Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những trang văn bản vương máu hay tìm lại Đà Lạt dưới sương mù

Từ hàng nghìn trang bản thảo có trang cháy góc, những bó tài liệu ẩm mốc, và cả những trang văn bản vương máu, Nguyễn Vĩnh Nguyên dựng nên bề sâu Đà Lạt qua 400 trang sách.

Sau Đà Lạt một thời hương xa xuất bản vài năm trước, nhiều người tự hỏi liệu Nguyễn Vĩnh Nguyên còn viết được gì về Đà Lạt nữa khi mà những gì hiện lên bề mặt đã được kể hết ở cuốn trước, với các nhân vật như Nhất Linh, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, vợ chồng Lê Uyên Phương, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Trịnh Cung… với khoảng không gian của Cà phê Tùng, của những kho sách đồ sộ nơi các thư viện, của một dòng xe hơi mà người Pháp đưa vào miền Nam Việt Nam năm 1970 mang tên La Dalat, của vài hiệu ảnh đen trắng nay đã chìm vào quá vãng...

Đà Lạt của bề chìm với những khoảng lạnh, khô cứng

Đà Lạt như ta vốn biết, chỉ dừng lại ở các con người nổi tiếng và các khoảng không gian bề mặt. Còn bề chìm bên dưới thì sao? Đà Lạt có thực sự là một thành phố yên bình, một nơi trú ẩn an toàn hay không? Nguyễn Vĩnh Nguyên đã trả lời bạn đọc trong cuốn sách mới của anh mang tên Đà Lạt bên dưới sương mù, biên khảo lịch sử văn hóa đô thị Đà Lạt giai đoạn 1950 - 1975.

Đà Lạt một thời hương xa tất cả hiện lên dễ chịu, mơ màng, thì ở Đà Lạt bên dưới sương mù là những khoảng lạnh, khô cứng, tàn nhẫn của lịch sử khi đã bóc tách mọi lớp sương khói bên trên đi. Cái nhìn của con người lúc này không còn mờ ảo nữa mà chỉ có năm tháng, sự kiện chính xác diễn ra. Lịch sử được trả đúng nghĩa với tên gọi của nó: chứa đựng các sự kiện liên quan vùng đất, con người Đà Lạt.

Da Lat giai doan 1950 anh 1
Sách Đà Lạt bên dưới sương mù.

Lịch sử ở đây là khoảng thời gian Đà Lạt được chọn làm thủ phủ của Hoàng triều cương thổ và cao nguyên miền Nam. Tất cả xảy ra một năm sau khi cựu hoàng Bảo Đại được Pháp đưa về nước năm 1949, cho lập chính phủ mới và làm quốc trưởng “Quốc gia Việt Nam”. Cựu hoàng đã có gần năm năm “làm chủ” mảnh đất này và biến nó thành “đất của vua”. Khi đó ai muốn vào Đà Lạt đều phải xin phép Nha công an Hoàng triều cương thổ thuộc Văn phòng Quốc trưởng ở Hà Nội và Sài Gòn.

Cuốn sách còn là Đà Lạt từ điểm nhìn của một thế hệ xây dựng mới. Hay Đà Lạt với một công trình kiến trúc tân kỳ - đó là chợ Đà Lạt. Đà Lạt với chuyện nạo vét hồ Xuân Hương hay chuyện đất và nhà của bà Nhu ở nơi đây. Tất cả câu chuyện này đều được lấp dưới rất nhiều tầng ký ức, tầng dữ kiện của lịch sử diễn ra hàng ngày.

Biểu tượng của quyền lực 

Có những câu chuyện chẳng mấy người còn lưu nhớ trong một Đà Lạt đông đúc nơi thì hiện tại. Như những câu chuyện về Mậu Thân - 1968, Đà Lạt tuy không gánh chịu nhiều bom đạn như Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng… nhưng những mất mát, đau thương của nó để lại dư chấn rất lâu.

Bởi trong một khoảng không gian hẹp, bó buộc của sự nghĩ rằng nơi mình đang sống là đỉnh cao bình yên, thế mà một ngày tất cả bỗng đảo lộn.

Những mảnh ký ức rời ấy cứ vương vãi dần, Đồi Ba Cây nơi những chiếc xe cứu thương của hướng đạo sinh chở xác người vô thừa nhận về chôn dù thuộc phe phái nào ngày nay mấy ai còn biết đến…

Đà Lạt là thế, bỏ sương mù đi thì còn là biểu tượng của quyền lực, và cũng là mục tiêu của các đợt tấn công. Mà mục tiêu chính là nhằm vào các dinh thự. Vì chúng thường nằm ở vị trí biệt lập, trên những đồi thông hoang vu, sương gió, có cổng vào kín đáo… Các dinh thự này sang trọng, xa lạ, chứa đầy bí mật. Thêm nữa chúng được gán cho sự xa hoa mà người đời ưa thêu dệt.

Da Lat giai doan 1950 anh 2
Hotel Palace Dalat, nơi vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu gặp nhau. 

Vì thế, trong các cuộc biến động, các dinh thự trở thành mục tiêu nóng cho các cuộc tấn công quân sự. Lời đồn thổi về những bóng ma nơi đây một phần xuất phát từ đời sống bí mật của chủ nhân dinh thự, phần nữa từ chính những nhân mạng đã chết trong các cuộc giao tranh tiếp biến chính trị từ thể chế này sang thể chế khác.

Với bốn trăm trang sách, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã phải lật giở hàng nghìn trang văn bản cùng hàng trăm tài liệu qua nhiều thời kỳ lịch sử Đà Lạt để làm một cuộc ghi nhận cô đọng, giúp người đọc hình dung về những gì đã chìm khuất dưới sương mù.

“Có những văn bản bị cháy sém một góc. Có những bó hồ sơ ẩm mốc, những chiếc đinh ghim vụn nát khi có tay người chạm vào. Có những trang văn bản vương vết máu. Và có những sự việc treo lơ lửng không rõ đầu đuôi…”.

Và chúng ta vẫn chờ một ngày không xa Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ trở lại với Đà Lạt ở một cách tiếp cận khác.

Nguyễn Vĩnh Nguyên - tiếng đập của một trái tim yêu Đà Lạt

Nhà văn hoài niệm về một Đà Lạt với màu xanh lam của tảo, màu nắng vàng và mù sương, mùi hương nhẩn đắng của nhụy hoa trong sách "Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách".


Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm