“Đả đảo Israel”, hàng nghìn người tại Tehran hô vang vào một ngày cuối tháng 5 trong lúc dự đám tang đưa tiễn Hassan Sayad Khodayari - đại tá Vệ binh Cách mạng Quốc gia Iran.
Vài ngày trước, đại tá Khodayari, 50 tuổi, đã bị hai tay súng lái môtô bắn chết. Tehran cáo buộc Israel - quốc gia “không đội trời chung” với Iran - đứng đằng sau vụ ám sát này.
“Chúng ta sẽ khiến kẻ thù phải hối tiếc và không một hành vi độc ác nào của chúng sẽ được bỏ qua”, tướng Hossein Salami, tổng chỉ huy lực lượng Vệ binh Quốc gia Iran, nói hôm 23/5.
Đám tang của đại tá Hassan Sayad Khodayari của Vệ binh Cách mạng Quốc gia Iran hồi tháng 5. Ảnh: New York Times. |
Người phát ngôn cho thủ tướng Israel từ chối bình luận về vụ sát hại. Nhưng một quan chức tình báo nói phía Israel đã xác nhận với Mỹ rằng nước này thực hiện vụ ám sát, theo New York Times.
Dù thế nào đi nữa, cái chết của đại tá Khodayari không phải lần đầu tiên Israel bị cáo buộc hạ sát công dân Iran. Trong 12 năm qua, Israel được cho là đã đứng đằng sau 7 vụ hạ sát các nhân vật nổi tiếng của Iran, Anadolu Agency đưa tin.
Lần gần nhất...
Hôm 22/5, đại tá Khodayari đang ngồi trong ôtô đỗ ngoài nhà riêng ở thủ đô Tehran thì bị hai tay súng lái môtô tiếp cận. Hai người này bắn 5 viên đạn vào trong xe rồi bỏ chạy.
Ảnh từ hiện trường cho thấy đại tá Khodayari nằm gục sau tay lái của chiếc Kia Pride do Iran sản xuất, trên người vẫn thắt đai an toàn, máu chảy ra từ vết thương.
Phía Israel đã thông báo với Mỹ rằng vụ hạ sát nhằm mục đích cảnh báo Iran ngừng hoạt động của Đơn vị 840, đơn vị bí mật thuộc Lực lượng Quds của Iran, New York Times dẫn lời vị quan chức tình báo.
Đơn vị 840 của Iran có nhiệm vụ bắt cóc và ám sát người nước ngoài trên khắp thế giới, bao gồm dân thường và quan chức Israel, theo như quan chức chính quyền, quân đội và tình báo Israel.
7 vụ ám sát gây chú ý nhắm vào các nhân vật của Iran. Đồ họa: Anadolu Agency. |
Quan chức Israel cho biết đại tá Khodayari là phó chỉ huy Đơn vị 840 và có tham gia lên kế hoạch cho các lần hành động xuyên biên giới trong hai năm qua nhắm vào người nước ngoài, bao gồm công dân Israel. Quan chức Israel cũng cho biết đại tá Khodayari phụ trách hoạt động của Đơn vị 840 tại Trung Đông và các nước liền kề Iran.
Iran chưa bao giờ thừa nhận sự tồn tại của Đơn vị 840.
Không có chỉ dấu gì cho thấy vị đại tá được nhiều người biết đến bên ngoài cộng đồng quốc phòng. Ông cũng không nhận được mức bảo vệ thường dành cho quan chức quân sự cấp cao Iran như cận vệ, xe bọc thép hay nhà riêng trong khu khép kín, theo hai nguồn tin có liên hệ với Vệ binh Quốc gia.
Trái lại, hai nguồn tin trên khẳng định đại tá Khodayari chỉ là chuyên gia hậu cần đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao drone và công nghệ tên lửa cho các chiến binh ở Syria và lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon. Ông còn được cho là cố vấn tác chiến cho dân quân chiến đấu tại Syria.
...nhưng không phải lần đầu
Từ năm 2010 đã xảy ra nhiều vụ tấn công nhắm vào các nhà khoa học hạt nhân của Iran, như cái chết của ông Masoud Alimohammadi, nhà lý thuyết trường lượng tử và nhà vật lý hạt cơ bản nổi tiếng của Iran.
