Michael Pietsch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sách Hachette (một trong 5 đơn vị xuất bản lớn nhất thế giới), dựa trên những kinh nghiệm trong năm 2020 để đưa ra dự đoán về ngành xuất bản trong tương lai gần.
Tiểu luận của Michael Pietsch được đăng tải trên tạp chí Publishers Weekly.
Ông Michael Pietsch. Ảnh: The New York Times. |
Những điều rút ra từ đại dịch
Giám đốc điều hành Hachette có cái nhìn lạc quan về tương lai của xuất bản. Đại dịch toàn cầu cho thấy ngành sách là lĩnh vực kinh doanh của mọi thời đại.
Công việc kinh doanh đã qua giai đoạn thử thách căng thẳng: Nhân viên các nhà xuất bản phải rời khỏi văn phòng, rất nhiều cửa hàng bán sách đóng cửa. Trong khi Covid-19 mang lại nhiều mất mát, đau buồn, ngành công nghiệp sách, nhất là tại Mỹ, không chỉ tồn tại mà còn đứng vững.
Trong bối cảnh nhiều nơi giãn cách, phong tỏa vì đại dịch, sách được coi là thiết yếu. “Trong thời điểm khó khăn, sách là nguồn thông tin tốt nhất, giúp trấn an tinh thần, giải trí, giáo dục, làm chuyển biến nhận thức. Mọi người vươn tới sự kết nối và sách giúp thực hiện điều đó”, Michael Pietsch nói.
Trong đại dịch, người đọc vẫn tìm được những cuốn sách họ muốn. Các đơn vị xuất bản làm sách với nhiều định dạng. Độc giả có nhiều nơi để mua và trải nghiệm sách. Khi nhà sách quen thuộc đóng cửa, họ tìm được sách ở định dạng kỹ thuật số.
Đại dịch cũng mở ra cho Hachette nói riêng, ngành sách nói chung, nhìn thấy cách làm việc mới. Nhân viên nhà xuất bản làm việc tại nhà, không cần gặp mặt, không chương trình, hội nghị, không hội chợ trực tiếp…
Sự thay đổi nhanh chóng do đại dịch khiến khó dự báo dài hơi cho tương lai ngành sách. Bởi vậy, Michael Pietsch đưa ra xu hướng, tương lai gần của ngành sách.
Những dự báo cho tương lai gần của ngành sách
Các tác giả vẫn muốn làm việc với nhà xuất bản: Ngày nay, việc tự xuất bản trở nên phong phú, dễ dàng. Tuy vậy, các tác giả vẫn muốn tìm đến nhà xuất bản chuyên nghiệp để làm sách. Đơn vị xuất bản hỗ trợ tài chính, chuyên môn, cũng như cơ hội tiếp cận thị trường của nhà phát hành sách in và kỹ thuật số.
Nhà xuất bản cung cấp các khoản ứng trước đối với tiền bản quyền, biên tập chuyên nghiệp, chỉnh sửa bản sao, thiết kế và dịch vụ pháp lý, bảo vệ bản quyền, sản xuất, lưu kho; quan trọng nhất là bán, tiếp thị, quảng bá và phân phối sách. Đó là sự kết hợp giữa hỗ trợ tài chính và tiếp cận chuyên nghiệp mà việc tự xuất bản không thể nhân rộng.
Việc hợp nhất các nhà xuất bản chưa kết thúc: Khi việc bán lẻ và bán buôn tập trung vào ít công ty lớn hơn, động lực tài chính đã biến nhóm các nhà xuất bản lớn giảm dần số thành viên (từ Big 6 thành Big 5). Điều này thúc đẩy nhà xuất bản lớn tiếp tục sáp nhập. Các nhà xuất bản nhỏ hơn sẽ đối mặt áp lực bán sách.
Doanh số bán sách trực tuyến tiếp tục tăng: Doanh số bán sách in trực tuyến đã tăng đều đặn trong nhiều năm. Sự tăng trưởng về sách nói có thể bù đắp cho doanh số bán sách điện tử đang giảm. Hơn một nửa số giao dịch mua sách hiện được những người sử dụng máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng thực hiện, chứ không phải ở cửa hàng.
Sách in và hiệu sách độc lập vẫn có chỗ đứng trong ngành công nghiệp xuất bản. Ảnh minh họa: The New York Times. |
Sách in tiếp tục phát triển: Sách điện tử và sách nói cung cấp một số kiểu đọc nhất định nhưng để có trải nghiệm sâu sắc vẫn cần tới sách in. Đó là phương tiện tốt tác động tới tâm trí.
Tương tự, các hiệu sách cũng vậy. Chuỗi cửa hàng sách sẽ tồn tại lâu dài dựa trên việc lựa chọn, trưng bày, có bản sắc riêng.
Kỹ năng tiếp thị mới: Một tập hợp kỹ năng để tiếp cận thế giới trực tuyến trở nên cần thiết. Các chủ đề nóng xuất hiện trên mạng xã hội, sách bán chạy được thúc đẩy bởi video ngắn, các nhà xuất bản sẽ phát triển bộ kỹ năng tiếp thị mới.
Việc thu thập và tích lũy dữ liệu về sở thích, thói quen của người đọc sẽ cung cấp chiến thuật tiếp thị những cuốn sách cụ thể cho độc giả cụ thể.
Các nhà xuất bản sẽ lắng nghe nhân viên hơn. Trong nhiều thế kỷ, các nhà xuất bản được hưởng lợi từ những nhân viên sẵn sàng làm việc nhiều giờ với mức lương tương đối thấp, vì họ đam mê công việc.
Khi phương tiện truyền thông xã hội cung cấp cho nhân viên các diễn đàn để trao đổi, tương tác, nhà xuất bản lắng nghe cảm nhận của nhân viên, cân bằng công việc với cuộc sống, phát triển sự nghiệp, vị trí của công ty đối với các vấn đề xã hội và môi trường...
Khi nhà xuất bản lắng nghe nhiều hơn, mục tiêu kinh doanh của công ty trở nên công khai hơn, người tài trong lĩnh vực xuất bản sẽ tìm thấy nơi họ muốn gắn bó.