Những vấn đề gây 'đau đầu' cho Obama nhiệm kỳ 2
Khôi phục kinh tế, tìm tiếng nói chung trong những chính sách đối nội, đối ngoại hay đảm bảo vị thế siêu cường của Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc… là những bài toán hóc búa chờ Tổng thống Obama tìm lời giải.
Tuy nước Mỹ không còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng như năm 2008, vai trò của Mỹ ở Iraq đã chấm dứt và chuộc chiến Afghanistan đang đến hồi khép lại nhưng không vì thế mà thách thức đặt lên vai Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ này nhẹ gánh hơn.
Nước Mỹ đang sa lầy dai dẳng bởi tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi thu nhập của người dân vẫn rất thấp. Song hành với đó là giá xăng và giá nhiên liệu tăng cao trong khi chính phủ đang nợ khoản tiền lên tới 14.000 tỷ USD và đang có dấu hiệu tăng lên. Ngân sách liên bang lay lắt bằng những khoản gia hạn chắp vá luôn trong tình trạng gần hết hiệu lực. Ngay cả Chính phủ Mỹ cũng trên một lần lâm vào cảnh suýt phải đóng cửa vì “thiếu tiền”. Nền kinh tế mãi chưa thoát khỏi khủng hoảng.
Trong khi đó, dù Osama bin Laden đã bị tiêu diệt nhưng quân Mỹ tại Afghanistan lại phải đối mặt với sự trỗi dậy của al-Qaeda và sự lộng hành của Taliban. Chính quyền Mỹ dựng lên ở Iraq luôn trong tình trạng tan đàn xẻ nghé trong khi những chính phủ mới ở Trung Đông, Bắc Phi hoạt động không mấy hiệu quả. Hơn nữa, chương trình hạt nhân Iran và tên lửa đạn đạo Triều Tiên còn khiến Washington và đồng minh đau đầu.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh như vũ bão của Trung Quốc trong suốt 4 năm qua cũng đang khiến Mỹ lâm vào thế khó. Việc Trung Quốc đạt được những thành tựu liên tiếp về kinh tế, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh khiến vị thế siêu cường của Mỹ đang ngày càng bị đe dọa. Tuy còn kém xa so với Mỹ nhưng nếu Trung Quốc cứ phát triển theo tốc độ hiện nay, việc Mỹ bị bỏ lại đằng sau không còn là tương lai xa.
Dưới đây là những thách thức đang đón chờ đương kim Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ 2.
Thách thức kinh tế
Nước Mỹ đang từ từ “bò” lên sau cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp dù đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn dai dẳng ở mức 7,9%. Thị trường việc làm đìu hiu trong khi hàng hóa không được tiêu thụ bởi phần lớn người Mỹ đều đang cắt giảm nhu cầu do thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ chỉ đạt 2% trong suốt quý 3.
Trong nhiều yếu tố khiến Mỹ không thể bứt khỏi khủng hoảng có khủng hoảng nợ châu Âu, sự khó khăn nối dài trong thị trường bất đồng sản Mỹ nhưng đặc biệt nhất là sự thiếu chắc chắn về chính sách tài chính của Chính phủ Mỹ trong tương lai gần.
Kinh tế khủng hoảng có thể coi là khó khăn lớn nhất và cũng cần giải quyết trước tiên trong nhiệm kỳ tới của ông Obama bởi ngay từ trong giai đoạn tranh cử, các cuộc thăm dò đều cho thấy, kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của người Mỹ.
“Vách đá tài chính” và thâm hụt ngân sách
Những nhà kinh tế hàng đầu nước Mỹ và thế giới đều lo ngại, Washington có thể trượt dốc xuống cái gọi là “vách đá tài chính”, hậu quả của các biện pháp tài chính khắc khổ như tăng thuế, cắt giảm chi tiêu vốn được áp dụng để tránh cho nước Mỹ rơi vào suy thoái những năm trước đó.
Trên thực tế, kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách lên tới 1,2 ngàn tỷ USD của Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 2/1/2013. Đây là kế hoạch được ban hành từ thời Tổng thống George W. Bush nhưng nếu chính quyền Obama và quốc hội không sớm tìm được tiếng nói chung về vấn đề này, 9/10 người dân Mỹ sẽ phải chịu ảnh hưởng với số tiền thuế tăng lên 3.500 USD/năm.
Sẽ là thảm họa thực sự cho nền kinh tế Mỹ và thế giới bởi người dân Mỹ vốn đã hạn chế chi tiêu, nay càng phải thắt lưng buộc bụng để bù vào tiền thuế bị thu thêm. Kèm theo đó là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, buộc chính phủ phải chi những khoản trợ cấp thất nghiệp không nhỏ. Trong bối cảnh hạn chót sắp đến, gánh nặng thực sự đang đặt trên vai Tổng thống mới tái đắc cử Barack Obama bởi sẽ rất khó để tìm được tiếng nói chung trong Quốc hội Mỹ.
