiệu quả dẫn đến bội chi và nợ công tăng cao.
- Khi Luật NSNN sửa đổi có hiệu lực, ông có hy vọng bội chi sẽ giảm?
- Tôi cho rằng, bội chi sẽ giảm bởi 3 lý do sau.
Thứ nhất, hiện tại, toàn bộ khoản thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đều đưa vào thu ngân sách, còn khoản hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu lại tính vào chi ngân sách. Quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế này đã dẫn tới bội chi vì kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, ngân sách phải tăng chi vượt dự toán để hoàn thuế. Còn theo quy định mới, thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu được tính bằng tổng số thu trừ đi số hoàn thuế GTGT tăng hàng xuất khẩu.
Thứ hai, bội chi được tính theo thông lệ quốc tế, tức là tính cả phần chi trả lãi từ trái phiếu chính phủ, khiến số chi trả nợ giảm xuống.
Thứ ba, quy định chỉ có địa phương bảo đảm khả năng trả nợ mới được huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản sẽ chấm dứt được tình trạng địa phương huy động tràn lan.