- Thưa GS, là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có đau xót không khi sự việc hàng trăm người lao vào “hôi bia” mặc cho khổ chủ quỳ lạy van xin ở Đồng Nai vừa qua?
- Sự việc vừa qua là sự chà đạp lên đau khổ, rủi ro của người khác. Cũng như mọi người, tôi cảm thấy rất đau xót. Hơn nữa, là người nghiên cứu về văn hóa, càng làm tôi phải suy nghĩ sâu xa về căn nguyên sự việc.
- Có ý kiến cho rằng, “hôi của” là một trong những thói hư, tật xấu khá đặc trưng trong cộng đồng xã hội chúng ta?
- Đây không phải tính cách dân tộc hay văn hóa, thói xấu gì. Bởi truyền thống của người Việt là xúm lại giúp đỡ người khác gặp rủi ro, tai họa.
Trong trường hợp này, người đang trong hoạn nạn không được giúp đỡ mà tiếp tục bị vùi dập. Sự việc “hôi bia” cho thấy đạo đức xuống cấp, nhân cách suy đồi. Tuy nhiên, nó không nằm trong truyền thống, đặc trưng dân tộc mà chỉ xảy ra trong một hoàn cảnh xã hội nào đó.
- Cách nhìn của ông thế nào về những người “hôi bia” chà đạp lên đau khổ, rủi ro của người khác?
- Cần phê phán đạo đức xã hội chứ không chỉ phê phán con người. Con người cũng là nạn nhân, hệ quả của sự xuống cấp đạo đức xã hội. Do vậy, cần giải quyết sự việc về mặt xã hội chứ không hẳn cá nhân.
Tôi xin nói thêm thế này, “hôi bia” dù sao cũng chỉ là sự ăn cướp một cách nhỏ mọn, xã hội có những kẻ ăn cướp giấu mặt, lớn hơn “ăn bia” nhiều. Đó là người có thế lực, tham nhũng, ăn cướp của dân. Nhưng khi chưa lộ mặt, họ vẫn đi giảng đạo đức cho người khác.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, người “hôi của” không hẳn hoàn toàn xấu mà trong hoàn cảnh nào đó cái xấu trội lên và họ có hành động như vậy. |
- Vậy cần làm gì để những chuyện chà đạp lên đau khổ, rủi ro của người khác, làm xấu hình ảnh người Việt như “hôi của” không còn nữa, thưa GS?
Có người nói nên hình sự hóa chuyện này, nhưng một đám đông vây đen đỏ như thế, pháp luật có quy tội tất cả được không? Theo tôi, đây là vấn đề đạo đức thôi. Do vậy, nên dùng những hành động mang tính đạo đức giáo dục, đối chọi lại.
- Cụ thể hành động đạo đức ở đây là gì? Hiện nay, công an Đồng Nai có danh sách của những người tham gia “hôi bia”, vậy có nên bêu tên để họ phải xấu hổ và nhìn nhận lại mình không?
- Bêu tên kẻ “hôi của” lên báo chí, loa phát thanh... chỉ có tác dụng với những người biết xấu hổ, có lương tâm. Người không biết xấu hổ, bêu tên cũng không có tác dụng gì.
Giải pháp trước mắt, có thể bằng con đường truyền thông, báo chí, sự lên tiếng của cộng đồng. Hiện nay, rất nhiều bài báo lên án làm họ cảm thấy xấu hổ, tự vấn mình và có điều chỉnh tốt hơn. Hoặc hành động treo băng rôn phê phán người “hôi bia” ở Đồng Nai ngay tại hiện trường, cũng là cách lên tiếng mạnh mẽ, tích cực của cộng đồng.
Nhưng cũng nên lưu ý rằng, người “hôi của” không hẳn hoàn toàn xấu mà trong hoàn cảnh nào đó cái xấu trội lên và có hành động như vậy. Sau sự việc, có nhiều người ân hận, xin lỗi nạn nhân.
Điều quan trọng nhất, cần giải quyết sự việc một cách vĩ mô hơn về mặt xã hội. Nếu xã hội lành mạnh sẽ giảm thiểu một cách thấp nhất hành động xấu như “hôi bia” hay các sự việc tiêu cực về đạo đức con người diễn ra gần đây.