Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thứ làm nên trận chiến lừng lẫy của tướng Giáp

Không chỉ sử dụng những vũ khí truyền thống, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân Việt Nam còn biết biến những vật dụng đơn sơ trở thành vũ khí sắc bén, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Chỉ với sơn pháo 75 mm này, Đại đội 755, Trung đoàn pháo binh 675 đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 mm và một kho đạn của quân Pháp ở phân khu trung tâm Điện Biên Phủ.

 

Bên cạnh sơn pháo, khẩu pháo mặt đất 105 mm do sư đoàn 308 thu được của quân Pháp trong chiến dịch tây bắc trước đó cũng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Xe đạp thồ được sử dụng để vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng. Với năng suất tải đạt 200 – 300 kg/chuyến, xe đạp thồ là phương tiện chủ lực lo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cá biệt, chiếc xe thồ của anh dân công Ma Văn Kháng, quê Phú Thọ đã vận chuyển được số hàng hóa lên tới 370 kg/lượt. Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.

Những đôi dép cao su, được cắt từ lốp xe cơ giới để trang bị cho bộ đội. Gắn liền với người chiến sĩ trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đôi dép cao su góp mặt trong hành trình kéo pháo gian nan khắp chiến trường Điện Biên Phủ.

Những thanh gỗ được dùng để chèn bánh xe trong hành trình đưa những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt qua đèo cao, suối sâu vào trận địa. Chiến dịch Điện Biên Phủ là minh chứng hùng hồn nhất cho ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam.

Bầu đựng nước, một trong những vật dụng không thể thiếu để phục vụ công tác hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Những trái bầu nậm khô, được bỏ ruột để chứa nước luôn theo sát bên mình những người dân công hỗ trợ chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Dây thừng được sử dụng để kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Địa hình vô cùng hiểm trở nhưng những khẩu pháo nặng hàng chục tấn được đưa vào trận địa nhờ những phương tiện đơn sơ cùng tinh thần quả cảm, lòng quyết tâm cao độ và ý chí kiên cường của quân và dân ta.

Gùi thồ hàng nằm trên lưng các dân công để đưa hàng hóa, vũ khí lên mặt trận Tây Bắc trong cuối mùa Đông năm 1953, đầu mùa xuân năm 1954. Trái ngược với phi đội máy bay vận tải, có khả năng chuyên chở hàng tấn hàng hóa mỗi lượt của quân đội Pháp, phe ta dựa gần như chủ yếu vào sức người để đưa nhu yếu phẩm tới chiến trường Điện Biên Phủ.

Bộ xẻng được Bộ đội Công binh dùng để đào hào trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Những đường hào xẻ ngang mặt đất khiến vũ khí hiện đại của Pháp hoàn toàn bất lực trước sự vây ráp của bộ đội ta. Lần lượt các cứ điểm của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ bị hạ trước sự bất lực của kẻ địch.

Bi đông gỗ (phải) và bi đông tre (trái) được bộ đội Việt Nam sử dụng trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong khi quân đội Pháp được trang bị những loại quân tư trang vô cùng đa dạng, đồ dùng của quân đội Việt Nam hoàn toàn là những thứ tự chế, khá đơn giản nhưng không hề kém hiệu quả.

Trong điều kiện chiến đấu vô cùng thiếu thốn, những chiếc đèn bão là nguồn cung ánh sáng ổn định cho các bệnh xá và sở chỉ huy chiến trường. Chiếc đèn này được dùng trong sở chỉ huy Mường Phăng năm 1954.

Bộ bàn ghế gỗ được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương sử dụng trong cuộc họp quyết định chủ chương chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 tại Chiến khu Việt Bắc tháng 9/1953.

Trịnh Duy

Bạn có thể quan tâm