Những 'tội tày đình' của Messi
"Tội" của Lionel Messi to lắm, khi anh đắc tội với các bậc tiền bối, hậu bối, với FIFA, UEFA và có tội với Ronaldo, Torres. Dưới đây là danh sách những tội lỗi của Messi:
Không kính trên, nhường dưới
Không kính trên tức là đối với các bậc tiền bối. Bao kỷ lục khủng khiếp của những danh thủ vĩ đại lần lượt bị anh phá vỡ hết. Niềm tự hào của Pele suốt hơn nửa thế kỷ, với 75 bàn trong năm 1958, anh đạp đổ nhẹ tênh. Đêm nay đến lượt kỷ lục của 85 bàn của Gerd Mueller. Trời ơi, cái kỷ lục được thiết lập từ tận 40 năm trước, từ cái thủa không ai biết đến khái niệm luật việt vị, tưởng chừng tồn tại bất diệt với thời gian. Thế mà giờ nó trở nên nhỏ bé dưới mũi giày của "chú lùn" Messi.
Có khi La Pulga ghi 90 bàn, thậm chí cả trăm bàn trong năm 2012 chứ chả đùa. Nếu vậy, anh đúng là không nhường dưới. Những thế hệ sau làm sao phá được kỷ lục của anh đây? Chắc phải mất cả thế kỷ, có khi chả bao giờ. Biết đâu sang năm nó đã bị xô đổ. Ai mà tài vậy? Câu trả lời chính là Messi.
Messi đã gây ra tội tày đình |
Coi thường chiến thuật
Có thể xem lịch sử bóng đá là sự phát triển, thay đổi của các hệ thống chiến thuật. Mỗi giai đoạn thường gắn liền với một hệ thống chiến thuật đặc trưng. Riêng năm 2012, chiến thuật khá đa dạng. 3-5-2 có. 5-3-2 không thiếu. 4-4-2 vẫn còn. 4-2-3-1 mang tính phổ biến. 4-6-0 đang được nhắc nhiều.
Đứng trước anh chàng cao vỏn vẹn 1m69, mọi hệ thống chiến thuật đều trở nên vô nghĩa. Dùng 3 hậu vệ mà ngăn cản anh thì khác nào "tự sát". 4 hậu vệ không đủ. 5 hậu vệ vẫn thiếu. Cả 10 hậu vệ, tức cả đội kéo về vòng cấm tử thủ, cộng thêm thủ môn, cũng không ăn thua. Messi đá cho nát hết.
Bao vĩ nhân, bao bộ óc thông minh nghĩ ra các loại chiến thuật. Messi đắc tội với họ thật rồi.
Hạ thấp uy tín của World Cup
Giải đấu uy tín nhất do FIFA tổ chức là World Cup, tồn tại hơn 80 năm qua, với chiếc Cúp bằng Vàng. Ngôi sao nào tỏa sáng nhất ở World Cup thường được chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất trong năm.
Messi có mặt ở World Cup 2010. Đội Argentina của anh đá tệ quá, anh phải về nước sớm. Argentina bị loại bởi Đức, sau trận thua tan tác. Giải đó, Tây Ban Nha vô địch, Hà Lan đứng thứ nhì. Năm 2010, dù vẫn tự hào cho rằng World Cup là giải đấu danh giá nhất, FIFA đành phải ngậm ngùi trao Quả bóng vàng cho Messi.
Khi có Messi, World Cup hóa tầm thường. Uy tín của World Cup đã bị hạ thấp. Tội của Messi đấy!
Xem UEFA chẳng ra gì
UEFA từng cho rằng EURO, Champions League của họ chất lượng hơn cả World Cup. Năm 2010, Inter vô địch Champions League, người đoạt Quả bóng vàng là Messi. Năm 2012, Chelsea vô địch. Quả bóng vàng khó thoát khỏi tay Messi. Hai năm ấy, Barca "chỉ" lọt vào bán kết. Có lẽ, ngay cả khi Barca gây sốc, không vượt qua vòng bảng, Messi vẫn đoạt Quả bóng vàng như thế. Thậm chí, không cần đá Champions League, Messi vẫn có thể được tôn vinh Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
Platini chắc là "cay" Messi lắm. Tội to thế mà.
Làm nhụt chí các "số 9"
"Số 9" ở đây là trung phong, là tiền đạo cắm, được trao nhiệm vụ quan trọng nhất là ghi bàn. Ai ghi được bàn thắng, như lập được chiến công vĩ đại. Bởi thế khi ghi bàn, các "số 9" mới ăn mừng sung sướng.
Khổ thân họ. Nhìn thấy Messi, chắc tự ti lắm. Messi có đá "số 9" đâu. Anh đang chơi đúng vị trí "số 10" đấy chứ". Thế mà anh ghi bàn phải bằng 4, 5 "số 9" cộng lại. Nói có sách, mách có chứng đàng hoàng. Cụ thể, "số 9" Torres của Chelsea chỉ ghi được 18 bàn trong năm 2012. Tính ra, 5 anh Torres cộng lại (có giá phải 250 triệu bảng) vẫn chưa bằng mình Messi.
Khổ thân Torres. Nhìn Messi ghi bàn dễ như ăn kẹo, chắc Torres "tự kỉ".
Khiến Ronaldo "buồn" hơ
Ronaldo đang hụt hơi trong các cuộc đua giành danh hiệu cá nhân với Messi |
Mùa này, Ronaldo "buồn" nhiều lắm. Buồn vì lương chưa được tăng. Buồn vì nội bộ lục đục, "chia bè, kết phái". Buồn vì CLB không bảo vệ anh. Buồn nhất có lẽ là phải chứng kiến Messi lập cú đúp hết trận này đến trận khác. Niềm tự hào lớn nhất của Ronaldo từ trước đến nay là ghi bàn. Giờ bị cái anh Messi ấy bỏ xa quá. Không buồn mới lạ.
Trước đây, người ta bảo khoảng cách giữa Messi và Ronaldo là rất nhỏ. Giờ thì nhỏ gì nữa. Chỉ tính riêng số bàn thắng, khoảng cách đã to đùng.
Tiki-taka bỗng nhiên bình thường
Hàng loạt đội bóng học theo Barca, đá tiki-taka. Lối chơi này được đánh giá có sức mạnh ghê gớm. Rất hoàn hảo. Tận nước Anh, hàng loạt đội đá tiki-taka, trong đó có Arsenal, Liverpool, Chelsea. Hiện đội nào cũng lâm vào khủng hoảng. Đội nào cũng rút ra kết luận: Không có Messi, tiki-taka cũng thường thôi.
Theo Thể Thao Văn Hóa