TS Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là một trong những chuyên gia có mặt tại TP Chí Linh đầu tiên để thiết lập Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh, điều trị cho các ca mắc Covid-19.
Tính đến 6h ngày 4/2, toàn tỉnh Hải Dương ghi nhận 277 ca mắc Covid-19. Ngoài TP Chí Linh, dịch bệnh diễn biến khá phức tạp khi đã lan rộng ra 6 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương là Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành, Ninh Giang, Cẩm Giàng và TP Hải Dương.
Một số địa phương vẫn chưa xác định được nguồn lây.
Sáng 4/2, TS Vũ Minh Điền đã dành thời gian trao đổi với Zing về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch tại Chí Linh nói riêng và Hải Dương nói chung.
"4 tiếng sau, tôi có mặt tại Chí Linh"
- Thưa ông, tâm lý của ông khi về Chí Linh thế nào?
- Làm ngành y tế, mỗi cán bộ chúng tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ phân công của lãnh đạo bệnh viện và Bộ Y tế và lần này cũng vậy.
Khi nhận nhiệm vụ đột xuất, 4 tiếng sau, tôi có mặt tại TP Chí Linh. Trong vòng 8 tiếng, chúng tôi thiết lập thành công Bệnh viện dã chiến số 1 và tiến hành thu dung bệnh nhân Covid-19.
- Ông đánh giá như thế nào về tình hình hiện tại ở TP Chí Linh?
- Theo nhận định của tôi, ổ dịch tại Chí Linh cơ bản đã được kiểm soát. Các bệnh nhân đều được thu dung về Bệnh viện dã chiến số 1 và 2 để điều trị, theo dõi chặt chẽ.
Tại đây, chúng tôi cũng đã kịp thời phát hiện những ca bệnh có dấu hiệu chuyển nặng và xử trí kịp thời để chuyển lên tuyến trên. Các trường hợp F1, F2 đã được đưa lực lượng y tế dự phòng phối hợp với công an, quân đội đưa về khu cách ly tập trung.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân Công ty POYUN. Ảnh: Thạch Thảo. |
- Sáng nay, Bộ Y tế công bố thêm 37 ca mắc mới là công nhân Công ty POYUN. Những ca này lần 1 có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng lần 2 cho kết quả dương tính, tình hình diễn biến như vậy có đáng lo ngại?
- Đây vốn là những ca F1, đã được cách ly tập trung ngay rồi, không phải trong cộng đồng nên vẫn trong tầm kiểm soát.
- Ông là người có kinh nghiệm tham gia dập dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. Theo ông, đợt dịch lần này tại Chí Linh có điểm gì khác biệt so với những đợt dịch trước?
- Tại Đà Nẵng, nhiều ca bệnh xâm nhập vào Bệnh viện C, một trong 2 bệnh viện lớn nhất của thành phố. Ở đó có bệnh nhân nằm điều trị hồi sức tích cực cũng như bệnh nhân thận nhân tạo. Đó là những bệnh nhân có bệnh lý nền, sức khoẻ vô cùng yếu nên khi bị nhiễm Covid-19 thì tỷ lệ tử vong cao.
Tại Chí Linh, ca bệnh đầu tiên (đã nhập cảnh sang Nhật Bản) khiến dịch bệnh xâm nhập vào trung tâm y tế nhưng bệnh nhân ở đây nhẹ hơn. Tuy nhiên, dịch đã lây lan ra cộng đồng với diện rộng.
Khác biệt nữa, lần này chủng virus mạnh hơn và thời gian ủ bệnh ngắn hơn. Việc dập dịch, khoanh vùng cũng phải áp dụng chiến lược khác.
- Với sự phức tạp, ghi nhận số lượng bệnh nhân lớn như vậy, khó khăn ban đầu của Chí Linh là gì?
- Ngay những ngày đầu, Chí Linh ghi nhận ca bệnh trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay. Vì thế, ngành Y tế và các cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế Chí Linh lúng túng bởi họ chưa từng đối mặt với tình huống này.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của chuyên gia Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, họ đã ổn định tâm lý, sắp xếp lại một cách trật tự, đi vào quy củ.
Hiện nay, dù có tăng lên 150 ca đi chăng nữa, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.
Nên giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương trong Tết Nguyên đán
- TP Chí Linh đã tạm thời kiểm soát tốt nhưng dịch bệnh tại tỉnh Hải Dương vẫn phức tạp khi có nhiều ca bệnh tăng lên ở các huyện, theo ông, Hải Dương cần phải làm gì lúc này?
- Đây là tiếng chuông cảnh báo lớn cho Hải Dương. Vì thế, tỉnh cần điều chỉnh chiến lược để tính tới việc nhiều nơi xuất hiện ca bệnh mới.
Tất cả trung tâm y tế cấp huyện, các cơ sở y tế trên địa bàn phải chuyển sang trạng thái sẵn sàng thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19. Họ cần chuẩn bị nguồn nhân lực, rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc.
Theo tôi, cần thiết thì nên giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương vì cũng gần Tết Nguyên đán. Vấn đề sản xuất, giao thương cũng hạn chế. Nên giãn cách 21 ngày kể từ thời điểm này để người dân ở yên tại chỗ, tránh tiếp xúc, tập trung đông người, hạn chế con đường lây lan F0, F1.
Quân đội phun khử khuẩn tại TP Chí Linh. Ảnh: Thạch Thảo. |
- Vậy ông có khuyến cáo gì cho người dân trong dịp Tết này khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp?
- Dịp Tết Nguyên đán, người dân chúng ta có thói quen liên hoan, chúc tụng. Đó là văn hóa lâu đời nhưng với hiện tại lại là nguy cơ lớn lây truyền dịch.
Tôi mong muốn người dân Hải Dương cũng như cả nước hy sinh hạnh phúc nhỏ của mình để hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao lưu.
Nếu làm được như vậy sẽ góp phần quan trọng trong việc cắt đứt nguồn lây, khống chế dịch bệnh lần này.
- Xin chân thành cảm ơn ông!