Hai hãng sản xuất dụng cụ thể thao khổng lồ sẽ dựa vào 2 con át chủ bài Ronaldo (Nike) và Messi (adidas) ở thị trường hàng tỷ USD tại Brazil thông qua các sản phẩm giày bóng đá, áo và quần thi đấu.
Cả hai đều khẳng định mình chiếm thị phần nhiều hơn, nhưng các nhà phân tích cho rằng Nike có sự phát triển mạnh mẽ tại những thị trường bóng đá quan trọng. Hãng sản xuất dụng cụ thể thao khổng lồ của Mỹ cho tự tin sớm kiếm được nhiều tiền từ bóng đá hơn bóng rổ - môn thể thao mà họ gần như độc tôn.
Ngoại trừ Italia, những đội tuyển mạnh nhất thế giới đều dùng đồ Nike hoặc adidas. Ảnh: Dailly Mail. |
Adidas từng thống trị thị trường bóng đá và là nhà tài trợ chính thức của World Cup. Họ sẽ có “vai trò chủ đạo” tại World Cup ở Brazil, giám đốc điều hành Herbert Hainer đã cho biết trong tuần này.
Nike chỉ mới bước vào thị trường bóng đá từ năm 1990 nhưng đã có sự tăng trưởng tuyệt vời. Họ sẽ cung cấp trang phục thi đấu cho 10 đội bóng tại World Cup 2014 gồm: Australia, Brazil, Croatia, Anh, Hy Lạp, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, adidas chỉ còn cung cấp trang phục cho 8 đội thay vì 10 như World Cup 2010, gồm: ĐKVĐ Tây Ban Nha, Argentina, Nhật, Nigieria, Nga, Mexico, Đức và Colombia.
Magdalena Kondej, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về trang phục của công ty Euromonitor cho biết: “World Cup sẽ tác động lâu dài về hình ảnh thương hiệu cũng như thương hiệu người tiêu dùng trung thành trên toàn cầu. Vì thế, đội bóng nào chiến thắng, thi đấu thành công tại World Cup 2014 sẽ giúp thị phần của hãng tài trợ trang phục tăng”.
Vào thời điểm bắt đầu World Cup 2014, tức ngày 12/6, Nike hy vọng sẽ đạt doanh số 1 tỷ USD tại Brazil, theo lời giám đốc điều hành của họ. Nike tin tưởng trong 2 năm tới khi đến Olympic 2016, Brazil sẽ là thị trường lớn thứ 3 của họ sau Mỹ và Trung Quốc.
Với việc tài trợ cho ĐTQG, Nike chiếm thị phần vượt trội so với adidas tại Brazil. Ảnh: Getty Images. |
Theo ước tính của Euromonitor, thị trường đồ thể thao tại Brazil sẽ tăng lên 1,4 tỷ USD trong năm 2014, tương đương với 12,5%. Trong đó, Nike chiếm 12,1% thị phần và adidas chiếm 5,5% tại quốc gia này trong năm 2013. Rất khó để adidas thu hẹp khoảng cách tại Brazil khi ĐTQG nước này đang được Nike tài trợ áo đấu.
Ở phương diện truyền thông xã hội, Nike cũng đi trước Adidas khi có gần 3 triệu người dùng Twitter trong khi adidas chỉ có 780.000.
Tham vọng của Nike là biến bóng đá trở thành nguồn thu số 1 của mình, vượt qua bóng rổ. Hiện tại, doanh thu từ bóng đá của Nike là 2 tỷ USD/năm.