Sau nhiều năm phát triển, cùng với sự hoàn thiện về hạ tầng, Hà Nội đã mở rộng diện tích, xuất hiện thêm các trung tâm mới, hiện đại và năng động hơn.
Anh Việt Dũng sinh ra và lớn lên tại một khu tập thể cũ 5 tầng ở phố Tông Đản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là một trong những khu tập thể có vị trí trung tâm nhất tại thủ đô khi cách hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 400 m đi bộ.
Cách đây 15 năm, khi gần 30 tuổi, anh Dũng lấy vợ và ra ở riêng. Anh chị quyết định mua một căn chung cư ở quận Cầu Giấy. Khi đó, gia đình và người thân liên tiếp phản đối quyết định này vì cho rằng ở khu vực Cầu Giấy là quá xa.
Từ Tông Đản đi về khu vực Trung Hòa - Nhân Chính mất gần 9 km, thời gian di chuyển trong điều kiện giao thông bình thường là 30-40 phút. Đây được coi là khoảng cách rất xa với một gia đình trước nay vẫn sống chủ yếu ở khu vực trung tâm cũ Hà Nội.
Sau hàng chục năm phát triển, định nghĩa “trung tâm” của Hà Nội đã dần thay đổi. Hà Nội đã là thành phố trên 8 triệu dân, các quận mới liên tiếp ra đời; đường sá, cầu cống, hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện. Do vậy, suy nghĩ về trung tâm, khoảng cách xa hay gần giờ không còn nhiều ý nghĩa so với trước đây.
Anh Dũng vẫn quyết định mua căn chung cư ở Cầu Giấy vì cho rằng một thành phố phát triển sẽ chuyển mình nhiều hơn nữa. Hạ tầng giao thông sẽ mở ra những quỹ đất mới, thành phố sẽ có thêm nhiều trung tâm hiện đại và khắc phục được các vấn đề mà trung tâm cũ không thể thay đổi.
“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” là câu cửa miệng của nhiều người khi nói đến quyết định mua nhà. “Cận thị” nghĩ là gia chủ mong muốn căn nhà của mình ở khu vực trung tâm đô thị nhất có thể, sau đó mới là gần sông, gần đường lớn. Như vậy, từ xa xưa, tư tưởng mua nhà gần trung tâm đô thị đã khá phổ biến.
Trung tâm thành phố bấy lâu vẫn được người Hà Nội định nghĩa ở khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Mua nhà gần trung tâm sẽ giúp gia chủ dễ dàng tiếp cận các tiện ích, công trình công ích như bệnh viện, trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước, tiết kiệm thời gian di chuyển vào trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, thực tế, việc đánh giá một dự án chỉ dựa vào vị trí gần trung tâm đã lỗi thời. Người mua nhà, đặc biệt là giới nhà giàu, đang có xu hướng tìm những dự án ở xa trung tâm, tận hưởng không gian sống rộng rãi hơn, gần thiên nhiên, trong lành, trong khi các tiện ích vẫn đầy đủ, đồng bộ.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, sự gia tăng dân số, những trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng chịu nhiều áp lực, quá tải hạ tầng. Từ đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, thiếu không gian sống, cảnh quan thiên nhiên, tiện ích bị quá tải… Như vậy, hiện tại, sống ở trung tâm thành phố chưa hẳn đã được tận hưởng cuộc sống tốt nhất.
Một ví dụ đơn giản, nhiều gia đình sống ở trung tâm thành phố, có điều kiện nhưng vẫn không thể mua xe ôtô bởi thiếu chỗ đỗ, hạ tầng chưa cho phép. Việc tìm một chỗ đỗ “khó như lên trời” cản trở họ tận hưởng cuộc sống thịnh vượng, cân bằng.
Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều căn nhà ở khu vực trung tâm nhưng nằm trong ngõ, không thể đi ôtô vào, không thuận tiện buôn bán kinh doanh vẫn không thể bán lại. Thậm chí nếu bán lại, mức giá cũng không cao. Ngoài ra, việc xây dựng, sửa chữa những căn nhà tại trung tâm thành phố cũng tốn kém, đắt đỏ hơn.
Quá tải hạ tầng đang khiến trung tâm vốn có của Hà Nội gặp nhiều vấn đề. Trên thế giới, xu hướng xây dựng các thành phố đa cực, nhiều vệ tinh đang được các nước thực hiện thay vì chỉ phụ thuộc vào một trung tâm. Những thành phố như Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp)… đều thực hiện rất thành công. Hà Nội cũng đang ngày một mở rộng và định hướng xây dựng thành phố đa cực. Điều này cho thấy khái niệm trung tâm hiện tại đã thay đổi trong quy hoạch và định hướng tương lai.
