Mỗi cuốn sách khi sinh ra thường gói trong mình một số phận; cuốn may mắn được nhắc nhớ, tung hô trong một thời gian rồi đột ngột biến mất như chưa từng xuất hiện trên cõi đọc này; cuốn đen đủi chìm lút trong vô vàn cuốn sách khác ra cùng thời điểm; nhưng lại cũng có cuốn cứ âm thầm sống, dai dẳng, không chịu khuất phục trước thời gian, thỉnh thoảng có người đọc nhắc nhớ, truyền tai nhau và đi tìm.
Cuốn sách mới ra Những thước phim trong suốt của Nguyễn Hữu Tuấn tôi nghĩ nằm ở khả năng thứ ba này. Không đi vào những đề tài thời thượng, giật gân, gây hấn, cuốn sách là những hồi ức với các mảng sáng tối được trau chuốt tỉ mỉ từ đầu đến cuối. Và không tự dưng tác giả đặt thể loại cho cuốn sách là truyện kí, tức những gì được nói đến ở đây có thật, có lẫn hư cấu, dàn dựng, ở mức độ nào là tùy độc giả cảm nhận.
Ngược lại, nếu để thể loại là hồi ức hay hồi kí thì lập tức lại khác, tính chính xác khi đó trong câu chuyện cần cao hơn, những nhân vật xuất hiện cũng được đòi hỏi như thế.
Những mảng hồi ức được dụng công tái tạo
Tác giả Nguyễn Hữu Tuấn đã qua trường lớp hội họa chính quy, học nghề hóa dẻo ở nước ngoài, rồi được đào tạo và thành danh ở quay phim và chụp ảnh. Nên không lạ khi những mảng hồi ức được tái tạo rất dụng công, có rất nhiều chi tiết ám ảnh.
Tôi sẽ bắt đầu với hồi ức ngắn nhất trong tập tên Đò ngang, với bối cảnh bến sông, chiều tháng mười, nhân vật chính là người kể chuyện xưng "hắn", ông chủ quán, gã đàn ông ngoài ba mươi tuổi. Đò từ bên kia sang, ba gã đàn ông, nhưng cuộc đối thoại chỉ đến từ ông chủ quán và gã đàn ông ngoài ba mươi. Gã đàn ông chờ vợ của mình đã bỏ đi, lí do không có, ở đâu không rõ. Tất cả chờ, và rồi đò sang, không có người đàn bà vợ gã trên đó, chỉ có tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé gái, con gã vọng lại. Buồn bã, gã quay xe máy bỏ về, và đò cập bến bên này, đợi thêm khách mãi không chạy.
Tác giả - NSND Nguyễn Hữu Tuấn. |
Chỉ vài trăm chữ mà tác giả như dựng thành một bộ phim ngắn có nhân vật, số phận, cùng cảnh quay được chuyển liên tục từ quán nước ra mênh mông sông nước, con đò, bóng đêm đang dần dần bủa xuống; âm thanh là tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ, là cuộc đối thoại không đầu không cuối của hai người đàn ông mà hắn, nhân vật kể chuyện không quen.
Khi đọc Đò ngang tôi lại nhớ đến truyện ngắn Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp. Con sông lúc này không còn là con sông đơn thuần nữa mà đã biến chuyển thành biểu tượng tượng trưng cho cuộc đời con người. Con đò cũng không còn là con đò cụ thể, mà là phương tiện để con người ta đi tìm điều mình cần trong cuộc sống. Bờ bên này hay bờ bên kia, đi đến hay đi về cũng đều là tìm kiếm một lí lẽ sống sót trong sự nhàm chán thường nhật.
Có rất nhiều khoảnh khắc hồi ức xúc động như thế trong hơn hai trăm trang sách. Đó có thể là chuyện về người thanh niên mang hai dòng máu Việt - Trung mang tên Vương Kiếm Hưng trong Thượng Hải. Hưng sống với nhà nội ở Quảng Châu, nhưng lúc nào trong anh cũng thổn thức nỗi nhớ với người mẹ không được thừa nhận ở Hàng Bồ - Hà Nội.
Anh ngày ngày viết những bức thư gửi cho mẹ mình ở phương xa, bằng tiếng Trung. Sau đóng thành tập dày hơn năm trăm trang, bìa lại đề tiếng Việt: “Những tiếng guốc vỉa hè”. Hưng sống bao năm với tiếng guốc dồn dập ấy, dù Hàng Bồ giờ không còn tiếng guốc nữa, bởi người ta đã chuyển hết sang đi dép cao su.
Rồi chị Ly, người đàn bà trông thư viện, sống trong những ngày thấp thỏm mùa đông năm 1972, vào những ngày Mỹ ném bom hủy diệt Hà Nội trong Số nhà 69. Chị sống một mình cô đơn, sợ hãi khi chồng đang ở nơi sơ tán. Trước đó thì có những bất hòa với người chồng gia trưởng vì chuyện muộn con cái. Trong những ngày bom đạn ngút trời đó chị thân với Hữu, người cùng phố, hai người đến với nhau rất tự nhiên vào ngày cuối cùng của đợt ném bom. Rồi chồng chị từ nơi sơ tán trở về, Hữu đứng từ ban công nhìn sang, vô tình gặp ánh nhìn trân trân như lạc đi của chị.
Những câu chuyện bừng sáng nơi khốc liệt, tăm tối
Còn rất những con người mà tác giả Nguyễn Hữu Tuấn đã gặp trong đời. Đó có thể là người đàn bà vô danh trong Nhật ký dọc đường, người kể chuyện xưng tôi gặp khi đi tìm những khung hình đẹp. Trong ngôi nhà nhìn ra sông Thao, với bộ ấm trà in hình hoa lan không đóng khung, tôi chợt hiểu nghệ thuật đâu chỉ khung vào một ô ngang dọc của máy móc. Nghệ thuật nhiều khi là sự vô tri, không thể thấu hiểu hết của những số phận vô tình hay cố ý gặp.
Hoặc tiểu đội lính đóng ở thị xã Lạng Sơn năm 1981 trong Cậu muốn chụp ảnh gửi về nhà không, họ sống trong sự thiếu thốn về vật chất, căng thẳng thần kinh, khi xung đột biên giới vẫn trực bùng bất cứ khi nào. Cạnh đó, là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, thèm người đến da diết. Họ chờ những chiếc xe lên thị xã như chị em Liên chờ tàu về trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam, hay như anh thanh niên trên trạm kí tượng trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
Tiểu đội lính đem những gì quý giá nhất của mình chiêu đãi những vị khách ở đoàn làm phim mới lên. Thứ quý giá nhất ấy là bốn chiếc bánh chưng, nhưng có ai ngờ đâu bánh đã mốc trắng, khô cứng từ đời nào. Lúc này, người kể chuyện mới cho ta biết thời gian hiện diện nơi đây không phải vừa Tết ra, mà đã là tháng sáu. Những chiếc bánh chưng kia là quà của hậu phương gửi lên, lấy về, tiểu đội chẳng ai nỡ ăn, để dành, thế mà…
Sách Những thước phim trong suốt. |
Và ở những nơi tăm tối nhất như trại tù nữ trong Phòng giam nữ, người đọc cũng bắt gặp những câu chuyện bừng sáng về tình người của chị em Mây "nai". Cạnh đó là tình cảnh éo le của nữ quản giáo tên Bảy, sống cô đơn, thèm khát được yêu mà không được đáp lại, trong khi tuổi xuân nhanh chóng qua đi giữa các bức tường xám xịt, chằng chịt dây thép gai.
Cũng nhắc đến trại tù nhưng trong Nó khỏe lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tất cả bắt đầu từ sự nhầm lẫn của một người bố lên thăm con tù, quản giáo thông báo con anh đã chết ngày hôm kia vì tai nạn lao động. Không tin vào tai mình, người bố ngồi chết lặng rất lâu mới đứng dậy được tìm đến mộ con.
Ba lô đựng đồ tiếp tế gồm thịt rim, muối vừng, đường, con gà luộc để con ăn tết trĩu nặng trên vai. Người bố lục hết giấy tờ trong người xé ra, vo lại làm hương đốt. Ngửa mũ cối đang đội đặt con gà lên trên, gà Tết thành gà cúng. Người bố không cúng thịt rim, muối vừng vì nghĩ cúng thế khác nào bảo con ở dưới kia vẫn đi tù.
Rồi không hạ lễ, người bố thất thểu ngược ra ga về Hà Nội. Khi đi ngang trại vừa lúc toán trại viên đi làm về, ai đó gọi tên người bố, nhìn như đứa con đã chết, tiếng gọi vang lên lần nữa, bóng người tách khỏi hàng ào đến, người bố xúc động, mệt mỏi quá ngất đi. Hóa ra con trai anh chưa chết, nó chỉ trùng tên với người vừa chết hôm kia mà thôi.
Bóng hai bố con cùng đoàn tù lam lũ in trên nền trời mùa đông…