Những thất bại chua chát nhất làng công nghệ 2012
Bên cạnh những sản phẩm thành công rực rỡ về mặt tiếng tăm hay tiêu thụ, làng công nghệ năm qua cũng chứng kiến không ít cú sảy chân đáng nói.
1. Facebook Reach Generator
Ngày 1/3, mạng xã hội Facebook tổ chức sự kiện hoành tráng tại New York để công bố sản phẩm quảng cáo mới có tên Reach Generator. Theo lời hứa hẹn của Facebook, công cụ này sẽ giúp tăng tần suất xuất hiện của các bài post quảng cáo thương hiệu trên kênh News Feed của người dùng. Thế nhưng chỉ 6 tháng sau, Facebook đã khai tử sản phẩm này với lý do quá phức tạp.
2. BlackBerry 10
Nỗ lực bám đuổi Apple và Google trong lĩnh vực smartphone của RIM lẽ ra phải được công bố vào mùa xuân 2012. Thế nhưng, nó đã bị hoãn lại đến mùa thu. Và sao nữa? RIM tuyên bố nền tảng mới sẽ không thể ra mắt trước quý I năm tới. Liệu khi ấy còn có ai quan tâm tới BlackBerry nữa hay không?
3. Color
Ứng dụng đình đám này đang đối mặt với nguy cơ bị khai tử sau khi được bán cho Apple với giá 7 triệu USD và dính líu tới một vụ kiện ì xèo.
4. Apple thuê John Browett lãnh đạo mảng bán lẻ
Quyết định tuyển dụng quan trọng đầu tiên của Tim Cook trên cương vị CEO Apple là một thất bại lớn. John Browett chuyển đến Apple từ Dixons, một hãng bán lẻ đồ điện tử giá rẻ đang hoạt động tại Anh. Browett cố gắng ghi dấu ấn cá nhân của mình lên chuỗi bán lẻ thành công nhất thế giới của Apple bằng cách siết giờ làm của các nhân viên để tăng lợi nhuận. Chính sách này không có hiệu quả và vài tháng sau, Browett đã từ chức. Ai đó đã ví Browett giống như một “nhà quản lý siêu thị” lạc bước vào Tiffany của thế giới điện tử.
5. Google Nexus Q
Nexus Q được kỳ vọng trở thành một thiết bị giải trí gia đình đột phá và mới mẻ. Nhưng thay vào đó, nó lại là một mớ hỗn độn đầy lỗi. Chính vì chất lượng quá tệ của Nexus Q mà Google đã quyết định thu hồi toàn bộ thiết bị từ kho hàng trước cả khi kịp bán cho người dùng.
6. Cuộc chiến bằng sáng chế giữa Yahoo với Facebook
Trong thời gian ngắn ngủi điều hành tại Yahoo, Scott Thompson đã kịp làm một việc đáng chú ý, chỉ có điều là theo hướng rất tiêu cực. Ông này khởi kiện Facebook vì tội xâm phạm bằng sáng chế. Tất nhiên là vụ kiện không dẫn tới đâu cả, nhưng nó vẫn kịp biến Yahoo và bản thân Thompson thành trò cười cho thung lũng Silicon.
7. Apple Maps
Không ai có thể phủ nhận sự yếu kém của dịch vụ bản đồ số này, khi đích thân CEO Tim Cook của Apple phải thừa nhận “Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm đẳng cấp thế giới và mang đến trải nghiệm tốt nhất có thể cho khách hàng. Nhưng với sản phẩm Maps ra mắt hồi tuần trước, chúng tôi đã không làm tròn được cam kết đó”. Cook đã chính thức xin lỗi người dùng vì sự thất vọng mà họ gặp phải khi dùng Apple Maps, đồng thời khuyên người dùng dùng tạm các ứng dụng có cùng công năng trong thời gian Apple khắc phục sản phẩm.
8. Vụ IPO của Facebook
Vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Facebook lẽ ra phải là điểm sáng công nghệ của năm. Thay vào đó, nó lại trở thành một sự kiện không thể xịt hơn. Giá IPO là 38 USD, nhưng ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu Facebook đã giảm giá. Vài tháng sau, cổ phiếu Facebook đã rơi tự do xuống dưới ngưỡng 20 USD. Rất nhiều nhân viên Facebook từng trở thành tỷ phú tại thời điểm IPO giờ chỉ còn là triệu phú. Và những nhà đầu tư từng tưởng bở rằng mình sẽ nhanh chóng kiếm tiền chênh lệch giờ phải quay sang ôm vốn dài hạn.
9. CEO Scott Thompson của Yahoo
Yahoo đã gây sốc cho cả làng công nghệ khi thông báo Scott Thompson sẽ lên giữ chức CEO hồi tháng 1/2012. Cơn sốc tăng nặng hơn khi người ta phanh phui việc Thompson đã khai gian trong hồ sơ xin việc của mình, ghi thêm tấm bằng cử nhân khoa học máy tính không hề tồn tại trên thực tế. Không lâu sau, Thompson bị sa thải và người thay thế ông là bà Marissa Mayer.
Theo Vietnamnet