Đối phó với những người Cộng hòa
Nhiệm kỳ thứ 2, đương kim Tổng thống Obama sẽ phải tìm cách đối phó với một đảng Cộng hòa đầy mâu thuẫn và rối loạn trong Quốc hội Mỹ. Năm 2010, một nhóm khá nhỏ những nghị sĩ trong quốc hội đã bất ngờ tấn công vào chính sách của đảng Cộng hòa. Dưới thời Tổng thống Bush, đảng Cộng hòa hoạt động mà xem thường các mối quan tâm truyền thống, gây ra tình trạng bất đồng trong nội bộ đảng.
Chính sự bất đồng này đẩy chính quyền Obama vào tình thế khó khăn nếu muốn tìm được tiếng nói chung trong chính quốc hội. Tuy nhiên, đương kim tổng thống sẽ phải tìm mọi cách để đạt được điều đó nếu không muốn nước Mỹ lao dốc vì khủng hoảng.
Tìm kiếm vị thế ở thế giới Hồi giáo
Giai đoạn cao trào của chiến dịch tranh cử Mỹ diễn ra đúng thời điểm Đại sứ Mỹ tại Libya bị sát hại trong vụ tấn công sứ quán ở Benghazi. Trong khi đó, cuộc nội chiến Syria không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngược lại, giao chiến giữa quân đội Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy diễn ra thường xuyên hơn.
Mùa xuân Ả Rập đã biến toàn bộ khu vực Trung Đông, Bắc Phi trở nên “mỏng manh dễ vỡ”. Chính vì lẽ đó, Tổng thống Obama cần phải tìm ra cách thức tạo dựng vị thế của Mỹ trong khu vực mà không biến nơi đây thành mớ bòng bong của xung đột tôn giáo, chính trị và lợi ích kinh tế.
Trong khi đó, vấn đề hạt nhân Iran đang khiến Mỹ và đồng minh Israel đau đầu. Nắm giữ tiềm lực quân sự mạnh cùng với đội quân thiện chiến, Iran là trở ngại thực sự của Mỹ ở khu vực. Trong khi đó, nhà nước Cộng hòa Hồi giáo đang bị cáo buộc tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, mối đe dọa với sự tồn vong của đồng minh thân cận của Mỹ là Israel.
Tuy không thuộc thế giới Hồi giáo, Triều Tiên cũng đang là vấn đề khiến Mỹ phân tán sự tập trung. Vụ phóng thử vệ tinh bất thành của Bình Nhưỡng kèm với những thông tin tình báo về vụ thử hạt nhân lần 3 của chính quyền Kim Jong-un khiến Mỹ và các đồng minh châu Á khó lòng yên ổn. Trong khi đó, những tuyên bố cứng rắn của Bình Nhưỡng khiến hy vọng giải quyết những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thông qua con đường Ngoại giao gần như đi vào ngõ cụt.
Giữ vững vị thế siêu cường
Trung Quốc đang là một trong những quốc gia đe dọa trực tiếp vị thế siêu cường mà Mỹ dày công gây dựng và vun đắp. Vượt mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, liên tiếp gây ra tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, trong đó có tranh chấp với Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ khiến tham vọng của Trung Quốc ngày càng lộ rõ.
Về quân sự, Trung Quốc liên tiếp công bố những thành tựu vượt bậc trong ngành công nghiệp chế tạo vũ khí. Ngoài những mẫu chiến đấu cơ đủ kiểu dáng, Bắc Kinh còn đang tiến hành thử nghiệm cùng lúc 2 phiên bản chiến đấu cơ tàng hình là Thành Đô J-20 và J-31. Trong khi đó, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh, giúp tăng cường đáng kể sức mạnh tác chiến trên biển của Trung Quốc.
Cũng chỉ trong năm nay, Bắc Kinh đã thực hiện thành công việc ráp nối các module bên ngoài không gian, tạo cơ sở để xây dựng trạm vũ trụ quốc tế mang thương hiệu Trung Quốc. Không những vậy, có thể Trung Quốc sẽ là quốc gia đảm bảo sự hiện diện của con người bên ngoài không gian, sau khi Trạm vũ trụ Quốc tế ISS nghỉ hưu vào năm 2020.
Trước sự bành chướng đó, Mỹ buộc phải thay đổi chính sách để đảm bảo vị thế của mình. Thay đổi trọng tâm chiến lược sang châu Á là một trong những bước đi mà Mỹ mới tiến hành nhưng hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chính sách với Trung Quốc những năm tiếp theo của chính quyền Obama.
Trịnh Duy
Theo Infonet