Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phiên bản thay thế phi cơ huyền thoại U-2 lộ diện

Tập đoàn Lockheed Martin tại Mỹ vừa công bố ý tưởng về thế hệ tiếp theo của phi cơ do thám U-2. Phiên bản mới sẽ rất giống U-2 nhưng có chế độ bay không người lái.

Hình phác thảo phiên bản thay thế phi cơ U-2 Dragon Lady. Ảnh: Lockheed Martin
Hình phác thảo phiên bản thay thế phi cơ U-2 Dragon Lady. Ảnh: Tập đoàn Lockheed Martin

U-2 Dragon Lady là một trong vài mẫu phi cơ phục vụ Không quân Mỹ trong hơn 50 năm. Lễ kỷ niệm 60 năm Chương trình U-2 sẽ diễn ra trong năm nay. Lockheed Martin khẳng định cứ sau gần một giờ, một phi cơ U-2 lại xuất kích để làm nhiệm vụ.

Với khả năng bay liên tục trong 12 giờ, U-2 Dragon Lady có thể đạt độ cao 21.000 m – gần gấp đôi độ cao phổ biến của máy bay thương mại - và bay với tốc độ hơn 760 km/h.

“Cái tên U-2 đã trở thành biểu tượng của khả năng tác chiến nhanh và đổi mới. Ngoài ra, nó còn là một trong vài loại máy bay hoạt động từ thời Chiến tranh Lạnh tới tận ngày nay nhờ bộ khung hoàn toàn mới mà chúng tôi thiết kế và chế tạo trong thập niên 80 của thế kỷ trước", Lockheed Martin tuyên bố.

60 năm sau chuyến bay đầu tiên của U-2, ngày nay công nghệ và khả năng vận hành siêu đẳng vẫn cho phép chúng thực hiện nhiều loại nhiệm vụ - từ cứu hộ thiên tai tới thu thập thông tin tình báo.

Mặc dù vậy, Không quân Mỹ muốn ngừng sử dụng phi cơ U-2 Dragon Lady vào năm 2019. Vì thế Lockheed Martin muốn sản xuất phiên bản mới mang tên TR-X để thay thế U-2 Dragon Lady.

Scott Winstead, người quản lý chiến lược của chương trình chế tạo U-2, tiết lộ rằng TR-X sẽ rất giống U-2 và vẫn sở hữu động cơ F118 huyền thoại của General Electric.

“Mục tiêu của chúng tôi là chế tạo phi cơ có khả năng quan sát ở tầm thấp nhưng bay ở độ cao 21.000 m”, Winstead tiết lộ.

Winstead nói thêm rằng Lockheed có thể tăng mức điện thế và khả năng làm mát để tiếp nhận thêm nhiều cảm biến mới, những thiết bị chiến đấu điện tử và hệ thống liên lạc tiên tiến – cho phép phi cơ liên lạc với cả phản lực cơ chiến đấu thế hệ thứ 4 và 5.

Phi cơ sẽ tuân theo tiêu chuẩn Hệ thống Chiến đấu mở của Không quân Mỹ để bắt kịp những thành tựu kỹ thuật hiện đại, và thậm chí có thể mang theo vũ khí laser trong tương lai để phòng thủ và tấn công.

Chính phủ Mỹ muốn ngừng sử dụng U-2 vì họ đã có Global Hawk, một loại máy bay do thám cũng rất ưu việt. Ngoài ra, việc sử dụng hai loại máy bay do thám khiến ngân sách quốc phòng trở nên căng thẳng. Mặc dù vậy, năm 2012, Quốc hội Mỹ đã thông qua một luật để cấm quân đội ngừng vận hành U-2 nếu họ chưa có phiên bản ưu việt hơn để thay thế.

Những công nghệ giúp Mỹ thống trị bầu trời

Sản xuất vũ khí bằng máy in 3D ngay trên tàu sân bay hay phi đội máy bay vận tải không người lái là hai trong những vũ khí giúp Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thế giới.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm