Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thực thể sống dai nhất hành tinh

Trong khi một quần thể thông Huon ở Australia có tuổi đời hơn 10.000 năm thì một quần thể cỏ biển ở Tây Ban Nha bắt đầu mọc trên trái đất cách đây 100 thiên niên kỷ.

Rachel Sussman, môt nghệ sĩ Mỹ, đã dành một thập kỷ để tìm kiếm và chụp hình những sinh vật sống dai nhất hành tinh. Cô tìm thấy quần thể cây bụi 2.000 năm tuổi ở sa mạc Atacama, Chile hay những loài vi sinh vật tạo nên đá Stromatolites ở Australia. Ảnh về chúng là nội dung của cuốn sách “Những thực thể sống già nua nhất hành tinh”. Daily Mail cho rằng cuốn sách là hành trình sử thi xuyên qua không gian và thời gian, giúp con người nhìn lại lịch sử phát triển của địa cầu.

Quần thể cây bụi, tổ tiên của loại cây mùi tây, sống trên sa mạc Atacama của Chile. Bụi cây là tập hợp của hàng ngàn nhánh nhỏ. Nó dày tới mức một người trưởng thành có thể đứng lên đỉnh bụi cây. Quần thể thực vật này tồn tại hơn 2.000 năm.

Đá Stromatolites có niên đại khoảng 2.000 tới 3.000 năm. Chúng hình thành từ những sinh vật già nua nhất hành tinh. Một số nhà khoa học tin rằng, vi sinh vật tạo lên đá Stromatolites là những thực thể đầu tiên sống trên địa cầu.

Thảm rêu 5.500 năm tuổi trên đảo Elephant (đảo Voi), nằm ngay mũi phía bắc của Nam Cực. Chúng có độ dày khoảng  3 m và xuất hiện trên trái đất từ 5 thiên niên kỷ trước. Các nhà khoa học coi thảm rêu ở đảo Voi là kho dữ liệu sống về những biến đổi địa chất và khí hậu trên trái đất trong hàng ngàn năm qua.

Quần thể thông Huon 10.500 năm tuổi ở Tasmania. Người ta coi chúng là “hoàng tử của các loại gỗ ở Tasmania” nhờ màu vàng quyến rũ. Đây là nguyên liệu chính để người dân chế tạo các đồ nội thất hạng sang. Những cây thông đơn lẻ dựa vào nhau, tạo thành quần thể thực vật với tuổi đời lên tới hơn 10.000 năm.

Quần thể cỏ biển ở quần đảo Baleric, Tây Ban Nha tồn tại trên địa cầu từ 100.000 năm trước. Các nhà khoa học tin rằng, thảm cỏ phủ kín một khu vực có chiều rộng 16 km dưới đáy biển.

Thông Bristlecone, gồm những cây sống trên 5.000 năm tuổi, là cá thể đơn lẻ sống lâu nhất hành tinh. Chúng mọc rải rác ở những vùng cất cao và khô cằn khắp miền tây nước Mỹ. Cây thông già nua này mọc trên Núi Trắng, bang California, Mỹ.


Hồng Minh

Ảnh: Daily Mail

Bạn có thể quan tâm