Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Niềm tin của doanh nghiệp Mỹ và châu Âu vào Việt Nam

Các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu muốn san sẻ với Việt Nam trong khoảng thời gian thử thách. Họ cũng đặt niềm tin vào cuộc chiến chống dịch và triển vọng của nền kinh tế đất nước.

Dich Covid-19 anh 1

Sau 24 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ông William P. Badger - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại trường Concordia International School, thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) - đang trải qua những ngày tháng đặc biệt.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, vị doanh nhân Mỹ bày tỏ lòng biết ơn với Việt Nam. Cuộc chiến kiên trì chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu năm 2020 của đất nước đã giúp ông giữ được cả sự an toàn lẫn công việc kinh doanh.

Ngay cả ở thời điểm hiện tại, khi đất nước đang đối phó với đợt bùng phát lần thứ 4, ông Badger vẫn giữ niềm tin vào cuộc chiến chống dịch và triển vọng của nền kinh tế.

"Tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam có thể tụt hậu một chút so với khu vực. Nhưng tôi tin rằng một khi có vaccine, các bạn sẽ làm rất tốt trong việc phân phối và đẩy mạnh chương trình tiêm chủng đại trà", ông chia sẻ.

Dich Covid-19 anh 2

Một số nhà cung cấp của các tập đoàn toàn cầu thông báo tạm dừng hoạt động nhà máy ở Việt Nam do những biện pháp hạn chế vì dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

Cuộc chiến không dễ dàng

Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham tại Hà Nội, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn ngừa đại dịch, nhiều doanh nghiệp thành viên của AmCham đang gặp phải những thách thức đáng kể.

"Điều này đặc biệt khó khăn ở TP.HCM và các tỉnh sản xuất phía Nam. Doanh nghiệp phải điều chỉnh nhiều hoạt động để đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh và những hạn chế ở thời điểm hiện tại", ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Zing.

Biến thể Delta nguy hiểm và dễ lây lan đã khiến số ca nhiễm virus gia tăng trên khắp thế giới, nhất là ở những quốc gia chưa được tiêm chủng rộng rãi như Việt Nam. "Để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân, Chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài hạn chế đi lại và hoạt động để ngăn mọi người tụ tập", ông Sitkoff nhận định.

Dich Covid-19 anh 3

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Amcham tại Hà Nội.

Trong vài tuần qua, một số nhà cung cấp của các tập đoàn toàn cầu như Nike Inc. và Adidas AG đã thông báo tạm dừng hoạt động nhà máy ở Việt Nam do các biện pháp hạn chế vì dịch Covid-19.

Hãng tin Bloomberg nhận định thương mại hàng hóa từng là đệm giảm xóc hiếm hoi của nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh, nhất là đối với các quốc gia châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhưng sự xuất hiện của biến thể virus Delta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đông Nam Á.

Chính quyền các nền kinh tế khu vực buộc phải đưa ra những quyết định không dễ dàng nhằm cân bằng giữa việc tiêm chủng và hạn chế di chuyển, trong khi vẫn giữ nền kinh tế phát triển.

Riêng đối với ngành công nghiệp may mặc, Feng Tay Enterprise Co., Pou Chen Corp., Sports Gear Co. và nhiều nhà sản xuất khác phải tạm dừng một số hoạt động ở Việt Nam. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam - cho biết hầu hết nhà cung cấp cho Nike và Adidas tại Việt Nam đều bị chặn đầu ra.

Nhà máy Việt Nam của nhà sản xuất môtô Nidec Corp đã nối lại sản xuất ở TP.HCM sau khi tạm dừng hoạt động, nhưng chỉ với chưa đến 10% trong tổng số 6.000 nhân viên. Prosperous Industrial Holdings Ltd. cũng thông báo ngừng sản xuất túi và bao bì tại Việt Nam từ ngày 22/7 đến ngày 1/8.

Những gián đoạn cũng được phản ánh trong Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

"BCI đã giảm gần 30 điểm trong quý vừa qua. Đợt bùng dịch hiện tại có tác động không thể tránh khỏi đối với tâm lý của các doanh nghiệp thành viên của EuroCham, cũng như niềm tin của họ dành cho triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn", ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, nói với Zing.

San sẻ gánh nặng

Tuy nhiên, lãnh đạo các hiệp hội khẳng định doanh nghiệp nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam về dài hạn và sẵn sàng san sẻ gánh nặng với đất nước.

Khảo sát của EuroCham chỉ ra hơn một nửa lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát (56%) dự đoán hiệu suất lao động sẽ được giữ nguyên hoặc cải thiện trong quý III. 80% công ty có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và kế hoạch đầu tư.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đối phó với làn sóng dịch bệnh mới nhất này. Đóng góp hiệu quả nhất mà các thành viên EuroCham có thể thực hiện là hỗ trợ việc triển khai đợt tiêm chủng đại trà tại Việt Nam", Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

"EuroCham có một số công ty hàng đầu thế giới trong ngành dược phẩm, thiết bị y tế và hậu cần. Các công ty này đã đầu tư lâu dài tại Việt Nam và luôn cam kết hỗ trợ người dân trong những thời điểm khó khăn này", ông khẳng định.

"Đặc biệt, các thành viên của chúng tôi sẵn sàng sử dụng kinh nghiệm và chuyên môn quốc tế để giúp triển khai một đợt tiêm chủng với quy mô và tốc độ lớn để Việt Nam có thể thoát khỏi đại dịch và phục hồi càng sớm càng tốt", vị chủ tịch hiệp hội nói thêm.

EuroCham có một số công ty hàng đầu thế giới trong ngành dược phẩm, thiết bị y tế và hậu cần. Các công ty này đã đầu tư lâu dài tại Việt Nam và luôn cam kết hỗ trợ người dân trong những thời điểm khó khăn này

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham

Trong khi đó, theo giám đốc điều hành Amcham, doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang điều chỉnh chuỗi cung ứng để giảm thiểu sự gián đoạn do đại dịch. "Ưu tiên hàng đầu của các công ty là giúp đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên. Họ có nhiều cách khác nhau để hỗ trợ lực lượng lao động trong thời kỳ dịch bệnh", ông Sitkoff chia sẻ.

"Chúng bao gồm các chính sách làm việc linh hoạt hơn, những biện pháp an toàn và mở rộng xét nghiệm Covid-19. Cùng với đó là đảm bảo tiếp cận vaccine, hỗ trợ về nơi ở và phương tiện đi lại tạm thời, cũng như một số hỗ trợ khác cho người lao động", ông nói thêm.

"Đây là khoảng thời gian đầy thử thách đối với tất cả chúng ta và các lãnh đạo doanh nghiệp có nghĩa vụ giúp đỡ khi có thể", ông Sitkoff nhấn mạnh.

Chẳng hạn, Công ty Intel Products Việt Nam đã chủ động tăng cường đảm bảo an toàn cho nhân viên như thực hiện xét nghiệm nhanh định kỳ cho người lao động theo tần suất 3-7 ngày/tuần, bố trí chỗ ở tập trung tại nhiều khách sạn trong thành phố, sắp xếp xe đưa đón theo tuyến cố định, thực hiện 5K. Gần 70% người lao động của công ty đã được tiêm ngừa vaccine mũi 1.

"AmCham rất coi trọng sự an toàn và sức khỏe của những doanh nghiệp thành viên và cộng đồng", giám đốc điều hành Amcham nói với Zing.

"Chúng tôi đang thảo luận với các cơ quan chức năng về một số vấn đề liên quan đến Covid-19, bao gồm việc di chuyển, hoạt động kinh doanh, mua và tiếp cận vaccine, cũng như một số khuyến nghị nhằm giảm bớt quy định đối với những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ đến Việt Nam", ông nói thêm.

Dich Covid-19 anh 4

Một số doanh nghiệp bố trí chỗ ăn ở cho người lao động tại nhà máy theo phương án "3 tại chỗ". Ảnh: Thạch Thảo.

"Chúng tôi hiểu rằng cách tốt nhất để trở lại cuộc sống bình thường là tiêm chủng. AmCham cũng tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden và đội ngũ của ông tặng thêm vaccine cho Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi Mỹ đã cung cấp 5 triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam", ông Sitkoff chia sẻ.

Ông nhấn mạnh việc hỗ trợ các cộng đồng - nơi những doanh nghiệp thành viên của AmCham sinh sống và làm việc - là rất quan trọng. Bởi giãn cách xã hội không có nghĩa là xa rời xã hội.

Theo ông Sitkoff, AmCham sẽ tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ và quyên góp từ doanh nghiệp thành viên để hỗ trợ các nhân viên y tế và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19. "Tất cả chúng ta đều có thể làm tốt vai trò của mình trong thời điểm đầy thử thách này", ông khẳng định.

Với những thành công mà đất nước đạt được trong các đợt bùng dịch trước đó, ông William P. Badger tại trường Concordia International School khẳng định Việt Nam đã mang lại sự an toàn, giúp nền kinh tế và các doanh nghiệp Mỹ sống sót.

Giờ đây, vị doanh nhân khẳng định các doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng hỗ trợ cho nỗ lực tiêm chủng của Việt Nam. "Đó là một cơ hội tốt để tất cả doanh nghiệp và cá nhân tham gia đóng góp. Mỗi đóng góp dù là nhỏ nhất cũng rất quý giá", ông Badger nhấn mạnh.

Thiếu vaccine, các nền kinh tế đang phát triển bị cản đường phục hồi

IMF nâng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến như Anh, Mỹ hay Canada, trong khi hạ dự báo của nhiều nền kinh tế đang phát triển do chênh lệch tỷ lệ tiêm chủng.

Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ tối đa các địa phương chống dịch

Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại TP.HCM vừa họp trực tuyến với các địa phương nhằm giải quyết những nhiệm vụ phát sinh trong thời kỳ dịch bệnh.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm