Những chiếc máy giặt hư hỏng, những chiếc nệm cũ hay thậm chí là những chiếc xe hơi bị vứt đi là điều tương đối dễ hiểu. Thế nhưng những chiếc máy bay có giá cao ngất ngưởng bị bỏ hoang thì khó ai tưởng tượng nổi.
Trên thực tế, việc chiếc máy bay Boeing B727-200 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ - từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - bị bỏ quên suốt 12 năm ở sân bay Nội Bài không phải là chuyện hiếm thấy trong ngành hàng không thế giới.
Bị vứt bỏ không thương tiếc
Chiếc máy bay phản lực MD-87 đã bị bỏ hoang tại Sân bay quốc tế Madrid Barajas, Tây Ban Nha trong nhiều năm. Hãng hàng không quốc gia Tây Ban Nha Iberia Airlines bắt đầu sử dụng phi cơ này từ năm 1990. Sau đó, chiếc MD-87 được Saicus Air - một hãng bay chuyên vận tải hàng hóa - mua lại.
Chiếc MD-87 bị bỏ hoang tại sân bay Madrid Barajas. Ảnh: Fly News |
Tuy nhiên, chỉ một tháng sau vụ mua bán, Saicus Air nộp đơn xin phá sản vào tháng 12/2010. Và chiếc MD-87 nằm lại Madrid Barajas từ đó đến nay. Hiện, phí dịch vụ đậu sân bay đã lên tới hàng triệu USD và các quan chức tại đây cũng muốn tống khứ chiếc máy bay này đi.
Giám đốc sân bay Elena Mayoral đưa ra thông báo mang cấp quốc gia về tình trạng này cũng như yêu cầu thông tin về chiếc MD-87 này. Theo luật pháp Tây Ban Nha, nếu sau 3 tháng mà vẫn không tìm thấy chủ nhân, chiếc MD-87 sẽ có thể được bán đấu giá.
Tình trạng tương tự đã xảy ra vào năm 2001 tại thủ đô Athens, Hy Lạp khi thành phố khai trương một cảng hàng không quốc tế mới để phục vụ Thế vận hội 2004. Nhưng nếu Madrid chỉ có một chiếc máy bay bị hoang, thì trường hợp của Athens là toàn bộ sân bay.
Sân bay quốc tế cũ ở Athens, có tên Ellinikon, đã bị bỏ hoang cùng một vài chiếc Boeing của Olympic Air và Hellenic Airlines. Ở đây, những chiếc bánh máy bay đã xẹp, trang thiết bị điện tử hầu hết bị tháo dỡ, và khoang hành lý trống hoác.
Khung cảnh hoang tàn trong sân bay Ellinikon. Ảnh: Jalopnik. |
Tại Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, không chỉ một mà có tận 3 chiếc máy bay Boeing 747 bị bỏ rơi vào năm 2010 và 2011. Chủ sở hữu của những chiếc tàu bay này ban đầu là Air Atlanta Icelandic. Tuy nhiên hãng cho biết đã bán 3 chiếc máy bay vào năm 2008.
Sau đó chúng cũng trải qua nhiều đời chủ như một hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, Suparna Airlines (Trung Quốc), hay MASkargo, công ty vận chuyển hàng hóa thuộc Malaysia Airlines.
Lý do các máy bay bị "bỏ rơi" và cách xử lý
Việc bỏ hoang một chiếc máy bay còn nguyên vẹn là điều không phổ biến, nhưng vẫn xảy ra. Theo nhật báo điện tử Traveller chuyên về du lịch của Australia, nguyên do phần lớn đến từ thực tế máy bay thương mại mất giá nhanh hơn cả những chiếc xe hơi của các thương hiệu nổi tiếng.
Việc bảo trì và có giấy chứng nhận đòi hỏi một khoản kinh phí khổng lồ. Bên cạnh đó, những mẫu mã máy bay mới không ngừng được phát triển nhằm đem đến những chuyến đi giá rẻ cho khách hàng.
Duy trì đội bay hiện tại với chi phí ngày càng tăng cho những máy bay mất giá hay đầu tư phát triển các mẫu đời mới luôn là câu hỏi khó đối với các nhà quản lý hàng không.
Những chiếc máy bay bị "bỏ rơi" ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Ảnh: AP. |
Các chủ sở hữu cũng có thể tính rằng số tiền họ nợ cho chi phí đậu máy bay trong nhiều năm liền có thể còn lớn hơn giá trị của nó được bán trong cuộc đấu giá. Do đó, họ thường chọn phương án im lặng.
Có một số cách để xử lý các máy bay bị bỏ hoang. Tháng 12/2015, cơ quan quản lý hàng không Malaysia đã chọn giải pháp tương tự sân bay Madrid Barajas khi ra thời hạn 14 ngày để chủ sở hữu đến nhận 3 chiếc máy bay bỏ hoang nếu không sẽ đem bán đấu giá. Hành động này được thực hiện theo Đạo luật Hàng không Dân dụng Malaysia năm 1969.
Sau khi thông báo được đưa ra, Hãng hàng không SWIFT Air Cargo đột nhiên xuất hiện, tuyên bố rằng họ có quyền sở hữu hợp pháp với 3 chiếc máy bay và đã thảo luận về vấn đề này với Malaysia Airports Holdings Berhad - công ty quản lý các sân bay ở Malaysia - khoảng 2 tháng trước đó.
Bất chấp sự phản đối của SWIFT Air Cargo, tòa án vẫn phán quyết rằng 3 chiếc máy bay sẽ được bán đấu giá công khai.
Chiếc Boeing 737 bị bỏ hoang là điểm thu hút khách du lịch ở đảo Bali, Indonesia. Ảnh: Shutterstock. |
Cuối cùng, 3 chiếc Boeing 747 vốn có giá hàng chục triệu USD đã bị tháo động cơ và một số linh kiện điện tử, được rao bán với giá chỉ khoảng 190.000 USD. Một số bộ phận còn bị đập nát để bán phế liệu.
Trong khi đó, những chiếc máy bay bị hoang nhưng nằm ngoài khu vực cảng hàng không có thể được tận dụng để làm địa điểm du lịch thú vị.
Một chiếc Boeing 737 hoang nát nằm giữa một cánh đồng, được bao quanh bởi các thùng container và một túp lều xập xệ ở đảo Bali, Indonesia từ lâu đã là một nơi chốn bí ẩn thu hút du khách tứ phương.
Nhưng dường như phương án được nhiều sân bay lựa chọn là tháo dỡ linh kiện giá trị, hút hết nhiên liệu và đem xác máy bay vào các "nghĩa địa" hàng không để chờ bán sắt vụn.