Bắt gặp những cái lợi trước mắt, nhiều người trở nên mù quáng và bất chấp. Nếu có dịp đi các hội trợ, triển lãm, tại các quầy phát sản phẩm mẫu dùng thử hoặc tặng những món quà bất kể giá trị nào thì chúng ta đều dễ dàng thấy cảnh tượng người dân xúm đen xúm đỏ, chen lấn, xô đẩy nhau, cốt để lấy càng nhiều càng tốt.
Chen nhau để được ăn sushi miễn phí
Khởi đầu không như mong muốn, cửa hàng sushi mới khai trương ngày 24/10 trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) gần như “vỡ trận” trong ngày mở màn.
Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy lẫn nhau để giành phần ăn miễn phí diễn ra hàng giờ liền khiến giao thông tắc nghẽn. Nhiều người đi qua thấy cảnh tượng trên đã lắc đầu ngán ngẩm trước sự “hy sinh vì miếng ăn” của các bạn trẻ.
Mọi người chen nhau vào ăn miễn phí sushi. |
Trước thông báo cho vào cửa tự do, ăn buffet Nhật Bản miễn phí, hàng nghìn người đã chen lấn tại đây. Càng gần giờ ăn, số lượng người đến càng đông, tràn xuống xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông. Thậm chí, nhiều người còn chen lấn, xô đẩy chỉ với mong muốn dành được một phần ăn cho mình. Nhiều người lấy thức ăn tràn lan, ăn một miếng nhưng lấy cả khay để… dành.
Số lượng phần ăn giới hạn (sáng và chiều là 180, tối là 280 người) mà lượng khách đến cả nghìn người khiến cho cửa hàng rơi vào tình trạng quá tải. Quản lý tại cửa hàng cho biết, mặc dù cửa hàng đã chuẩn bị dư ra đến cả nghìn suất ăn, trưa phải đi mua thêm nguyên liệu, song cũng chỉ “cầm cự” được đến chiều, buổi tối thì hết đồ ăn hoàn toàn.
Một hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội bày tỏ: "Đang dẫn khách Tây đi qua gặp đúng cảnh tượng này, họ hỏi mà không biết trả lời thế nào".
Hoảng sợ vì người Việt lên cướp áo mưa
Chiều 12/9, Đại sứ quán Hà Lan đã rất hoảng sợ khi bị “cướp áo mưa” trong chương trình phát áo mưa miễn phí cho người qua đường của chính mình tổ chức.
Bắt đầu vào lúc 14h ngày 12/9, chương trình “Đừng để bị ướt mưa!" do Đại sứ quán Hà Lan tổ chức ở một sân khấu ngoài trời, tại cửa UBND quận Ba Đình. Nội dung của sự kiện ngày hôm đó bao gồm hoạt động trao tặng 3.000 chiếc áo mưa miễn phí cho người qua đường.
Mở đầu sự kiện, đại diện người Hà Lan có những lời chúc tốt đẹp tới người dân xung quanh đang có mặt tại đó.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, không khí thay đổi nhanh chóng và trở nên hỗn loạn, mọi người tranh giành nhau, ai cũng cố gắng lấy nhiều nhất những món quà thiện chí về tay mình. Có người còn trèo lên cả sân khấu để cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán.
Cảnh người dân lao vào tranh giành áo mưa. |
Nhiều người hò hét xung quanh khu vực phát áo mưa khiến quang cảnh trước UBND quận Ba Đình trở nên lộn xộn và khó hiểu. Chỉ 35 phút sau khi chương trình bắt đầu, 3.000 chiếc áo mưa đã được lấy sạch.
Chị Phạm Thu Giang làm công tác báo chí văn hóa tại Đại sứ quán Hà Lan, cũng là người tổ chức chương trình phát áo mưa miễn phí cho người qua đường đã cảm thấy hoảng sợ trước ứng xử lạ của người dân.
Theo lời chị Giang, có tình nguyện viên còn bị người dân tranh cướp áo mưa cào rách tay, chảy máu. Để giải tỏa cho khu vực sân khấu, BTC đã cử hai tình nguyện mang 1 thùng áo mưa sang bên kia đường để phát. Tuy nhiên, khi đi được khoảng 10 bước chân về phía đám đông, những nhân viên này đã bị đám đông lao vào xô đẩy, cướp giật ngay khi còn chưa kịp mở thùng giấy.
Có những lúc, diễn giả gần như phải hét lên: “Đề nghị mọi người không tranh giành, nếu không, chúng tôi sẽ dừng chương trình ngay lập tức!”
Nhân viên của Đại sứ quán Hà Lan, Phạm Thu Giang, cũng nhận định thêm, đại sứ quán qua chương trình đã phát hết 3.000 chiếc áo mưa, tuy nhiên hiệu quả của chương trình gần như không có khi không đạt được bất kỳ một mục đích ban đầu đề ra nào.
Phấn khởi vì vài lon bia hôi
Chắc hẳn dư luận chưa thể nguôi ngoai vụ hôi bia tấp nập xảy ra ở Đồng Nai trưa 4/12 vừa qua.
Trưa 4/12, tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), một xe chở bia gặp nạn trên đường, hàng trăm người dân lao tới hôi của trong sự bất lực của tài xế. Ngoài số bia chai bị vỡ, 90% số bia chai và bia lon còn lại đã bị người dân lấy mất.
Báo chí và dư luận xã hội đều nói lên sự phẫn nộ, bất bình và xấu hổ với hành vi của những người hôi của. Nhiều độc giả cho rằng đây là hậu quả của một nền giáo dục lệch lạc, chỉ chăm chăm vào thành tích học tập và thi cử mà quên giáo dục nhân cách, trách nhiệm và sự sẻ chia với đồng loại khi họ gặp khốn khó.
Người dân hôi bia ngày 4/12. |
Tối 9/12, Đài truyền hình Nga RenTV đã đăng tải một bản tin về vụ hôi bia này. Bản tin với tiêu đề "Biển bia", nội dung có đoạn nói: "Ở Việt Nam, đau khổ chỉ dành cho 1 người, còn cả đám đông những người rình cơ hội kiếm chác đã xông vào lấy đi các lon bia. Khi những két bia bị đổ ào xuống từ một chiếc xe tải gặp sự cố, những người đi đường đi chậm lại rồi xông vào hôi. Cái gì anh đánh rơi coi như là đã mất”.
Hôi tiền: khác nào gặp cướp
Ngày 16/10, ông Chính (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã 2 lần gặp cướp.
Theo đó, khi ông này đi đến giao lộ Bà Huyện Thanh Quan – Võ Văn Tần (phường 6, quận 3) đứng chờ đèn đỏ, bất ngờ bị 4 thanh niên đi 2 xe kẹp giữa. Chưa hiểu chuyện gì, một tên thọc tay vào túi quần của ông móc cọc tiền rồi tháo chạy. Theo phản xạ, ông Chính quăng xe chụp tay tên trộm cố kéo lại làm xếp tiền (100 tờ 500.000 đồng) rơi xuống đường bay tung tóe. Trong lúc hỗn loạn, một số người đã tranh thủ “đút túi” khiến số tiền 50 triệu đồng chỉ còn 30,5 triệu đồng.
Phải “bêu” tên lên báo chí
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện xã hội học, trả lời trên báo Kiến Thức, ông rất buồn khi nghe, đọc thấy những những hành vi không đẹp kể trên. Việc chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để tranh giành, vơ vét của cải, vật chất không phải là hiếm ở Việt Nam.
Những hành vi này ngoài việc thể hiện tính xấu hôi của, “đám đông chỉ chờ kiếm chác” của người Việt thì nó còn cho thấy tính vô tổ chức, tự phát và ích kỷ của dân mình.
Bên cạnh đó là sự rối loạn về giá trị sống, nhiều người không biết cái gì đúng, cái gì sai, phải tôn thờ cái gì, dẫn đến lối sống vị kỷ, coi trọng vật chất. Chẳng hạn như trong vụ tranh giành nhau áo mưa miễn phí tại Hà Nội hôm 12/9, có người còn xúi người khác vào giành áo mưa và khoe khoang: “Tôi đã lấy được 5 – 6 chiếc rồi, giờ cất đi và chạy vào lấy tiếp”. Họ không biết đấy là điều đáng xấu hổ mà còn thấy tự hào vì “chiến tích” của mình.
Nói về vụ hôi bia mới đây, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: cần trừng trị những kẻ hôi bia, hôi của bằng cách bêu tên lên đài báo, truyền thông, trên loa phóng thanh của làng, xã,...
“Suy cho cùng, đó là một phương pháp chưa văn minh. Việc làm này có sự thiếu tôn trọng quyền cá nhân. Nhưng đó là giải pháp tình thế mà các nhà chức trách nên áp dụng. Ít nhất, cách làm đó sẽ giữ nghiêm kỷ cương”.