Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những trường học kỳ lạ trên hành tinh

Dân nghèo trong một làng ở Trung Quốc biến hang thành trường, trong khi một tổ chức từ thiện ở Bangladesh dạy kiến thức cho hàng nghìn trẻ em trên thuyền.

Biến hang thành trường

Trường Tiểu học Dongzhong nằm trong một hang động ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Englishcri
Trường Tiểu học Dongzhong nằm trong một hang động ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: Englishcri

Trường Tiểu học Dongzhong là một công trình nằm trong hang ở làng Miao, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Từ “Dongzhong” có nghĩa là “hang động”.

Quý Châu là một tỉnh nghèo, nhận nguồn hỗ trợ ít ỏi từ chính phủ. Thay vì sử trông chờ tiền từ chính quyền để xây dựng trường học, vào năm 1984, dân làng Miao bắt đầu dựng các lớp học trong hang với 8 giáo viên và 186 học sinh, theo China Daily.

Hàng ngày, một số học sinh mất tới 6 tiếng chỉ để đi từ nhà đến trường và ngược lại. Nhưng đây không phải là mối bận tâm của người dân. Họ chỉ lo một vấn đề: Trường có thể tiếp tục tồn tại hay không. 23 năm sau, nỗi lo trở thành hiện thực khi các quan chức yêu cầu trường ngừng hoạt động. Người đại diện của chính phủ cho biết, họ cần phải làm vậy vì Trung Quốc không phải là “xã hội của người tiền sử”.

Dạy học trên thuyền

Tổ chức Shidhulai Swanirvar Sangstha thành lập ngôi trường nổi giúp học sinh ở Bangladesh có thể học tập trong mùa lũ. Ảnh:
Tổ chức Shidhulai Swanirvar Sangstha thành lập ngôi trường nổi để giúp học sinh ở Bangladesh học tập trong mùa lũ. Ảnh: Fastcodesign

Mỗi năm, Bangladesh hứng chịu hai đợt lũ lớn khiến hàng triệu người sống trong cảnh không điện, nước và các nhu cầu thiết yếu khác. Các ngôi trường khó tồn tại và nhiều trẻ em không có cơ hội học hành. Tổ chức phi lợi nhuận Shidhulai Swanirvar Sangstha đưa ra ý tưởng tuyệt vời để khắc phục những khó khăn do thiên nhiên gây ra. Họ xây dựng nhà ở, trung tâm y tế và các trường học nổi, India Today cho hay.

Shidhulai Swanirvar Sangstha điều hành khoảng 100 thuyền thuộc hệ thống trường trên mặt nước. Họ trang bị pin năng lượng mặt trời, máy tính xách tay, Internet và thư viện nhỏ cho mỗi trường; sử dụng thuyền làm nơi dạy học cũng như phương tiện đưa đón học sinh. Trong các trận lũ, khi các hoạt động kinh doanh buộc phải tạm dừng, trường vẫn hoạt động. Nhân viên của trường đón học sinh dọc bờ sông, chọn nơi cập bến rồi giảng dạy. Khi buổi học kết thúc, họ chở học sinh về nhà rồi đón nhóm khác. Shidhulai Swanirvar Sangstha thành lập ngôi trường từ năm 2002, cung cấp nơi học tập cho hơn 7.000 trẻ em.

Học kiến thức trên sân ga

Trẻ em nghèo ở Ấn Độ tụ tập trên sân ga để học bài. Ảnh:
Trẻ em nghèo ở Ấn Độ tụ tập trên sân ga để học bài. Ảnh: Prashant Ravi

Inderjit Khurana là giáo viên ở bang Orissa, Ấn Độ. Hàng ngày, khi chờ tàu để đi làm, cô thấy những đứa trẻ lên tàu để xin tiền hành khách thay vì đi học. Cô tin các em cần đi học nếu chúng muốn có tương lai tốt đẹp hơn. Vì không thể đưa bọn trẻ đến trường, cô giáo trẻ quyết định đưa trường học đến với các em. Với suy nghĩ ấy, Inderjit Khurana thành lập Trung tâm Dịch vụ Xã hội Trường Ruchika (RSSO). Đây là nền móng cho sự ra đời của trường Train Platform vào năm 1985, theo Press Trust of India.

Bắt đầu dự án chỉ với một trường, nhưng Khurana đang giảng dạy cho khoảng 4.000 học sinh trên khắp đất nước Ấn Độ. Họ là những đứa trẻ đường phố, lao động trẻ em và con em các gia đình nghèo. Học sinh tụ tập tại các ga tàu để học đọc, viết, học tập qua các chuyến đi thực địa, thẻ thông tin, các ca khúc, kịch, âm nhạc và múa rối. Các em có thể nghỉ học nếu chúng muốn.  Khurana nhận ra rằng việc dạy học sẽ gặp khó khăn nếu tổ chức không thể đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho gia đình học sinh. Vì thế, bên cạnh dạy học, RSSO còn cung cấp thực phẩm và thuốc men cho các em.

Trường tiểu học dưới lòng đất

Abo vừa là một trường tiểu học vừa là hầm trú ẩn dưới mặt đất nhằm tránh bụi phóng xạ. Ảnh:
Abo vừa là một trường tiểu học, vừa là hầm trú ẩn dưới mặt đất trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra. Ảnh: Slate 

Trường Tiểu học Abo là cơ sở học tập trong đất đầu tiên ở Mỹ. Khi nguy cơ xung đột hạt nhân với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh dâng cao, tổng thống John F. Kennedy muốn thành lập các công trình để giúp người dân tránh bụi phóng xạ. Thị trấn Artesia, bang New Mexico là  nơi có nhà máy lọc dầu và nằm gần bãi thử nghiệm tên lửa White Sands và Căn cứ Không quân Walker. Vì thế, nhà chức trách lo ngại nó sẽ trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của Liên Xô nếu xung đột hạt nhân bùng nổ. Washington quyết định xây dựng một ngôi trường ngầm để người dân trú ẩn khi chiến tranh nổ ra.

Trường nằm hoàn toàn trong lòng đất, với 3 lối vào với 3 cánh cửa thép có khối lượng 800 kg. Họ cũng trang bị vòi khử phóng xạ cho các cánh cửa. Theo thiết kế, ngôi trường có khả năng chống phóng xạ và chịu sức nổ 20 megaton. Nó cũng bao gồm nhà xác, máy phát điện, giếng nước, hệ thống thông gió riêng, các kho dự trữ thực phẩm và thuốc men. Tuy nhiên, nhiều học sinh không biết chúng đang học tại một hầm trú bom.

Cuối cùng, trường Abo không trở thành nơi trú ẩn. Vào năm 1995, chính quyền bang đóng cửa trường vì chí phí bảo trì quá cao, Slate cho hay.

Nguyễn Ngọc

Bạn có thể quan tâm