Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Những tháng ngày khốc liệt bên bờ Thạch Hãn 1972 trong ký ức cựu binh

Những khốc liệt của chiến tranh, ký ức bi hùng về 81 ngày đêm tử thủ thành cổ Quảng Trị, được kể lại chân thật và đầy xúc động trong sách "Được sống và kể lại" của Trần Luân Tín.

Ngay dem do lua Quang Tri trong ky uc cuu binh anh 1Ngay dem do lua Quang Tri trong ky uc cuu binh anh 2

Trần Luân Tín là tiểu đội phó tiểu đội thông tin, thuộc tiểu đoàn 18 thông tin của Sư đoàn 325. Ông là người trực tiếp phụ trách tổ 3 người làm nhiệm vụ đảm bảo dây thông tin liên lạc từ sở chỉ huy sư đoàn, băng qua sông Thạch Hãn đến sở chỉ huy của trung đoàn 95 - đơn vị cố thủ thành cổ - đóng tại hầm ngầm dinh tỉnh trưởng Quảng Trị.

Nhập ngũ năm 1971 khi đang là sinh viên Mỹ thuật, ông Tín cùng các đồng đội trải qua những ngày huấn luyện vất vả tại Bắc Giang, trước khi được điều vào chiến trường Quảng Trị đầu năm 1972. Là người trực tiếp chiến đấu bên bờ Nam sông Thạch Hãn, với nhiệm vụ vô cùng vất vả và nguy hiểm: Luôn trần mình trên mặt đất để nối dây thông tin dưới lửa bom, pháo, súng bộ binh bắn thẳng của đối phương, ông đã kể lại chi tiết diễn biến những ngày này trong cuốn tự truyện Được sống và kể lại (NXB Văn hóa Sài Gòn), được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Với thành tích đảm bảo đường dây thông suốt, sau chiến dịch thành cổ, ông Tín là chiến sĩ duy nhất của sư đoàn 325 được vinh dự nhận Huân chương chiến công hạng Ba.

Ngay dem do lua Quang Tri trong ky uc cuu binh anh 3

Ngay dem do lua Quang Tri trong ky uc cuu binh anh 4

Những dòng ký ức của ông về những va chạm đầu tiên với chiến sự, với cái chết trong chuyến trinh sát đầu tiên vào thành cổ để thiết kế đường dây, được viết chân thực, nhưng cũng gây ấn tượng mạnh cho người đọc:

“Chúng tôi tiến về phía làng Nhân Biều. Tiến vào vùng pháo kích. Từng loạt pháo bầy gầu gầu chụp xuống phía trước, phía sau, bên phải, bên trái. Đội hình hành quân đi giãn thưa ra, người này cách người kia khoảng 20 mét.

Gặp một chú lính Việt Nam Cộng hòa ngồi dựa lưng vào vách công sự. Toàn bộ phần đầu sụt xuống ngực. Cái mũ sắt hất nghiêng bên vai, lộ ra một chút đỉnh sọ. Bộ quân phục chưa mục hết nên vẫn giữ được khung người không rã ra. Hai ống xương chân mốc xanh cắm trong đôi bốt da cao nghệu. Người ngồi giữa trận mạc tan hoang, như là đang chiêm nghiệm.

Lần đầu tiên tôi nhìn tận mắt xác của một con người. Thốt rùng mình, không ai có thể biết được mình sẽ chết như thế nào.

Cảm giác về sự sống chỉ có ở ngay trong cơ thể mình, rát rát ở vai hay khô khô nhột nhột ở dưới lòng bàn chân… còn toàn bộ không gian xung quanh thì không hề có sự sống, không gian vô cùng lạ lẫm, nó hoàn toàn không thuộc về cái quả đất quen thuộc lâu nay”.

Tình cảm của những người chiến sĩ đầu tiên tiếp xúc bên bờ Nam sông Thạch Hãn cũng để lại với ông những cảm xúc sâu sắc, ấn tượng:

“Người đứng ở cửa hầm nắm lấy vai tôi lắc lắc:
-  Trắng như lợn cạo thế này, đúng là mới vào, hả. Lấy áo tớ mặc này, cho đỡ lạnh.
-  Thôi, em phải sang sông bây giờ ấy mà - Tôi xòe tay đón nhúm muối từ một bàn tay to khỏe.
Cả hai người cựu binh thò đầu ra cửa hầm tiễn tôi đi. Một người nói:
-  Cẩn thận đấy!
Một người nói:
-  Rõ khổ!
Sau này tôi cũng sẽ nói với lính mới vào như thế, với sự thương cảm thực sự”.