Ông Nguyễn Công Trình sống ở quận Nam Từ Liêm còn nhớ cách đây 20 năm, để đưa vợ con về thăm ông bà ngoại ở Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), đường sá khó khăn như thế nào. Khi đó, Hà Nội chưa có cầu Nhật Tân hay Vĩnh Tuy, việc đi lại phụ thuộc chủ yếu vào cầu Chương Dương và Long Biên. Để đi từ đầu này thành phố sang bên kia, ông mất gần nửa ngày đường.
Tuy nhiên hiện tại, nhiều cây cầu và đường vành đai đã được xây dựng, việc di chuyển trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn trước kia rất nhiều.
Theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông chưa phát triển là một trong những điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển. Nếu trung tâm cũ của Hà Nội không có những con đường lớn, cây cầu hiện đại tỏa đi xung quanh, thành phố sẽ không còn nhiều dư địa để phát triển. Điều này sẽ khiến trung tâm cũ ngày càng chật chội, quá tải.
Nếu so sánh Hà Nội hiện tại và 15 năm trước sẽ thấy được sự khác biệt lớn đến thế nào, để cho thấy khái niệm trung tâm đã thay đổi ra sao.
Hà Nội 15 năm trước chưa có cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì và Nhật Tân. Việc tiếp cận từ nội thành sang bên kia sông Hồng phụ thuộc vào 2 cây cầu chính là Thăng Long và Chương Dương. Còn cầu Long Biên chủ yếu phục vụ đường sắt. Do đó, việc đi lại từ nội thành sang các khu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn… khá khó khăn.
Hà Nội 15 năm trước chưa có nhiều công trình lớn như đường vành đai 3 trên cao, hầm chui Đại Cồ Việt, vành đai 2 đoạn Trần Khánh Dư đến Voi Phục… Hà Nội cũng chưa có đường Võ Nguyên Giáp, đại lộ Thăng Long…
Trước kia, khi cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đường sá còn chưa được mở mang, việc di chuyển rất khó khăn. Do đó, tâm lý chung của nhiều người là ngại di chuyển. Đó cũng là nguyên nhân khiến tâm lý mua nhà ngại xa, chỉ cần gần trung tâm.
Tuy nhiên, hiện tại, hệ thống hạ tầng đường sá ngày càng được mở mang, thông thoáng. Việc di chuyển từ trung tâm thành phố đến các khu vực khác rất dễ dàng, không mất quá nhiều thời gian. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, việc sử dụng ôtô làm phương tiện di chuyển khiến những khoảng cách tưởng chừng “xa xôi” của trước kia được thu ngắn lại.
Từ những khu đô thị ven đô, cư dân có thể dễ dàng di chuyển vào trung tâm thành phố trong khoảng 30-40 phút. Đây là khoảng thời gian khá ngắn, đổi lại, gia chủ được tận hưởng không gian sống hoàn toàn khác biệt.
Có thể nói, việc đầu tư cho hạ tầng 15 năm qua đã giúp Hà Nội gặt hái được nhiều kết quả lớn ngày hôm nay. Những con đường, những cây cầu mở ra quỹ đất mới, khu đô thị mới, vùng động lực phát triển mới.
Trước kia, ít ai nghĩ Long Biên, Đông Anh hay Gia Lâm lại có những khu đô thị lớn. Tuy vậy, ngày nay, những khu đô thị như Vinhomes Riverside, Vinhomes Ocean Park cho thấy cái nhìn hoàn toàn khác về khu ngoại ô. Trước kia, cũng ít ai nghĩ đến việc mua nhà tại Hoài Đức, Từ Liêm, Hà Đông… Tuy nhiên, hiện tại cái nhìn đã thay đổi.
Những nơi này đang hình thành các trung tâm mới, kéo giãn dân đô thị hiện tại, theo đúng định hướng phát triển đô thị vệ tinh của thành phố. Để từ đó, trong tương lai, thành phố sẽ có thêm nhiều “trung tâm” đáng sống cho người dân.
Sinh ra ở phố Hàng Mắm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhưng ông Xuân Tiến lại thích làm vườn, trồng cây. Những năm 2000, dù bị gia đình phản đối, ông quyết bán căn nhà ở Hàng Mắm để ra khu vực Tứ Liên (Tây Hồ) mua đất có sân vườn trồng cây. Tuy nhiên, sau nhiều năm sống ở khu vực Tứ Liên hạ tầng chưa đồng bộ, ông quyết định chuyển nhà lần hai.
