Vào ngày Hà Nội chuyển lạnh, mưa rả rích vọng qua mái phố, tôi đọc Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nguyên buồn và nuối tiếc qua một tập sách. Tuổi trẻ của Nguyên lưu lại ở Đà Lạt năm nảo năm nào giờ nằm đây, chạm vào chữ là chạm vào ký ức, chạm vào các góc quá vãng xa lặng, ngai ngái xám.
Tập tản văn "Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách". |
Nguyễn Vĩnh Nguyên đến với Đà Lạt với tâm trạng của một người mất mát, của một thế hệ bỏ đi, cái thế hệ chẳng biết ngày mai mình sẽ làm gì, cần gì. Nguyên đến với Đà Lạt khi Đà Lạt đang ở quãng rơi cuối cùng của nhan sắc. Cái mùa nhan sắc từ thời Alexandre Yersin, kéo qua quãng 1954-1975, đến giờ và đến giờ, đến giờ rồi hết. Chấm hết một thành phố của hôm trước. Mở ra một thành phố kiến tạo mới mà người hôm qua phải lắc lư qua rất nhiều vỏ bọc mới tìm thấy lõi.
Cái lõi bên trong kia là nhà cửa, cây cối hay hình bóng mơ dụ con người. Có chăng là tiếng đập của một trái tim Đà Lạt vẫn thoi thóp níu. Đà Lạt già rồi. Có lúc nào Nguyên nghĩ trên đời này làm gì có gì bất tử.
Khi đọc hơn hai mươi những đoạn dời trong tập sách tôi nghĩ nhà văn đã chuẩn bị cho mình nhiều thứ hơn anh tưởng. Ký ức, rượu, bạn bè và lửa, để đốt cũng như tự thiêu chính mình. Ở bên kia là Đà Lạt, ở bên này là Nguyên. Mỗi đoạn rời là một đoạn phim ngắn về thân phận người; là tôi - người khác - kẻ khác - kẻ khác trong tôi - tôi trong kẻ khác - không phải tôi hay kẻ khác mà là kẻ khác nữa. Góc được chọn quay thường là các góc thiếu sáng, âm u, buồn bã.
Chỉ một chút mái phô ra phủ rêu; một góc khuất nơi quán cả phê; bản tin về hoa anh đào hằng năm trên báo; quán cà phê tứ chiếng xộc xệch, ngổn ngang; tháp chuông bỏ quên từ khi nào; đường phố khuya vàng vọt, thiếu sáng, lầy lội...
Người được chọn làm diễn viên cho các cảnh quay đa phần là những chiếc bóng; chúng chậm rãi, từ tốn làm động tạc của con người như lên xe, ngồi xuống, mắt xa xăm dõi ra ngoài; chúng nhấp li cà phê phủ thời gian xanh gào qua mắt; chúng đợi một tiếng chuông huyền màu từ thinh không vọng lại; hoặc lao vào nhau để bảo vệ giấc mơ của mình...
Những chiếc bóng im lặng trong một Đà Lạt ngả nhiều về phía im lặng. Nguyên không chọn cho mình những góc sôi động của đời sống hôm nay để cảm nhận. Nguyên trú chân ở ngày hôm qua.
Rồi khi xa đến thành phố khác lập nghiệp cay đắng nhận ra mình buộc phải xa nơi mình muốn thuộc về. Sau này, khi có quay lại thì Nguyên cũng có lúc nào là Nguyên nữa. Dù cố tạo ra tình huống để tìm: “Xe vào phố lúc ba giờ sáng... Tôi từ chối dịch vụ chung chuyển của hãng xe khách, tôi vác ba lô gật gù cuốc bộ. Như con thiêu thân đâm sầm vào Đà Lạt của đêm”.
Nhưng cánh cửa có lúc nào mở ra khi đã khép lại. Nguyên nhận ra mình chỉ là lữ khách của thành phố này. Một vị trí như Nguyên tự thú “vừa buồn tủi lại vừa khinh bạc, vừa kiêu hãnh là vừa dễ mủi lòng”. Dù cái bố trí đầy oái oăm của tạo hóa ấy đã tiếp thêm một cái nhìn đầy đủ, tinh tế nhất về thành phố. Có buồn, vui, cả ê chề của kiếp người. Kiếp người nghiêm túc nhất.
