Đây là thông tin vừa được Bộ Tài chính chia sẻ trong thông báo cập nhật về tình hình quản lý nợ công trong bối cảnh tỷ giá quy đổi nhiều đồng ngoại tệ biến động mạnh từ đầu năm.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ Chính phủ ước đạt khoảng 3,283 triệu tỷ đồng. Trong đó, số dư nợ bằng tiền VNĐ chiếm 2,184 triệu tỷ, tương đương 66,5% tổng nợ Chính phủ.
Chiếm tỷ trọng cao thứ 2 là dư nợ bằng tiền USD, với số dư quy đổi ra tiền Việt khoảng 455.000 tỷ đồng, chiếm 13,9%. Tiếp đến là dư nợ vay bằng yen Nhật với số dư quy đổi 346.000 tỷ đồng (10,5%) và dư nợ bằng euro với số dư 179.000 tỷ đồng quy đổi (5,5%), còn lại là các đồng ngoại tệ khác.
Theo Bộ Tài chính, căn cứ theo tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến tháng 8, tỷ giá quy đổi USD ra tiền VNĐ vào khoảng 23.400 đồng/USD, tăng 1,1% so với đầu năm. Biến động này ước tính làm tăng dư nợ Chính phủ bằng tiền USD quy VNĐ khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, với đồng tiền chung châu Âu, hiện một euro đổi được 24.385 đồng Việt Nam, thấp hơn 9,5% so với đầu năm. Thay đổi này làm giảm dư nợ Chính phủ bằng euro 17.000 tỷ.
Tương tự, đồng yen Nhật hiện có giá bằng 180 đồng Việt Nam, giảm 13% so với đầu năm và làm giảm dư nợ Chính phủ bằng ngoại tệ này khoảng 45.000 tỷ đồng.
CƠ CẤU ĐỒNG TIỀN TRONG DANH MỤC NỢ CHÍNH PHỦ | ||||||
Nguồn: Bộ Tài chính; Tổng hợp | ||||||
Nhãn | VNĐ | USD | JPY | EUR | Khác | |
Dư nợ | tỷ đồng | 2184000 | 455000 | 346000 | 179000 | 119000 |
Như vậy, tính riêng biến động tỷ giá của 3 đồng ngoại tệ chính bao gồm USD, yên Nhật và euro, dư nợ Chính phủ tính đến nay đã giảm khoảng 57.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm 2% so với dư nợ cuối năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% và vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm. Các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, trong khi nợ nước ngoài giảm dần. Từ đó, giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Theo đánh giá của Bộ này, tình hình nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bị tác động không nhiều trước việc tăng giá của đồng USD. Bên cạnh đó, diễn biến dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn nằm trong dự báo từ đầu năm và vẫn được kiểm soát an toàn.
Đối với thị trường thứ cấp, giá giao dịch đồng bạc xanh hiện phổ biến được các ngân hàng quốc doanh niêm yết ở mức 23.230 - 23.500 đồng/USD (mua vào - bán ra). Trong khi đó, giá mua vào tại các ngân hàng tư nhân phổ biến ở 23.280 đồng/USD và bán ra cũng trên mức 23.500 đồng/USD.
So với một tuần trước, giá mua - bán USD tại hầu hết nhà băng đã hạ nhiệt. Tuy nhiên so với đầu năm, mức tăng của ngoại tệ này vào khoảng 2,2%.
Trong khi đó, giá bán euro hiện phổ biến ở mức 23.400 - 24.480 đồng/EUR (mua vào - bán ra). Dù đã tăng hơn 1,4% so với mức thấp hồi trung tuần tháng 7, so với đầu năm, đồng ngoại tệ này vẫn giảm tới 7,8%.
Tương tự, yen Nhật đầu năm nay phổ biến được mua vào ở mức 194 đồng/JPY và bán ra ở mức 203 đồng/JPY, đến nay đã giảm về mức 172 đồng/JPY (mua) và 181 đồng/JPY (bán), tương đương mức giảm ròng gần 11%.