Ở thị trường xuất bản, chúng ta gần như mới nhập khẩu văn hóa, mảng xuất khẩu còn rất ít và không để lại tiếng vang. Tiếng Việt là một ngôn ngữ không quá phổ biến, nên như một hệ quả tất yếu, văn học không được để ý, mặc dù về mặt chất lượng, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn học của chúng ta không tệ.
Thử làm một so sánh với Hàn Quốc, đất nước có nhiều điểm tương đồng với chúng ta. Hàn Quốc cũng là tiếng hiếm, và lịch sử văn học viết Hàn Quốc cũng đầy nước mắt. Nhưng với chiến lược phát triển văn hóa và thương mại đúng đắn, giờ đây không chỉ có kim chi cơm cuộn, phim ảnh, âm nhạc, thời trang mà cả văn học Hàn cũng đường đường bước ra thế giới.
Nhờ chính sách phù hợp, văn học Hàn Quốc xuất bản tại nhiều nước, nở rộ ở Việt Nam thời gian qua. |
Shin Kyung-sook là nữ nhà văn đầu tiên nhận giải Man Asian Literary 2011 với tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ, theo Korea Times cuốn này trong khoảng hai năm rưỡi bán 2 triệu bản ở trong nước, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Nữ nhà văn Han Kang với tiểu thuyết Người ăn chay, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải International Man Booker 2016. Văn học Hàn Quốc từ chỗ gần như không có gì ở Việt Nam nay xuất hiện phong phú và là mảng tiêu thụ tốt của một số công ty sách trong mấy năm gần đây.
Vậy ở Việt Nam chúng ta xuất khẩu được những gì? Hai tác giả Việt Nam được dịch nhiều nhất là Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp, các tác giả khác được dịch đôi chỗ. Nhà văn Việt Nam cũng giành được một số giải thưởng quốc tế , có giải đương nhiên đều là tốt, nhưng phải thừa nhận đấy đều là các giải thưởng nhỏ, không có nhiều uy tín trên thế giới, tập trung ở vài nước mà Việt Nam có nhiều quan hệ là Hàn Quốc, Thái Lan, Thụy Điển. Cá biệt Giải thưởng văn học ASEAN do hoàng gia Thái Lan tổ chức đã trao giải cho tận… 14 tác giả Việt Nam.
Vì là một ngôn ngữ yếu, lẽ ra nhà nước rất cần có sự đầu tư quảng bá với chiến lược cụ thể và ráo riết. Nhưng lâu nay việc dịch văn học trong nước ra nước ngoài đa số dựa trên việc khai thác tài trợ của quỹ dịch thuật, các chương trình giao lưu văn hóa của nước ngoài, hoặc nhờ đội ngũ dịch giả, những nhà nghiên cứu kết nối các nhà xuất bản nước ngoài với các tác giả trong nước. Những hình thức này về lâu dài không ổn định và cũng thiếu tính hệ thống, thường là được đâu hay đó mà thôi.
Sách Những ngã tư và những cột đèn được bán bản quyền ra thế giới. |
Cho nên, việc đưa tác phẩm Việt Nam ra thế giới sẽ phải trông vào việc tác giả có tác phẩm hay, các đơn vị làm sách năng động, và sự lớn lên của "thương hiệu" Việt Nam trên thế giới. Bài toán khó, nhưng dù sao cũng đã có những tín hiệu tốt.
Cuốn Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần đã được Nhã Nam bán bản quyền - theo cách sòng phẳng của công nghiệp xuất bản - cho NXB IWBOOK của Hàn Quốc, và NXB One World tại Anh. Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư cũng được NXB Trẻ bán bản quyền ra nước ngoài cũng theo con đường như vậy.
Tiến xa thêm một bước nữa, các đơn vị làm sách như Nhã Nam, Kim Đồng đã chủ động xây dựng catalog của mình ra tiếng Anh để đi chào bản quyền mỗi kỳ hội chợ sách thế giới, hoặc trao đổi trực tiếp với các nhà xuất bản đối tác. Tại Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt 2018 ở Đức, NXB Trẻ chủ động dịch sang tiếng Anh một loạt tác phẩm để chào hàng. Dù ban đầu chưa có phản hồi, nhưng những cách làm này sớm muộn cũng sẽ có kết quả tích cực.