Mà có lúc nào làm người là không nghiêm túc đâu. Như cô điếm ế mặt bợt phấn son đi về trên con đường mưa leo lét ánh vàng đã làm Nguyên bật khóc trong cơn say kia? Cô nghiêm túc đấy chứ, nghiêm túc làm nốt phần người cho đến chết.
Mỗi chúng ta đều làm nốt phần người ấy của mình. Bà mẹ của Chuẩn, nơi tụ tập của đám bạn văn chương mơ trở thành Nguyễn Du cũng nghiêm túc chiều chuộng đám bạn con mình với kẹo đậu phụng, tô cháo vịt, cả rượu nữa. Bà chấp nhận làm gạch nối mơ hồ của một nhúm người mà tương lai chỉ toàn dấu hỏi. Rồi bà cụ ngồi một mình ở góc quán cà phê Tùng nghiêm túc đóng vai một Đà Lạt thu nhỏ để các lữ khách đi ngang qua thu vào để nhớ. Những người tự sát đi tìm sự nghiêm túc của Albert Camus là những người nghiêm túc đến tận cùng trong sự chết, sự chối bỏ.
Nguyễn Vĩnh Nguyên - một người thể hiện tình yêu Đà Lạt tha thiết qua các cuốn sách. |
Nguyên cố gắng tìm hiểu, lý giải tất cả mà sao vẫn có gì đấy đọng lại lấn cấn, vương vấn. Có phải những người tìm đến cái chết là do: “Cái ảm đạm âm tính của khí trời, cái giá buốt ngún lên từ cây cỏ, đất đai, cái chập chùng phong kín của trùng mây u uất... sẽ chế ngự và nhấn chìm mảnh sinh phận héo hắt của con người”.
Và “... ở cái thành phố này, những huyền thoại được dựng lên cho các thắng cảnh kích gợi sự tò mò của khách phương xa dều có bóng dáng của những cuộc tình tan vỡ và những cái chết. Những huyền thoại được thêu dệt cho cảnh sắc từ chính sự phi lí tràn đầy của con người”. Hay còn nguyên nhân nào khác nữa?
Mưa mù mờ sương về phía cũ. Nguyên ở trong tập tản văn này là chính Nguyên của tuổi hai mươi. Thiếu và thừa. Thừa sự mơ của phương trời mới nằm trong phương trời cũ mộng ảo ngả chiều. Tuổi trẻ nào cũng u buồn. Nguyên thừa mứa sự u buồn. Nguyên thiếu tự tin về kiến thức, trải nghiệm để bắt đầu một cái gì lớn hơn như tập du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975: Đà Lạt một thời hương xa. Hay chính quyển tản văn tôi đọc đây là bắt đầu của tập sách sau này. Chẳng biết nữa.
Đọc và đoán định là quyền của người đọc. Quyền của Nguyên trong tập sách là gọi ra những mùa kí ức đã quên. Mùa của sách vở, của hiện sinh rơi lại từ mảnh vỡ Sài Gòn xưa, của tân kỳ chữ nghĩa xưa nghe đến quen mà nay xa lạ thế.
Nguyên viết: “Có những ngày như thế. Đà Lạt nghẹn đầy trong ý nghĩ. Đó là khi ta nhận ra tình trạng vọng động tột cùng trong cơn cuồng khấu của kí ức. Ta tự hỏi, làm sao để trục xuất hàm lượng diệp lục tố, mù sương, màu xanh lam của tảo, màu nắng vàng và mù sương, mùi hương nhẩn đắng của nhụy hoa và câu kinh vẳng vẳng vặng trong hồn. Không lẽ thế giới rồi đây sẽ ngập lụt triền miên trong cơn đại hồng thủy của những di chỉ tưởng tượng”.
Chính Nguyên đấy, cuốn sách là một ngập lụt những di chỉ tưởng tượng thời quá vãng của Đà Lạt và của Nguyên. Khi đi qua thời gian ta chỉ có thể tái tạo được thời gian bằng hồi ức. Tập Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách là một chuỗi hồi ức dài không có hồi kết. Nếu có kết, là khi, trái tim của thành phố Đà Lạt không còn đập nữa.