Một ngày đầu năm 2010, ông Alimohammadi đi ra khỏi nhà để đến trường giảng dạy thì xe của ông bị kích nổ bằng quả bom điều khiển từ xa được gắn vào một chiếc môtô đỗ bên đường.
Cái chết của Alimohammadi cũng là vụ việc đầu tiên trong chuỗi vụ ám sát mà Iran đổ lỗi cho Israel. Israel - nước kiên quyết không muốn Iran có vũ khí hạt nhân - không bác bỏ hay xác nhận nước này có liên quan gì tới các vụ ám sát.
Người thương tiếc cầm poster ảnh ông Mohsen Fakrizadeh, người bị ám sát từ xa vào tháng 11/2020. Ảnh: New York Times. |
Đến tháng 11/2010, ông Majid Shahriari, người nghiên cứu vật lý lượng tử thuộc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, đã thiệt mạng trong một vụ nổ bom gắn trên ôtô. Vợ ông cũng bị thương trong vụ nổ.
Đôi lúc, thủ phạm chuyển sang dùng biện pháp trực tiếp. Các tay súng lái môtô sẽ lái xe qua và nổ súng vào nạn nhân, như vụ sát hại Darioush Rezaeinejad, 35 tuổi, kỹ sư điện làm việc cho một cơ sở nghiên cứu an ninh quốc gia của Iran, vào ngày 23/7/2011.
Nhưng vụ ám sát gây chấn động thế giới nhất là vụ giết hại chuyên gia hạt nhân hàng đầu Mohsen Fakrizadeh vào tháng 11/2020, một phần vì độ tinh vi của thủ pháp gây án.
Hôm đó, thủ phạm bí mật đặt súng máy bắn tỉa trên thùng một chiếc xe bán tải đậu bên đường. Khi ôtô của ông Fakrizadeh đi qua, người này bóp cò bắn 15 phát đạn, hạ gục mục tiêu. Xong xuôi, chiếc xe bán tải phát nổ.
Dựa vào những gì còn sót lại, điều tra viên của Iran kết luận vụ ám sát được thực hiện bằng khẩu súng máy được điều khiển từ xa qua hệ thống trí tuệ nhân tạo kết hợp công nghệ vệ tinh. Khi khẩu súng khai hỏa, người bóp cò đang đứng tại nơi an toàn cách hiện trường cả nghìn km.
Trên xe bán tải có lắp nhiều máy quay để cho phép người điều khiển từ xa có cái nhìn toàn cảnh. Chiếc xe còn được nhồi thuốc nổ để tiêu hủy chứng cứ nhưng vụ nổ chỉ khiến phần lớn thiết bị văng lên trời và rơi xuống đất, hỏng nặng nhưng về tổng thể vẫn nguyên vẹn.
Điều tra viên Iran còn lưu ý rằng trong 15 viên đạn bắn ra, không viên nào rơi trúng vợ của ông Fakrizadeh dù bà đi cùng xe và chỉ ngồi cách đó vài cm. Độ chính xác ấy là dấu hiệu thủ phạm sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt.
Israel hối thúc công dân rời ngay khỏi Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoại trưởng Israel ngày 13/6 kêu gọi công dân nước này đang ở Thổ Nhĩ Kỳ rời đi “sớm nhất có thể” trước nguy cơ đặc vụ Iran đang lên kế hoạch tấn công người Israel tại Istanbul.
“Nguy cơ này là có thật và rất cận kề”, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid nói, theo AFP. “Nếu đã ở Istanbul, bạn cần quay lại Israel sớm nhất có thể. Nếu đã lên kế hoạch bay tới Istanbul, bạn cần hủy chuyến. Không có kỳ nghỉ nào đáng giá bằng mạng sống”.
Theo ông Lapid, căn cứ cho lời kêu gọi trên là “một số nỗ lực của phía Iran nhằm thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhắm vào người Israel trong kỳ nghỉ”.
“Tôi cũng muốn gửi đi thông điệp tới Iran. Bất cứ người nào hãm hại công dân Israel sẽ không thể thoát tội. Cánh tay nối dài của Israel sẽ tóm được chúng, bất kể chúng ở đâu”, vị ngoại trưởng nhấn mạnh.