Cục Đường bộ Việt Nam đã cập nhật phần mềm mới cho các Sở GTVT, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch. Học viên sẽ được thi trên phần mềm mới này từ ngày 1/2.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết so với phần mềm đồ họa trước, Cục đã điều chỉnh lại một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để nâng cao chất lượng hình ảnh, giúp người học dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn.
Học viên căng thẳng trải qua phần thi mô phỏng các tình huống giao thông. |
Với phần mềm ôn tập, Cục Đường bộ đã cập nhật thêm 3 tính năng, bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết.
Phần mềm cũng bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống Trước/Sau và Hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống.
Đối với phần “THI THỬ”, phần mềm được thiết kế với giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen. Điều này không gây bỡ ngỡ cho học viên khi chính thức làm bài thi.
Đối với phần mềm sát hạch, theo nhiều trung tâm đào tạo sát hạch, đã khắc phục hầu hết bất cập mà các đơn vị phản ánh thời gian vừa qua.
Theo đó, ở phần mềm mới, sẽ tăng thời gian đếm ngược (nghỉ) giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây để học viên có thêm thời gian chuẩn bị; Điều chỉnh để học viên không click đúp vào phần video; Khi mở phần mềm thì giao diện chiếm toàn màn hình giúp học viên dễ quan sát…
Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc kéo dài mốc thời gian chấm điểm (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác bàn phím máy tính.
Ở phần mềm cũ, việc xử lý sớm tình huống nguy hiểm sẽ bị điểm 0. Đây là tình huống gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua.
Bà Trần Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ (TP.HCM), từng trả lời PV VietNamNet rằng, kỹ năng lái xe và cách xử lý của mỗi cá nhân sẽ khác nhau, vì thế không thể có một mẫu số chung để quy cho tất cả cá nhân nhằm yêu cầu xử lý giống hệt nhau đến từng giây khi tham gia giao thông thực tế.
Bà Thảo dẫn chứng về một tình huống giao thông sắp xảy ra nguy hiểm, đối với cá nhân có khả năng nhạy bén sẽ xử lý tình huống vào thời điểm an toàn vừa đủ và đúng lúc với thời gian yêu cầu đạt điểm tối đa theo bài thi.
Thế nhưng, đối với người có tính cách cẩn thận hay lớn tuổi, họ sẽ xử lý sớm hơn một chút và họ chạy chậm lại từ xa. Tuy nhiên, với trường hợp này khi chấm điểm sẽ bị trượt.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Bắc Hà (Từ Sơn, Bắc Ninh), cho biết hoàn toàn thống nhất với những sự thay đổi trong phần mềm mới vừa được Cục Đường bộ cập nhật.
Ông Nghĩa từng có ý kiến về cách tính thang điểm “rất cứng nhắc” ở phần mềm cũ khi áp dụng theo trình tự: 5-4-3-2-1. Học viên chỉ cần bấm sớm hơn 1 giây cũng sẽ bị điểm 0. Ông kiến nghị nên thiết kế thang điểm để trong trường hợp học viên xử lý tình huống sớm hơn cũng được chấm điểm dù không đạt tối đa.
“Qua đánh giá sơ bộ, phần mềm mới cơ bản tốt hơn nhưng vẫn chờ học viên trải nghiệm mới có thể đánh giá tiếp”, ông Nghĩa nói.
Tháng 6/2022, học viên khi thi bằng lái xe phải thi thêm nội dung phần mềm mô phỏng với 120 tình huống, ngoài nội dung sát hạch lý thuyết 600 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ.
Phần mềm mô phỏng bao gồm 120 tình huống giao thông phức tạp như lái xe trên đường phố đông người, đường cắt ngang, đường giao cắt với đường sắt, đường cao tốc, chỗ dừng đèn đỏ, qua phà, đường giao cắt lập thể, đường đèo dốc, sương mù, mưa to, trơn trượt; ban ngày, ban đêm...
Phần mềm được xây dựng và cài đặt trên hệ thống máy tính sẽ hiển thị tình huống cho học viên, đồng thời đưa ra các yêu cầu đòi hỏi người học phải áp dụng các kiến thức về pháp luật giao thông, kỹ năng lái xe cơ bản để trả lời trong một thời gian nhất định. Học viên quan sát các tình huống giao thông trong video mô phỏng, khi tình huống nguy hiểm xuất hiện sẽ phải bấm nút dừng.