Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chống gian lận thi cử ở Việt Nam từng được viết như thế nào?

Chuyện thi cử, chống gian lận, phép chấm thi, sự thăng tiến cho người thi đỗ thời vua Lê - chúa Trịnh được viết khá chi tiết trong cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen.

Trong quyển sách này, Samuel Baron là tác giả, đồng thời là người vẽ những bức tranh đã trở nên quen thuộc với chúng ta sau này, như cảnh thiết triều của vua Lê, chúa Trịnh, quang cảnh phố phường Thăng Long, đặc biệt là khung cảnh kỳ thi Đình diễn trong khoảng thời gian năm 1685.

S. Baron là một người Hà Lan lai Việt (Đàng ngoài), ông tự giới thiệu sinh ra tại "Ca Cho" (Kẻ chợ, tức Thăng Long). Cha của ông là đại diện cho công ty Ấn Độ của Hà Lan ở Đàng ngoài vào năm 1663. Lớn lên, S. Baron nối nghiệp nhà, cũng làm cho công ty Ấn Độ của Hà Lan, sau chuyển sang làm cho công ty Ấn của Anh, nhập quốc tịch Anh, và cuối cùng bỏ đi buôn riêng quanh vùng Đông Nam Á.

Khi về Anh, S. Baron đã viết cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen (Mô tả vương quốc Đàng ngoài)  và nói rõ ý định của mình là giới thiệu vương quốc Đàng ngoài với người Anh, do đó ông đã đề cập đến đủ mọi vấn đề ở đất này: Từ sử ký, địa dư, dân tộc, phong tục, chính sự, đến y học...

Phuong Tay noi gi ve chong gian lan thi cu Viet anh 1
Cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen.

“Muốn làm một công việc gì hay được một chức phẩm gì ai cũng phải qua ba khoa thi: khoa sinh đồ học lực như tú tài bên Âu châu ta; khoa hương cống tựa như cử nhân, và khoa tiến sĩ tựa như bác học bên ta”, ông mô tả hệ thống giáo dục Đại Việt. “Trong số các ông tiến sĩ, sẽ lựa chọn lấy một ông trạng nguyên”.

Kỳ thi Hương được ông mô tả như sau: “Cứ ba năm một kỳ, vua Lê và chúa Trịnh cử cho mỗi tỉnh hai ba ông tiến sĩ, vài huyện quan đã đỗ hương cống ra chấm thi. Thí sinh tỉnh nào thi riêng trong tỉnh ấy, khảo quan nhận được lệnh phải đến ngay nơi mình chấm và trong khi đi đường không được phép nói chuyện với thí sinh hay nhận quà biếu. Đến nơi các ngài vào ngay trường thi và ở trong những gian nhà tre lợp rạ".

"Trường thi cũng có rào tre, ở giữa có một quãng trống dựng đài. Các ông tiến sĩ ở biệt lập với các huyện quan và trong một khoa thi hai bên không được giao tiếp với nhau. Các cửa đều có người canh và ai ra vào đều bị khám xét rất ngặt, cấm không được mang giấy má sách vở, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm phạt và mất chức”.

Việc chống gian lận được ông tả chi tiết: “Lúc vào cổng trường thi, thí sinh bị xét xem có mang giấy má gian lận không rồi họ ra sân trường thi, người nọ cách người kia khá xa; từng quãng lại có người canh để không ai được thông đồng với thí sinh”.

Thí sinh nộp kèm với quyển thi một tờ khai tên mình, tên cha ông, tên làng. Các quan tiến sĩ sẽ thảo tờ này riêng ra sau khi đã ghi cho thí sinh một con số lên quyển văn và tờ lý lịch. Quyển thì giao cho các huyện quan giám khảo; các tờ lý lịch, giao cho một võ quan khác coi giữ.

Đặc biệt, Baron mô tả một chi tiết mà chúng ta chưa thấy ở các sách vở trong nước: “Các ông hương cống các khoa trước ở các nơi có trường thi phải tề tựu cả ở kinh trong suốt kỳ thi (để khỏi gà bài cho thí sinh khóa này?). Nhà nước cử mật thám ở lẫn với các ông và ngày nào cũng kiểm điểm xem các ông có đủ mặt không. Còn tỉnh nào không có kỳ thi thì các quan tỉnh cũng phải coi sóc các ông hương cống cũ!”.

Về kỳ thi Đình, Baron viết: “Khoa thi tiến sĩ cứ bốn năm một lần ở kinh, trong một gian điện riêng, có cửa bằng đá vân, ngày xưa lộng lẫy lắm nhưng bây giờ trông rất điêu tàn… Mỗi người thi trong một gian lều tre lợp vải. Trước khi vào phải khám xét cẩn thận; ngồi từ sáng đến chiều với bút, mực, giấy; có hai ông tiến sĩ ngồi lọng cách xa họ để trông nom. Thi bốn kỳ thì hai ngày đầu quan trọng nhất có vua Lê và chúa Trịnh ra chứng kiến; các ngày sau có các quan Thượng thư thôi”.

Phuong Tay noi gi ve chong gian lan thi cu Viet anh 2
Tranh vẽ minh họa của Baron về kỳ thi Đình.

Bức tranh minh họa kèm theo của Baron vẽ, đăng trong sách, cho ta thấy tính chất nghiêm mật của kỳ thi: Vua Lê ngồi trên điện (không vẽ chúa Trịnh ngồi cạnh như lời văn tả), phía dưới quần thần sắp hàng. Xung quanh là tường thành cao vút. Dưới thềm điện, khu vực thi cũng được rào kín bằng phên đan, cửa ra vào có lính gác vũ tranh canh giữ. Mỗi thí sinh ngồi trong một chiếc lều cách biệt.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Chân Quỳnh, nhà nghiên cứu nổi tiếng về lịch sử Việt Nam sống tại Pháp, trong cuốn Lối xưa xe ngựa, đã so sánh với bài Nghi thức thi Đình trong quyển Khoa mục chí tại bộ Lịch triều hiến chương loại chí của danh sĩ Phan Huy Chú để xác định những điểm Baron viết chưa chính xác.

Điển hình, là chi tiết hai ông tiến sĩ ngồi giám sát cuộc thi mà Baron mô tả (trong tranh vẽ ông chú thích là Tuncy - tiến sĩ). Thực ra quy chế thi cử thời Lê, canh sân điện là hai ông quan Tuần la, Tuần xước, phải là quan võ để không đủ chữ nghĩa "gà" bài cho các thí sinh.

Tiến sĩ Chân Quỳnh cũng chỉ ra sai lầm của Baron khi mô tả các ông Tiến sĩ tiến hành mới rọc phách để chống gian lận khi chấm thi. Bà giảng giải: “Trước mỗi khoa thi Hương vài tuần, các thí sinh phải ghi tên bằng cách nộp ba quyển cho ba kỳ thi đầu, trên mặt quyển phải khai tên tuổi của cả mình và ông cha ba đời... vào những chỗ đã được ấn định trước để khi quyển đưa vào trường thi, các ông Đề tuyển, có phận sự rọc phách, đánh dấu rồi xé đôi tờ khai, cất phần có tên tuổi Thí sinh đi, nửa ấy gọi là cái phách. Khi nào chấm xong mới ráp phách để biết tên người thi. Tiến sĩ là khảo quan, chỉ được chấm quyển khi đã rọc phách, Tiến sĩ không giữ việc rọc phách”.



Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm