Những vụ ‘cá lớn nuốt cá bé’ đình đám nhất làng công nghệ
Microsoft thâu tóm 86-DOS hay những vụ nuốt gọn YouTube và Android của Google được xem là thành công nhất trong lịch sử làng công nghệ thế giới.
Microsoft thâu tóm 86-DOS (75.000 USD)
Tháng 7/1981, Bill Gates và Paul Allen đã đưa ra một quyết định lịch sử khi thâu tóm QDOS (còn gọi là 86-DOS) từ Seattle Computer Product với giá chỉ 25.000 USD. Sau đó, hai ông chủ bỏ thêm khoảng 50.000 USD để hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý, mở ra một kỷ nguyên mới cho Microsoft. 86-DOS chính là tiền đề để Microsoft tạo ra Windows, hệ điều hành máy tính thành công nhất trong lịch sử loài người.
Apple mua lại NeXT (404 triệu USD)
Sau khi thừa nhận sai lầm của việc sa thải Steve Jobs, Apple đã thuyết phục ông quay lại công ty do chính mình sáng lập, bằng cách mua lại NeXT. Tại thời điểm đó, chính những công nghệ của NeXT đã cứu Apple khỏi bờ vực phá sản, giúp hãng này tạo ra hệ điều hành OS X.
Microsoft thâu tóm Hotmail (400 triệu USD)
Nhằm cạnh tranh với Yahoo, Microsoft đã đầu tư vào Hotmail, sau đó thâu tóm luôn hãng này để tạo ra một nền tảng mail lớn nhất thế giới trong suốt hơn một thập kỷ. Việc được tích hợp hàng loạt các dịch vụ web khác của hãng như Windows Live Messenger hay SkyDrive đã tạo ra những trải nghiệm mới lạ và sáng tạo bậc nhất cho Hotmail. Hiện tại, Microsoft đã khai tử Hotmail và sử dụng Outlook.com như một sự thay thế.
HP thâu tóm Compaq (25 triệu USD)
Michael Dell gọi đó là thảm họa lớn nhất thế kỷ XX. Dưới triều đại của Carly Fiona, một trong những CEO công nghệ tệ nhất mọi thời đại, hàng loạt những sếp lớn đã tháo chạy khỏi Compaq, và chỉ có HP là tin vào thành công của thương vụ nói trên. HP sau đó đã chứng minh được thực lực của mình, bằng cách trở thành nhà sản xuất PC số 1 thế giới trong suốt một thời gian dài.
eBay thâu tóm PayPal (1,5 tỷ USD)
Sau khi thất bại trong việc phát triển dịch vụ chuyển tiền của riêng mình, trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới quyết tâm mua bằng được PayPal, dịch vụ chiếm khoảng 60% giao dịch tiền trên mạng thời điểm đó.
Đây được xem là một trong những vụ đầu tư sáng suốt nhất của eBay. Sau 10 năm kể từ vụ thâu tóm, PayPal hiện vẫn chiếm trên 40% các giao dịch trên mạng. Cũng chính nhờ eBay, người ta mới biết đến những nhân vật gọi là mafia trên PayPal.
Google mua Android (50 triệu USD)
Android chính là một trong những "con mồi" thành công nhất của Google. Hệ điều hành này đang tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trường di động, với hơn một triệu thiết bị được kích hoạt mỗi ngày. Có một điều đáng ngạc nhiên là Google mới chỉ thu về khoảng 500 triệu USD từ nền tảng này, nhưng thông qua các dịch vụ tìm kiếm hay các giải pháp quảng cáo. Tuy nhiên, doanh thu của Google từ Android trong vài năm tới được dự báo sẽ tăng theo cấp số nhân.
Lenovo thâu tóm bộ phận sản xuất PC của IBM (1,75 tỷ USD)
Nhiều người cho rằng, Lenovo đã đánh bạc khi mua lại bộ phận sản xuất PC của IBM. Tuy nhiên, hãng sản xuất Trung Quốc đã đưa doanh thu của bộ phận này từ 3 tỷ lên thành 5 tỷ USD chỉ trong 3 năm, và biến ThinkPad trở thành thương hiệu tin cậy bậc nhất trong phân khúc laptop dành cho doanh nhân.
Google thâu tóm YouTube (1,65 tỷ USD)
Google đã cho thấy mình khôn ngoan thế nào khi bỏ ra gần 2 tỷ USD cho YouTube, dịch vụ chia sẻ video lớn nhất thế giới. Ở thời điểm hiện tại, YouTube đang là con gà đẻ trứng vàng của Google, nhờ các giải pháp quảng cáo và tiền hợp đồng đàm phán nội dung trên website này. Mỗi năm, YouTube mang về cho Google không dưới 1 tỷ USD.
Facebook thâu tóm Instagram (1 tỷ USD)
Facebook đã tiêu tốn nhiều tháng trời để tìm ra một giải pháp nhằm đẩy mạnh sự xuất hiện của mình trong lĩnh vực di động. Thâu tóm Instagram, ứng dụng di động đang gây sốt, chính là câu trả lời tốt nhất. Với hơn 100 triệu người dùng đăng ký, ứng dụng chia sẻ ảnh này là một công cụ tốt giúp gia cố hệ thống mạng xã hội của họ.
Bảo Nam
Theo Infonet