Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chấp nhận hoãn bỏ phiếu về cuộc đại tu tư pháp. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 27/3 tuyên bố sẽ hoãn bỏ phiếu kế hoạch đại tu tư pháp đến sau kỳ nghỉ Lễ Quá hải của người Do Thái vào ngày 5-13/4, “để tạo cơ hội cho một cuộc đối thoại thực sự”.
“Tôi - với tư cách thủ tướng - sẽ dành thời gian cho (đối thoại)”, ông Netanyahu nói, đồng thời cam kết đạt được “sự đồng thuận rộng rãi” trong phiên họp Quốc hội mùa hè bắt đầu từ ngày 30/4.
Song các chuyên gia cho rằng ông Netanyahu có thể đang cố gắng làm giảm áp lực từ các cuộc biểu tình và đình công hàng loạt. Theo họ, sự nhượng bộ tạm thời của vị thủ tướng không thể chấm dứt hoàn toàn phong trào biểu tình.
Ý định của ông Netanyahu
Ông Gideon Rahat, thành viên cao cấp tại Viện Dân chủ Israel và đang giảng dạy tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, cho biết các cuộc biểu tình có thể kết thúc hoặc tiếp tục sau thông báo của thủ tướng, nhưng những người biểu tình vẫn “sẵn sàng” trở lại đường phố bất cứ lúc nào.
“Những người biểu tình hiện có thể (xuống đường) chỉ trong vài phút”, ông Rahat nói với CNN, lưu ý rằng đó không chỉ là một nhóm phản kháng mà hàng chục nhóm, trong đó một số người có thể tiếp tục biểu tình bất chấp lệnh hoãn.
Thiếu tướng Tamir Hayman, cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo và giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS), cho rằng việc hoãn bỏ phiếu cho đến sau kỳ nghỉ Lễ Quá hải sẽ không xoa dịu được người dân.
“Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục trừ khi ông Netanyahu công khai thừa nhận sai lầm khi tiến hành cải cách và khẳng định sẽ dừng lại”, ông Hayman nói với CNN.
Nhưng nếu trong thời gian tạm hoãn, ông Netanyahu đàm phán với các bên và có thể đưa ra dự luật ôn hòa hơn được phe đối lập chấp thuận, “có thể chúng ta sẽ thấy các cuộc biểu tình thuyên giảm”, ông Hayman nhận định.
Đám đông biểu tình tại Jerusalem vào ngày 27/3. Ảnh: Reuters. |
Trong bài phát biểu hôm 27/3, Thủ tướng Netanyahu cũng lặp lại lời chỉ trích với một số quân nhân dự bị từ chối huấn luyện hoặc phục vụ trong quân đội để tỏ ý phản đối cải cách. Trước đó, ông đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì phản đối kế hoạch này.
“Nhà nước Israel không thể tiếp tục với những người từ chối phục vụ trong quân đội. Sự khước từ là dấu chấm hết cho đất nước chúng ta”, ông nói.
Ông Hayman cho hay các cuộc biểu tình có thể gây ra mối đe dọa an ninh khi một số quân nhân bắt đầu chia thành các phe ủng hộ và chống lại cuộc đại tu tư pháp. Dù điều đó hiện chưa xảy ra, phong trào quần chúng có thể khiến “những khoảng cách, rạn nứt bên trong các đơn vị (IDF) ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn”.
Theo ông Rahat, trong số những quân nhân bị thủ tướng chỉ trích, nhiều người đang phục vụ trong các đơn vị rất quan trọng. Họ chủ yếu là những người tình nguyện phục vụ vì đất nước, do đó ông Netanyahu phải “lấy lại lòng tin” để đưa họ trở lại đúng vị trí.
Vấn đề gây chia rẽ
Trong khi đó, AP nhận định quyết định trì hoãn của ông Netanyahu dường như đã làm dịu một số căng thẳng dẫn đến 3 tháng bất ổn vừa qua, song nó chưa giải quyết các vấn đề cơ bản gây chia rẽ đất nước.
Cây bút Ari Hawkins của tờ Politico cũng cho rằng trong thời gian tới, hệ thống nội bộ và liên minh của ông Netanyahu sẽ còn rất nhiều vấn đề cần sửa chữa, khi nhiều thành viên trong đảng cầm quyền công khai tuyên bố ông nên đình chỉ kế hoạch cải cách tư pháp.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chấp nhận hoãn bỏ phiếu về cuộc đại tu tư pháp. Ảnh: Reuters. |
Ông Netanyahu cũng phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng tôn giáo cực đoan, trong khi những đảng này vốn xem cải tổ nền tư pháp là chìa khóa nhằm thúc đẩy các dự án tôn giáo trong mọi tầng lớp xã hội Israel.
Bên cạnh đó, thủ tướng Israel cần đàm phán với đảng đối lập. Trong một tuyên bố, ông Yair Lapid - lãnh đạo đảng đối lập của Israel - cho biết đảng này sẵn sàng bắt đầu lại các cuộc đối thoại “nếu (kế hoạch cải cách) dừng lại hoàn toàn”.
“Hôm qua, chúng tôi lo ngại khi nghe tin ông Netanyahu nói với những người thân cận sẽ không thực sự dừng lại mà chỉ cố gắng làm dịu tình hình”, ông Lapid nói.
Ông Lapid cũng nhấn mạnh nếu Thủ tướng Netanyahu “cố gắng làm điều gì, hàng trăm nghìn người yêu nước, những người đang đối diện với ông”, sẽ cam kết đấu tranh cho nền dân chủ”.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.