Không nằm ngoài chủ đề “thế gian đa tình”, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ihara Saikaku như là tự truyện của một cô gái xinh đẹp quá nửa cuộc đời chìm đắm trong những cuộc sắc dục.
Và không khác với Năm người đàn bà si tình, tập truyện ngắn của nhà văn được xuất bản ở Việt Nam trước đó, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết được xây dựng là một cô gái có sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” và có thể khiến tất thảy những người đàn ông xung quanh đắm đuối, mê muội từ khi mới mười một mười hai tuổi.
Đã có không biết bao nhiêu bức thư của người đàn ông đem lòng mê đắm gửi đến nàng, những bức thư ấy nhiều đến mức chẳng mấy chốc không có chỗ chứa.
Thế nhưng, lúc nào nàng cũng trong tâm trạng buồn bã khi cứ phải độc hành một mình. Những bức thư không làm cho nàng vui. Cuộc đời của nàng không mấy thoải mái. Hành trình sắc dục của nàng bắt đầu từ khi mối tình với anh chàng Samurai không thành.
Du nữ và cuộc đời dâu bể
Suốt cuộc đời, kể từ khi bị đuổi khỏi cung, người tình bị xử tội chết, nàng đã phải lưu lạc nhiều nơi, làm nhiều nghề, ở nhiều địa vị khác nhau chỉ vì bài toán mưu sinh. Thế nhưng, ở vị trí nào đi chăng nữa thì nàng vẫn bị đám đàn ông đưa về vị trí làm “chiếc giày rách”.
Sách Đời du nữ - Háo sắc nhất đại nữ do NXB Hội Nhà Văn và Phương Nam Book phát hành. |
Thân xác nàng và nhiều người phụ nữ khác nhanh chóng trở thành món hàng của những cuộc bán mua. Những tưởng, nàng sẽ êm ấm và hạnh phúc nhờ được ngồi vào vị trí là thiếp của một lãnh chúa, một lãnh chúa khó tính, cầu toàn.
Thiếu nữ ở khắp các vùng đã tốn không ít Monne (Một đơn vị tiền thời bấy giờ của Nhật Bản) để được tiếp cận ngài nhưng vẫn không được ưng thuận, còn nàng thì không tốn một đồng nào.
Tuy nhiên, ở vị trí ấy nàng luôn phải sống trong đợi chờ mòn mỏi, khi tuổi xuân trôi qua một cách vô vọng. Đến khi được lãnh chúa sủng ái rồi, nàng mới phát hiện ra rằng, người đàn ông ấy chẳng có gì ngoài địa vị và cái mẽ bên ngoài. Ông chẳng thể làm được gì ngay cả khi đã sử dụng đến những viên địa hoàng (một loại thuốc kích dục). Không hài lòng với người chồng như vậy, nàng đã phải bỏ trốn.
Thế nhưng, biến cố lại xảy đến, khi hoàn cảnh khó khăn, nàng đã bị chính cha mẹ mình bán đi làm du nữ với giá năm mươi đồng.
Tang thương dâu bể, cả một đoạn đường đời trôi qua, đắng cay lẫn hoan lạc có thừa; thế nhưng tình yêu thì mãi cứ xa vời vợi để đến khi tuổi già ập đến, nàng vẫn cô độc một mình. Nhiều đêm, nàng đã phải đối diện với những giấc mơ. Giấc mơ về những hoang thai nàng đã chối bỏ, trở về oán trách nàng trong đêm.
Du nữ với bản ngã đời thường
Quan niệm quen thuộc về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Nhật Bản được chi phối bởi những lễ giáo, phép tắc, thế nhưng dấu ấn của người Du Nữ trong tiểu thuyết là vượt trên các phép tắc khẳng định cá tính của mình.
Tiểu thuyết do Đào Thị Hồ Phương dịch, Nguyễn Đỗ An Nhiên hiệu đính. |
Dù bị đuổi xuống làm vị trí thấp nhất trong kỹ viện nàng cũng chấp nhận. Bởi đó không phải là mục đích nàng hướng tới, không phải thứ nàng kiếm tìm. Chính sự nửa vời, vừa như chấp nhận nửa như kiếm tìm này là “muối” cho toàn cuốn sách, nếu chỉ loanh quanh sự bon chen, chà đạp giành vị trí của của các cô gái thì sẽ “nhạt” bao nhiêu.
Dù luôn phải xoay vần, chìm đắm trong những cuộc hoan lạc xuyên đêm, nhưng trong lòng nàng luôn trỗi dậy một khát khao về một tình yêu đích thực, được trao thân gửi phận cho người đàn ông yêu thương mình. Đây là khát khao hết sức tầm thường, tưởng như dễ dàng mà hóa khó khăn. Cô gái trong truyện lặn lội tình trường hết một đời để rồi, nàng hoài nghi tất thảy tấm chân tình, những lời hứa hẹn của đàn ông. Đến cuối đời vẫn một thân lẻ bóng.
Nhẹ nhàng mà sâu sắc nhưng cũng rất hiện đại, thông qua lời kể dung dị của Du Nữ, nhà văn Ihara Saikaku đã khéo léo tạo dựng được cá tính của nhân vật. Tác phẩm đồng thời lật tẩy được lối sống bạc bẽo, chuộng hình thức của một bộ phận không nhỏ trong xã hội Nhật Bản thế kỷ 17.