Phục vụ bàn
Phục vụ quán ăn là một trong những việc giúp sinh viên kiếm tiền nhanh trong mùa Tết. Ảnh: NVCC. |
Do nhân viên về quê nhiều, khách lại đông hơn so với những thời điểm khác trong năm nên giáp Tết, không ít nhà hàng, quán cà phê chấp nhận trả lương gấp 3-4 lần để tìm người thay thế. Các bạn sinh viên không quá khó để tìm một vị trí làm việc phù hợp với mức lương tương đối tốt.
Trót mua vé tàu về quê vào ngày 26 Tết, nhưng lại được nghỉ từ 15/12 âm lịch nên Thương (sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) xin làm phục vụ tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Thương cho biết, giáp Tết, do khách đông nên việc phục vụ khá vất vả, bù lại, mức lương bạn nhận được đến 20.000 đồng/giờ.
“Mỗi ngày làm ca 8 tiếng, mình được trả 160.000 đồng, chưa kể ngày tăng ca có thể lên tới 200.000 đồng - mức thu nhập tốt so với những công việc thời vụ khác của sinh viên như gia sư, bán hàng thuê tại chợ. Nếu chăm chỉ làm việc từ giờ đến Tết, mình cũng có một khoản kha khá về quê”, Thương chia sẻ.
Bán hàng thuê
Nhiều sinh viên ở lại Hà Nội đi bán hàng kiếm tiền tiêu Tết. Ảnh: Ngọc Lan. |
Mặc dù bận học vào buổi sáng nhưng Hương (Viện đại học Mở Hà Nội) vẫn tranh thủ buổi chiều, tối và cuối tuần bán hàng tại một hàng tạp hóa ở gần nhà. Hương cho biết, bán hàng Tết rất vất vả vì khách đông, nhưng được tiếp xúc với nhiều người, đi làm vừa có tiền vừa vui. Chỉ làm thêm nửa tháng nhưng chủ hàng hứa trả cho Hương 5 triệu đồng và tặng kèm quà Tết.
Còn Nam, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, mặc dù là con trai nhưng khéo ăn nói nên năm nào cũng được một công ty đặc sản mời bán hàng Tết tại các hội chợ đặc sản ở Hà Nội. Nam cho biết, thông thường khoảng 15 tháng chạp các hội chợ mới mở, cũng vừa lúc thi xong. Năm nay, công ty mở rộng chương trình nên Nam phải tranh thủ đi làm từ đầu tháng 12. Nam tính, nếu làm chăm chỉ đến Tết cũng được gần 7 triệu đồng.
Lau, dọn nhà cuối năm
Dọn nhà cuối năm, công việc giúp sinh viên kiếm bộn tiền. Ảnh: Citinews. |
Quen biết các gia đình có nhu cầu dọn nhà cuối năm nên Tình, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền tranh thủ 2 tuần nghỉ trước Tết để làm kiếm thêm thu nhập bằng công việc này. Tình cho biết, do diện tích và lượng công việc của mỗi gia đình khác nhau nên chủ nhà thường trả khoán, với mức giá dao động 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày.
Công việc cũng khá nhẹ nhàng, thường là quét dọn, sắp xếp đồ đạc và lau chùi các vật dụng, sàn nhà. Nhà nào yêu cầu giặt ga, rèm cửa,…Tình được trả tiền thêm. Ngoài khoản tiền từ lau dọn nhà, cô nàng còn được một số chủ nhà cho những vật dụng cũ không dùng đến. "Mình cũng thu thêm từ tiền bán đồng nát chủ cho. Ngoài ra, nhiều người còn lì xì thêm vài trăm nghìn", Tình chia sẻ.
Bán đặc sản quê online
Sinh viên bán hàng online dịp Tết. Ảnh: T. Thanh. |
Hà Thị Thanh, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, do Lạng Sơn quê Thanh có nhiều đặc sản nổi tiếng nên bạn nảy ra ý định bán những món ăn này qua Facebook. Thanh nhờ bố mẹ ở Lạng Sơn tìm các mối bán thịt lợn rừng, lợn mán, thịt gác bếp, mật ong rừng để bán online. Do lấy hàng tận gốc nên Thanh bán giá khá mềm, khách mua rất đông.
Ngoài thu lời từ các mặt hàng, Thanh cũng tranh thủ buổi tối vận chuyển hàng để kiếm thêm thu nhập. Thanh cho biết, mỗi ngày đưa 3-4 đơn hàng, ngoài tiền lợi nhuận bạn còn thu thêm gần 100.000 đồng tiền ship.
Thợ chụp ảnh
Phó nháy kiếm tiền triệu mỗi ngày từ chụp ảnh Tết. Ảnh minh họa: Ngọc Lan. |
Cận Tết cũng là dịp nhu cầu chụp ảnh kỷ niệm của các bạn trẻ tăng cao, các “phó nháy” theo đó cũng được mùa bội thu.
Chụp ảnh đẹp, lại sẵn có máy ảnh Canon 60D trong tay, Nam Phong, sinh viên Học viện báo Báo chí và Tuyên truyền nhận được nhiều lời mời chụp ảnh từ bạn bè.
Tùy theo gói chụp mà mức giá khác nhau. Nếu chụp đơn, đôi, giá được tính 300.000 đồng/buổi, chụp nhóm 4-5 người giá dao động 500.000-600.000 đồng/buổi. Thông thường, mỗi buổi chụp chỉ kéo dài 3 tiếng. Nam cho biết, vào 2 ngày cuối tuần, bạn phải chạy sô chụp cho 4 lượt khách, thu nhập đến gần 2 triệu đồng/ngày.