Ngay dem do lua Quang Tri trong ky uc cuu binh anh 5

Nhưng đến khi vào đến hầm ngầm dinh tỉnh trưởng, những ấn tượng khốc liệt mới thật sự gây chấn động tâm hồn người chiến sĩ tân binh. Ông kể lại chi tiết trong hồi ức:

“Dinh tỉnh trưởng chỉ còn là một đống gạch. Dưới nó có một căn hầm ngầm rất rộng. Cửa hầm hình chữ nhật. Tôi giật mình khi đặt chân vào bậc thang bê tông để đi xuống, một bầu khí nóng hắt mạnh lên, đẩy ngược người ra. Trên bậc cầu thang, vài thương binh, kẻ ngồi nghiêng, người bó xoài đang ngóng ngửa đầu lên để hít khí trời.

Tôi lách chân đi xuống. Trong luồng sáng mờ mờ của cái miếng trời nhỏ duy nhất, tôi nhận thấy sự ngọ nguậy của một khối người. Nhận ra thương binh nhờ vào mầu trắng lổn nhổn của những cái băng trên đầu, trên tay, ở chân, ở bụng. Tất cả đều trần thùi lụi, có nhiều người cởi truồng.

Bất chợt, một loạt bom dội xuống ngay bên miệng hầm, bậc thang bê tông giật qua giật lại như muốn sập. Những người thương binh trên bậc thang ùa trượt xuống. Tôi quay lại, lặng nhìn họ. Khi đợt pháo vừa dứt thì họ lại vội vập, lúc nhúc bò lên… Đấy là những người bị thương nhẹ hơn người khác.

Các quân y sĩ đều chỉ mặc quần đùi, vai đeo túi cứu thương. Nhiều người cũng băng đầu băng tay như thương binh, họ rất bận rộn”.

Đoạn văn tả lúc đội trinh sát quay trở về, phải tìm cách từ chối những người thương binh đang nóng lòng chờ được tải thương sang bờ Bắc cũng hết sức xúc động:

“Chúng tôi hối hả ra về. C trưởng Khàn bước lên bậc thang trước tôi, chợt anh chùng người xuống. Thấy anh ngồi thụp rất nhanh, tôi giật mình. Có hai cánh tay với tới, hai bàn tay xanh xao nắm chặt lấy cổ chân C trưởng, một giọng trong mà yếu ớt cất lên, nài nỉ:
-  Cho em sang sông với các anh ơi… cứu em với…!

Đại đội trưởng gần như ôm lấy vai người thương binh, lặng một lúc, anh quát lên:
-  Chết ngay trên sông, con ạ. Không được đâu. Tối, thuyền công binh sẽ đưa sang. Tao nói mày phải nghe… rõ chưa?

Sự chân tình đậm đặc trong tiếng quát bỗ bã dường như làm cho người lính thấy yên tâm hơn. Anh từ từ buông tay”.

Ngay dem do lua Quang Tri trong ky uc cuu binh anh 6

Con sông Thạch Hãn, với lưới lửa dày đặc của đối phương bao phủ bên trên, đã là nơi chôn vùi hàng trăm người chiến sĩ dũng cảm. Khi bơi trở về bờ Bắc, chứng kiến vô số những cái chết diễn ra âm thầm, lặng lẽ, ngay bên cạnh đồng đội của đoàn chiến sĩ đang hướng về bờ Nam, khiến Trần Luân Tín tê tái khi kể lại:

“Đạn pháo bất chợt rót xuống mặt sông. Đầu quả đạn xoáy rít trước khi đập xuống nước, rồi nổ, như nổ tung ngay ở trong ngực. Tôi thấy toàn thân thoáng cứng lại, vội buông người, nếu chậm thả lỏng ra thì chỉ trong nháy mắt chuột rút sẽ lập tức lôi tuột người hút xuống lòng sông.

Phía trước tôi, phía bên cạnh tôi, nghe ục… rồi ục… hai chiếc mũ cối biến mất. Tôi thảng thốt: “Thôi đi rồi!”. Cố nhoài người rướn lên cho thật nhanh. Lại gặp hai cái mũ cối, lại ục… ục… lại biến mất. Những người đi xuống lòng sông, đi tự nhiên quá, tôi choáng váng, vung tay quạt túi bụi, ào ào lao trên sóng”.

Dù sống trong “túi lửa”, chứng kiến cái chết diễn ra quanh mình, hàng ngày, nhưng Trần Luân Tín vẫn không thể nào quên được sự hy sinh của Mến, người đồng đội thân thiết trong tổ thông tin cắm chốt phía bờ Nam của ông. Cái chết diễn ra hết sức tàn khốc:

“Thế là Mến đi.

