Phần lớn các tai nạn hàng không trên biển rất khó để tìm thấy hộp đen. Ảnh:Aviationaccidents |
Kể từ khi con người sử dụng biện pháp ghi lại quá trình hoạt động của các máy bay từ những năm 1940, hộp đen đã trở thành một thiết bị vô cùng quan trọng trong việc giúp con người hoàn thiện các hoạt động hàng không.
Trong các tai nạn hàng không, hộp đen là thiết bị duy nhất giúp xác định nguyên nhân tai nạn. Các hộp đen hiện đại có thiết kế rất ưu việt cho phép dữ liệu an toàn trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Người ta còn trang bị cho hộp đen những thiết bị định vị hiện đại cho phép tìm thấy nó ở bất kỳ nơi đâu ngay cả trong những đại dương sâu thẳm.
Tuy nhiên, hộp đen không được tìm thấy trong nhiều sự cố, dù người ta đã sử dụng những thiết bị tìm kiếm hiện đại nhất. Theo dữ liệu của Mạng an toàn hàng không ASN, con người không thể tìm thấy hộp đen trong ít nhất 17 tai nạn hàng không từ năm 1965. Điều đó khiến nguyên nhân của những vụ tai nạn trên vẫn là một bí ẩn đối với nhân loại.
Vụ rơi máy bay bí ẩn đầu tiên diễn ra vào ngày 16/8/1965. Chuyến bay số hiệu 389 của hãng hàng không United Airline đã rơi xuống hồ Michigan ở Chicago, bang Illinois, Mỹ. Chiếc Boeing 727-22 rơi xuống độ sâu 76 m. Người ta không thể tìm thấy hộp đen sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm.
Ngày 2/5/1970, chiếc Douglas DC-9-33CF mang số hiệu 980 của hãng ALM đã rơi xuống biển Caribbean. Chiếc máy bay rơi xuống độ sâu 1.500 m khiến việc trục vớt hộp đen trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Hộp đen chuyến bay số hiệu 447 của Air France được tìm thấy ở độ sâu 3.980 m ở Đại Tây Dương. Việc tìm thấy và trục vớt các hộp đen trong lòng đại dương là một thách thức lớn đối với nhân loại. Các thiết bị định vị âm thanh dưới nước ULB có thể hết pin và ngưng hoạt động trước khi con người tìm thấy nó. Ảnh: BEA |
Ba năm sau, ngày 22/7/1973 chiếc Boeing 707 mang số hiệu 816 của hãng Pan American World Airways đã rơi xuống ngoài khơi đảo Tahiti, Thái Bình Dương. Máy bay cùng hộp đen đã chìm xuống độ sâu 700 m, người ta đã không thể tìm thấy nó, khiến nguyên nhân tai nạn không thể tìm ra.
Ngày 30/9/1975, chiếc Tu-154 của hãng Malév, Hungary rơi xuống ngoài khơi bờ biển Lebanon ở độ sâu 1.000 m. Hộp đen đã mãi mãi nằm lại ở đáy đại dương.
Ngày 1/1/1980, chuyến bay số hiệu 980 của hãng Easten Airline va vào đỉnh núi Illimani, Bolivia ở độ cao 5.970 m. Mặc dù là một tai nạn hàng không trên mặt đất, người ta đã không thể tìm thấy hộp đen.
Ngày 28/11/1987, chiếc Boeing 747 mang số hiệu 295 của hãng South African Airways rơi xuống Ấn Độ Dương. Người ta cho rằng, hộp đen đã nằm đâu đó ở độ sâu 4.900 m nên không thể trục vớt.
Ngày 3/7/1988, chuyến bay số hiệu 655 của hãng Iran Air rơi xuống vịnh Ba Tư khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng. Mặc dù người ta không tìm thấy hộp đen, nguyên nhân tai nạn là do một tàu khu trục mang tên lửa điều khiển của Mỹ bắn nhầm. Có lẽ do nguyên nhân tai nạn đã được xác nhận nên người ta không cần phải tìm kiếm hộp đen.
Ngày 4/10/2001, chiếc Tu-154 mang số hiệu 1812 của hãng Siberia Airlines rơi xuống biển Đen. Người ta không nỗ lực để tìm hộp đen vì máy bay rơi là do bị quân đội Ukraine bắn nhầm khiến toàn bộ 78 người thiệt mạng.
Tai nạn hàng không bí ẩn nhất đến nay là chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airline. Chiếc Boeing 777 mang theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã biến mất một cách khó hiểu vào ngày 8/3/2014.
Chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia trải dài từ nam Biển Đông đến eo biển Malacca rồi qua biển Andaman và nam Ấn Độ Dương. Người ta đã không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của chiếc máy bay này. Điều gì đã xảy ra với MH370 đến nay vẫn là một ẩn số đối với nhân loại.