- Rất nhiều ĐBQH đặt vấn đề nguồn tăng thu ngân sách rất lớn, đạt 80.000 tỷ. Theo ông, điều này tạo cơ sở bố trí cho việc tăng lương không, bởi một trong những lý do năm trước hoãn tăng lương vì không bố trí được nguồn?
- Thực ra chỉ số giá năm 2014 chỉ có hơn 1,8 %, quý I vừa rồi lại giảm nên chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh lương.
- Ông có thể giải thích cụ thể, vì sao chỉ số giá thấp chưa thể đặt ra vấn đề điều chỉnh lương?
- Chỉ số giá không tăng quá mức nên ảnh hưởng đến giá trị lương, giá trị thực tế của đồng tiền không lớn. Nếu điều chỉnh lương trong khi chỉ số giá đang ổn định thế này thì quá bằng chuyện anh đổ dầu vào lửa. Tăng lương thì tăng tiền lưu thông, dẫn đến gia tăng. Tăng lương theo đó không có giá trị.
Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi. |
Điều chỉnh lương tối thiểu và điều chỉnh lương cơ sở phụ thuộc hai việc: tốc độ tăng trưởng tăng lên, chỉ số giá sinh hoạt tăng lên, làm ảnh hưởng giá trị thực tế của lương dẫn đến việc phải điều chỉnh lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Hai yếu tố này chưa đòi hỏi phải tăng lương trong giai đoạn hiện nay.
Tăng trưởng mới có cơ tăng lương
- Đòi hỏi của cử tri có căn cứ vì 2 năm vừa rồi đã hoãn lộ trình tăng lương với lý do không đủ nguồn, ngân sách khó khăn, thậm chí là không cân đối được dự toán. Bây giờ vượt thu lớn như vậy lại không đề cập đến tăng lương để bù đắp lộ trình có hợp lý, thưa ông?
- UB cải cách chính sách tiền lương nhà nước đã họp và xem xét, nếu từ nay đến 6 tháng cuối năm hoặc cuối năm, nếu nguồn thu tăng trưởng đạt được tốc độ như quý I thì chắc chắn sẽ xem xét để điều chỉnh lộ trình tăng lương cơ sở. Hôm trước từ 1.050 triệu đồng tăng lên được 1.150, bây giờ vẫn đang nợ công chức cái đó.
Lộ trình từ nay đến năm 2020, lương cơ sở phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức.
Khu vực có quan hệ lao động cho đến giờ phút này cứ 1/1 hàng năm chúng ta điều chỉnh, chỉ còn lương cơ sở thì Chính phủ phải xem xét khả năng tăng trưởng như thế nào. Nếu khả năng tăng trưởng được như quý I và II, III nhích lên thì mới có cơ. Phần tiền thu ngân sách tăng lên mới có cơ để cải cách chính sách lương.
Còn nếu xét điều kiện thứ 2 là về chỉ số giá sinh hoạt hiện nay đang giữ mức cân bằng, thậm chí còn giảm hơn, đời sống cũng chưa bị tác động bởi yếu tố giá nên việc tăng lương chưa cần thiết.
- Báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ vừa mới gửi đến QH nói rõ mức lương cơ sở của khối công chức mới chỉ bằng 44% lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp. Người ra trường chỉ khoảng 3, 5 triệu đồng/tháng, bộ trưởng cũng chưa được 15 triệu đồng, như vậy không có lý do gì để trì hoãn lộ trình tăng lương được nữa?
Kinh tế quý I mới tăng 6,03%, nhìn ra cũng chưa đủ căn cứ để nâng lương. Bởi theo nguyên tắc lương, tốc độ tăng năng suất lao động phải tăng nhanh hơn tốc độ tăng lương bình quân thì mới giữ được giá tiêu dùng.
Mục tiêu điều chỉnh lương tối thiểu vẫn là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta nhưng nó phải xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế và khả năng ngân sách cân đối để chi cho lương, để làm sao khi cải cách lương hay nói cách khác nâng lương tối thiểu không tác động đến đời sống, không làm ảnh hưởng đến giá cả sinh hoạt.