Tôi ngồi đợi.

Chợt nghe tiếng Sồi gọi:

-  Anh Tín ơi. Tiếng của nó ở ngay trên miệng hầm, nghe lạ đến mức cái đầu tôi tự nhiên tê đi, phải lắc một cái thật mạnh. Sồi gần như rơi xuống hầm, miệng lẩm bẩm:
-  Nguyên một quả pháo…

Tôi giật mình:
-  Cái gì, Mến đâu?
-  Nguyên một quả pháo… không còn một tí gì…

Hai vai Sồi rơi phịch vào vách hầm. Tôi lặng đi, trong nháy mắt thấy người mình trống rỗng. Vách hầm vẫn rung rền rền một cách bình thường.

Ngay dem do lua Quang Tri trong ky uc cuu binh anh 7

Một nguồn thù hận cuồn cuộn bò lên ngực. Tan tác hết. Vô lý không thể tưởng tượng được. Chúng nó ở tận nơi xa lắc nào đến đây, giết người quá dã man. Những cái chết sao mà quá dễ dàng…”.

Dù chỉ là hồi ký của cá nhân, chất anh hùng ca của cuộc chiến vẫn hiện lên rõ nét, qua mô tả của ông về thời khắc quân ta rút khỏi thành cổ:

“Tôi nhìn thấy trung đoàn trưởng trung đoàn 95 tay cầm súng ngắn chạy lên chạy xuống đốc thúc việc chuyển thương binh sang sông. Đấy là một anh hùng, tôi thoáng nghĩ, lúc này anh có thể bứt chạy, có ai biết, có ai trách cứ gì. Vài người, chắc là quân y sĩ, lom khom cõng thương binh đã ra đến bờ sông. Một loạt pháo kích bùng lên, khói mù trời, không còn thấy gì nữa”.

Hoặc đoạn mô tả về sư đoàn trưởng Tám Du (Lê Kích) chỉ huy chiến đấu:

“Khi nóng tiết, ông hay chửi thề, thường là chửi những vật dụng của ông hoặc tự chửi mình. Trong các tình huống chiến trận ông lại rất điềm tĩnh, đến mức như người ngủ gật. Hồi ở trong thành cổ tôi đã nghe giọng nói của ông khi ông lệnh cho trung đoàn 95 rút quân. Lúc ấy tôi vô cùng kinh ngạc vì nghe một thứ âm điệu rề rề, chầm chậm, phát ra giữa cơn động đất đang rung giật ầm ầm. Bây giờ thì tôi biết, nếu không có tố chất ấy, Sư trưởng không thể cầm quân được”.

Không đao to búa lớn, Trần Luân Tin xác định về cuốn hồi ức của mình “Tôi chỉ đơn giản là ghi lại thôi, cho con nó đọc, cho bọn trẻ sau này đứa nào cần biết thêm về thời chiến tranh thì đọc…”, nhưng những ghi chép trung thực, sống động nhưng giản dị của ông đã lay động người đọc.

Sau chiến tranh, Trần Luân Tín quay lại với mỹ thuật, trở thành nhà điêu khắc. Hiện ông và gia đình sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn hồi ký Được sống và kể lại của ông đã được nhận Giải thưởng văn học Hội Nhà văn TP.HCM năm 2010 và đã đến với đông đảo người yêu văn học qua sóng phát thanh, sách nói.

Những khốc liệt của chiến tranh, đặc biệt những ký ức bi hùng về giai đoạn 81 ngày đêm tử thủ thành cổ Quảng Trị, được kể lại chân thật và đầy xúc động trong ký ức Được sống và kể lại của cựu chiến binh Trần Luân Tín.
Những khốc liệt của chiến tranh, đặc biệt những ký ức bi hùng về giai đoạn 81 ngày đêm tử thủ thành cổ Quảng Trị, được kể lại chân thật và đầy xúc động trong ký ức Được sống và kể lại của cựu chiến binh Trần Luân Tín.
Những khốc liệt của chiến tranh, đặc biệt những ký ức bi hùng về giai đoạn 81 ngày đêm tử thủ thành cổ Quảng Trị, được kể lại chân thật và đầy xúc động trong ký ức Được sống và kể lại của cựu chiến binh Trần Luân Tín.
Những khốc liệt của chiến tranh, đặc biệt những ký ức bi hùng về giai đoạn 81 ngày đêm tử thủ thành cổ Quảng Trị, được kể lại chân thật và đầy xúc động trong ký ức Được sống và kể lại của cựu chiến binh Trần Luân Tín.

Lê Tiên Long

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm