Chiến đấu cơ F-15 của Mỹ bắn pháo sáng. Ảnh: Airliners.net |
Tướng John Campbell, quan chức chỉ huy Không quân Mỹ, thừa nhận vụ không kích trúng bệnh viện ở thành phố Kunduz, Afghanistan là sai lầm của lực lượng này, CNN đưa tin.
“Hôm 3/10, quân đội Afghanistan thông báo họ bị địch tấn công và yêu cầu Không quân Mỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, chiến đấu cơ đã vô tình tấn công một khu dân sự thay vì dội bom Taliban”, Tướng Campbell thừa nhận.
Trước đây, giới chức quân sự gọi vụ ném bom là “thiệt hại phụ”, thuật ngữ được sử dụng để nói về các vụ bắn nhầm của quân đội Mỹ. Nó được sử dụng rộng rãi trong những năm 1960 để nói về các sự cố gây thương vong dân sự.
Dội bom Iraq năm 1991
Ngày 13/2/1991, máy bay Mỹ dội bom xuống nơi trú ẩn của thường dân ở Amiriyah, khu vực lân cận Baghdad, Iraq làm 408 thường dân thiệt mạng. Những quả bom dẫn đường laser rơi trúng khu hầm nên gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người. Nó cũng cho thấy khu trú ẩn này bị coi là mục tiêu tấn công thay vì bom rơi nhầm chỗ.
Lầu Năm Góc và quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bào chữa rằng khu vực bị tấn công được sử dụng làm cơ sở chỉ huy dự phòng của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần đầu tiên. Họ cáo buộc chính quyền Iraq sử dụng thường dân làm “lá chắn sống”.
Đoàn tàu chở người tị nạn Albania năm 1999
Trong chiến tranh Kosovo, Mỹ và đồng minh đã phát động chiến dịch không kích nhằm vào đoàn phương tiện họ tin là của Serbia. Tuy nhiên, mục tiêu thực tế là một đoàn tàu chở những người tị nạn chạy trốn xung đột. Vụ tấn công làm 73 người thiệt mạng.
Ban đầu, NATO khẳng định các phi công dội bom để bảo vệ người tị nạn và những trường hợp thiệt mạng do quân đội Nam Tư gây ra. Tuy nhiên, sau này lực lượng NATO thừa nhận một máy bay thả bom trúng phương tiện chở người tị nạn.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Serbia
Cũng trong chiến tranh Kosovo, 5 quả bom dẫn đường của Mỹ rơi trúng Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, thủ đô Serbia làm 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng.
Vụ bỏ bom nhầm buộc Tổng thống Mỹ Bill Clinton phải lên tiếng xin lỗi. CIA, cơ quan chịu trách nhiệm chỉ điểm cho vụ không kích, thừa nhận các chuyên gia phân tích nhầm lẫn tọa độ của tòa đại sứ quán với một căn cứ quân sự trên cùng tuyến phố.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc gọi vụ ném bom là “hành động man rợ”. Nó cũng thổi bùng các cuộc biểu tình phản đối Mỹ trên khắp Trung Quốc, gây thiệt hại nặng nề cho quan hệ Bắc Kinh – Washington trong nhiều năm sau đó.
Đám cưới bị dội bom ở Afghanistan
Trong những năm đầu cuộc chiến ở Afghanistan, hai chiến đấu cơ của Mỹ đã dội bom trúng một đám cưới ở tỉnh Uruzgan làm 48 người thiệt mạng. Lầu Năm Góc cho biết phi công phát hiện súng phòng không "hạng nặng" bắn về phía máy bay nên quyết định tấn công.
Tuy nhiên, phía Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết không có súng phòng không trong đám cưới. Các quan khách chỉ sử dụng vũ khí cá nhân bắn lên trời để ăn mừng. Hai ngày sau sự cố, Tổng thống Mỹ George W. Bush phải gọi điện cho người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai để bày tỏ sự chia buồn với những người thiệt mạng. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không thừa nhận sai lầm.
Nhà báo bị giết ở Iraq
Trong tháng 7/2007, trực thăng quân sự Mỹ nã tên lửa vào một nhóm người đang đứng dưới ngã tư, nơi quân đội Mỹ vừa bị tấn công trước đó. Không lâu sau, vụ không kích thứ 2 bắn vào một chiếc xe đang đi tới gần khu vực. Ít nhất 12 người thiệt mạng trong vụ tấn công trong đó có nhiều nhà báo, bao gồm hai phóng viên Reuters.
Vụ việc được phanh phui bởi WikiLeaks và video lan truyền trên mạng. Giải thích về vụ việc, Lầu Năm Góc cho biết các nạn nhân thiệt mạng không mặc trang phục chuyên dụng của nhà báo trong khi ống kính máy ảnh họ mang theo bị nhầm là súng chống tăng. Từ trên trực thăng, các phi công không thể phân biệt được họ với các phần tử nổi dậy.