Tối 25/5, cabin thang máy của một nhà dân ở ngõ 523 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội), bị trượt cáp trong quá trình sửa chữa khiến 2 người tử vong.
Trong vụ việc này, ai phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa
Đây là sự cố đau lòng, gây mất mát lớn với gia đình nạn nhân. Quá trình điều tra xác minh, cơ quan chức năng sẽ làm rõ yếu tố lỗi thuộc về ai, từ đó xác định cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.
Dưới góc độ pháp lý, có 2 tình huống có thể xảy ra:
Thứ nhất, lỗi thuộc về những thợ sửa thang máy. Theo đó, nếu có căn cứ xác định 2 nạn nhân đưa thang máy lên rồi có những lơ là, thiếu sót trong quá trình sửa chữa dẫn đến việc cabin bị rơi, yếu tố lỗi sẽ thuộc về những người này.
Trong tình hướng này, do nạn nhân đã tử vong, trách nhiệm pháp lý của họ sẽ không đề cập đến.
Thứ hai, là trường hợp lỗi thuộc về những người khác. Nếu có căn cứ xác định thang máy rơi do sự tác động của một người khác hoặc trong quá trình sửa chữa, có người tham gia cùng 2 nạn nhân nhưng đã vi phạm quy định về an toàn lao động, không đảm bảo an toàn dẫn đến tai nạn, cơ quan công an có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định.
Tùy thuộc các tài liệu và tình tiết của vụ việc, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động tại nơi đông người (Điều 295) hoặc Vô ý làm chết người (Điều 128) trong Bộ luật Hình sự 2015.
Đây là hai tình huống có thể xảy ra dưới góc độ lý thuyết còn trên thực tế, để xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các cá nhân trong vụ việc, cần chờ đợi kết quả xác minh của cơ quan chức năng. Từ kết quả xác minh đó, phương án giải quyết phù hợp sẽ được đưa ra.