Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Hải Phòng vừa có hướng dẫn tạm thời về biện pháp chống dịch Covid-19, trong đó đưa ra cụ thể những người thuộc quận, huyện, vùng của tỉnh, thành khi về Hải Phòng phải cách ly y tế.
Theo nội dung hướng dẫn, những người từ Hải Dương, Quảng Ninh về Hải Phòng sẽ buộc phải cách ly tập trung.
Ngoài ra, người từ các khu vực sau của Hà Nội cũng phải cách ly tập trung, gồm: Xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh); phường Quan Hoa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy); phường Xuân Phương, Uy Nỗ, Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm); thị trấn Đông Anh; phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng).
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng yêu cầu người đi từ các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh phải thực hiện khai báo y tế, giám sát y tế; trừ các huyện Lâm Thao, Đồng Tiến, Mãn Đức, Cẩm Lý phải cách ly tập trung.
Nhiều tỉnh, thành ra yêu cầu cách ly với một số trường hợp về từ vùng dịch. Ảnh: Thảo Linh. |
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Hải Phòng cũng có yêu cầu với người về từ tỉnh Gia Lai (đặc biệt huyện Ia Pa và Krông Pa) cách ly y tế tại nhà. Riêng người về từ La Trok, Ia Mrơn, Kim Tân, Chư Rcăm buộc phải cách ly y tế tập trung khi về tới Hải Phòng.
Đối với người từ TP.HCM ra Hải Phòng, nếu ở quận 11 hay Thủ Dầu Một sẽ cách ly tại nhà; người ở phường 4, quận 11, bị buộc cách ly y tế tập trung.
Tương tự, khu vực Bình Dương nếu về Hải Phòng, những người ở Phú Hòa (Thủ Dầu Một), An Bình (Phú Giáo) phải đưa đi cách ly tập trung. Theo Sở Y tế Hải Phòng, các biện pháp có thể thay đổi trong các hướng dẫn tiếp theo, căn cứ vào tình hình dịch bệnh.
Ngoài Hải Phòng, nhiều địa phương cũng ra quyết định yêu cầu cách ly tại nhà và tập trung với một số người về quê ăn Tết từ các vùng đã có ca mắc Covid-19.
Nam Định sẽ lập danh sách những người trở về từ các địa điểm có ca mắc Covid-19 để cách ly, quản lý theo quy định. Người đi qua hoặc trở về từ các điểm có dịch khai báo y tế, cách ly tại nhà 14 ngày.
Nếu xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, người dân được khuyến cáo đến ngay cơ sở y tế. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ truy vết, cách ly những người tiếp xúc gần hoặc có liên quan với ca nhiễm Covid-19.
Tỉnh Thái Bình cho kích hoạt trở lại 7 tổ công tác liên ngành tại 7 khu vực cầu, cửa ngõ vào tỉnh, gồm: Cầu Tân Đệ (nối Thái Bình với Nam Định), cầu Nghìn, cầu Sông Hoá (nối Thái Bình với Hải Phòng), cầu Hiệp (nối Thái Bình với Hải Dương), cầu Thái Hà (nối Thái Bình với Hà Nam), cầu Triều Dương, cầu La Tiến (nối Thái Bình với Hưng Yên) để kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.
Các tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn người dân từ vùng dịch (theo thông báo và cập nhật của Bộ Y tế) nếu trở về địa phương thì thực hiện việc cách ly tập trung theo quy định, trường hợp không thực hiện thì kiên quyết yêu cầu quay đầu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Bình cũng khẳng định người dân về quê từ các địa phương không ở trong vùng dịch thì chỉ cần khai báo y tế, lịch trình di chuyển, không phải cách ly. Vùng dịch (theo cập nhật của Bộ Y tế) phải là những nơi mà dịch bùng phát nhanh, tạo thành ổ dịch. Những người đi từ một thôn, làng hay xã, phường, thành phố, thị xã đang bị phong toả vì có nhiều ca mắc Covid-19 lây lan trong cộng đồng, thì khi về Thái Bình mới phải đi cách ly tập trung, hoặc là quay đầu xe.