Những năm 2000, ít ai nghĩ khu vực Long Biên, Gia Lâm lại có thể hình thành khu đô thị hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế. Ông Tiến lần này mua nhà ở khu đô thị Vinhomes Riverside, nơi ông có sân vườn để trồng cây, ao cá để thư giãn và cả hạ tầng tiện ích đồng bộ, hiện đại được gây dựng ở khu đô thị.
Những khu đô thị mới hiện đại mọc lên nhanh chóng tạo ra chất lượng sống mới cho người dân thủ đô, đồng thời gần hình thành các trung tâm mới ở cả phía đông và phía tây thành phố. Đây được coi là xu hướng tất yếu của các khu đô thị trên thế giới, khi theo chiều hướng đa cực.
Tại phía đông, đại đô thị Vinhomes Ocean Park đang dần hình thành, đã đón những cư dân đầu tiên về ở. Từ khu đô thị, cư dân có thể kết nối với trung tâm thành phố thông qua trục Cổ Linh, quốc lộ 5A. Trong tương lai, lối lên xuống cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự kiến nằm cận kề khu đô thị, giúp cư dân dễ dàng di chuyển đến các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ngoài ra, nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Thanh Trì cũng đang dần được hoàn thiện giúp việc di chuyển dễ dàng hơn.
Vinhomes Ocean Park cũng là một bằng chứng về việc các khu trung tâm mới sẽ có quỹ đất lớn hơn, hạ tầng tốt hơn, giải quyết được nhiều điểm yếu mà các khu đô thị cũ khó thay đổi. Tại đây, mật độ xây dựng chỉ 19%, rất thấp so với khu trung tâm cũ vốn đã chật chội. Ngoài ra, chủ đầu tư còn dành ra diện tích mặt nước khoảng 55 ha, diện tích cảnh quan khoảng 62 ha giúp tạo lập môi trường sống trong lành, gần gũi thiên nhiên.
Hạ tầng tại đây cũng hoàn thiện với đường sá hiện đại, trường học, bệnh viện đẳng cấp 5 sao, trường đại học đẳng cấp quốc tế VinUni, trung tâm thương mại, nhà phố thương mại… Trong tương lai, nơi đây cũng sẽ có thêm khu vui chơi giải trí, công viên chủ đề…
Tại khu vực phía tây, một trung tâm mới khác cũng đang hình thành tại Vinhomes Smart City. Với đại lộ Thăng Long, trung tâm này giúp kết nối nhanh chóng với những cơ quan, tòa nhà, khu văn phòng sôi động nhất khu vực. Từ đây, cư dân dễ dàng đi chuyển đến Trung tâm hội nghị quốc gia, sân vận động quốc gia Mỹ Đình và đường đua F1, khu văn phòng quận Cầu Giấy…
Trung tâm này cũng được xây dựng với hạ tầng, tiện ích không kém gì Vinhomes Ocean Park ở phía đông. Nơi đây có thể hình thành một không gian sống đa quốc gia, với nhiều người từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… đến làm việc, sinh sống.
Trong tương lai, khu vực phía tây thành phố sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 5 Hòa Lạc - Văn Cao đi dọc đại lộ Thăng Long, giúp việc di chuyển đến các khu vực khác trong thành phố dễ dàng hơn nữa.
Có thể thấy, chỉ sau 15 năm, Hà Nội đã thay đổi ngoạn mục và phát triển đa cực, đồng bộ, giúp nâng cao đời sống người dân và tạo ra các trung tâm phát triển mới. Dự báo trong tương lai, xu thế này sẽ còn mở rộng và ngày càng giúp thủ đô hiện đại, năng động hơn.
Sau 15 năm chuyển khỏi khu trung tâm Hoàn Kiếm, anh Việt Dũng vẫn cho rằng quyết định của mình là đúng đắn. Tại đây, các con anh được đi học tại những ngôi trường rộng rãi, hiện đại, khu đô thị mới có tiện ích, không gian mà khu phố cũ khó có được. Mới đây nhất, cả gia đình anh cũng đã chuyển nhà từ khu phố cổ sang đô thị Vinhomes Ocean Park tại Gia Lâm để ông bà và các con được tận hưởng không gian sống trong lành, thoáng đãng nhưng vẫn đầy đủ tiện ích.
Bình luận