Tính đến ngày 3/2, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 25 ca mắc trong đó có 23 ca nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện, tỉnh đã tổ chức cách ly tập trung cho hơn 1.500 người, cách ly tại nhà và nơi lưu trú là hơn 4.900 người.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, những người sinh sống ở những địa điểm có quy mô nhỏ (xã, phường, tổ dân phố...) có dịch, khi về quê sẽ phải cách ly tập trung. Còn lại, tỉnh này chưa có quyết định về việc yêu cầu cách ly đối với toàn bộ người về từ Hà Nội, Quảng Ninh...
Theo hướng dẫn, người dân khi từ địa phương khác về Thanh Hóa có thể khai báo y tế online hoặc trực tiếp đến cơ quan y tế gần nhất để khai báo. Sau khi tiếp nhận thông tin, nhân viên y tế sẽ đối chiếu với các điểm đang bùng phát dịch và đưa ra biện pháp.
Hiện, Công an tỉnh Thanh Hóa được giao chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế tổ chức thành lập 4 chốt kiểm soát trên các tuyến: Bỉm Sơn, Thạch Thành, Nghi Sơn, Như Xuân từ ngày 3/2, trực 24/24h cho đến khi có thông báo mới.
Người về quê ăn Tết đều được đo thân nhiệt ngay tại các bến xe khách. Ảnh: Việt Linh. |
Tại Nghệ An, sau khi xuất hiện các trường hợp là F1 và F2 của bệnh nhân mắc Covid-19 số 1552 và 1553, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh đã yêu cầu nâng cấp độ phòng dịch lên mức cao nhất.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Nghệ An yêu cầu cách ly tập trung với những người về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các địa bàn bị phong tỏa bao gồm 14 xã ở Quảng Ninh, tất cả những người về từ Hải Dương, 9 khu vực ở Hà Nội...
Người về Nghệ An từ địa phương có dịch nhưng chưa giãn cách xã hội thì được tự theo dõi sức khỏe ở nhà. Người từng có mặt vào thời gian mà F0 đã đến ở các địa điểm do Bộ Y tế thông báo đều phải khai báo cho cơ quan y tế địa phương và được cách ly tập trung hoặc tại nhà theo quy định.
Ngày 2/2, Sở Y tế Hà Tĩnh có văn bản hỏa tốc gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã, yêu cầu tổ chức cách ly đối với các trường hợp đến từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày.
Cụ thể, Hà Tĩnh cách ly tập trung các trường hợp đến từ khu vực có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ; các địa điểm có ca bệnh dương tính từng đến; khu vực đã được phong tỏa để thực hiện phòng chống dịch Covid-19 như thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương), sân bay Vân Đồn, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) và các địa điểm khác được cập nhật thường xuyên theo thông báo của Bộ Y tế.
Những người phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú gồm các trường hợp F2. Tỉnh này chưa có thông báo cụ thể về việc cách ly toàn bộ người về từ Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh hay những tỉnh, thành có dịch khác.
Đối với người đến từ các tỉnh, thành phố khác, Hà Tĩnh yêu cầu người dân chủ động thực hiện khai báo y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà, khi có bất thường về sức khỏe như ho, sốt, đau họng thì phải báo ngay cho trạm y tế xã hoặc trung tâm y tế.
Chính quyền và cơ quan y tế địa phương chịu trách nhiệm trong việc bỏ sót những người là F1, F2 trên địa bàn.
Tại Thừa Thiên - Huế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã ra thông báo sẽ tổ chức cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân từ Quảng Ninh, Hải Dương; các quận, huyện thuộc Hà Nội được Bộ Y tế công bố có điểm dịch. Thông báo này có hiệu lực từ 12h ngày 3/2.
Ngoài ra, người dân từ các tỉnh, thành khác đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả người Huế về địa phương) bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.
Thừa Thiên - Huế cũng thống nhất tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động đang làm việc tại Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng Thuận An, Cảng Chân Mây, Ga Huế, Bến xe phía Bắc, Bến xe phía Nam.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh chủ trương hỗ trợ bữa ăn Tết cho những người đang cách ly ở các điểm cách ly tập trung.