Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những thách thức cho tham vọng tàu ngầm hạt nhân của Australia

Australia dự kiến có tàu ngầm hạt nhân đầu tiên nhờ AUKUS. Tuy nhiên, xưởng đóng tàu ở Mỹ, Anh đều quá tải với đơn hàng mới và thiếu nguồn lực dự phòng cho kế hoạch của Canberra.

Thoa thuan AUKUS anh 1

Khi Australia tuyên bố sẽ đóng tàu ngầm hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, họ ước tính cần 18 tháng để phân tích yêu cầu nhiệm vụ và đưa ra cấu hình tàu phù hợp.

Một tháng sau khi thỏa thuận AUKUS được công bố, các đối tác đang âm thầm tìm hiểu về sự phức tạp trong kế hoạch đóng tàu ngầm cho Australia. Một số ý kiến bày tỏ về các rào cản của việc này, New York Times cho biết.

Tham vọng khác xa thực tế

Thủ tướng Australia Scott Morrison đưa ra tầm nhìn tham vọng về việc đóng mới ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân sử dụng công nghệ Mỹ và Anh. Những tàu này sẽ được đóng tại Australia và dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn thập niên 2030. Hạm đội tàu ngầm hạt nhân mạnh mẽ sẽ thay thế 6 tàu ngầm điện - diesel lạc hậu và già cỗi của nước này.

Để hoàn thành kế hoạch đầy tham vọng này, Australia phải đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, nền tảng này của Australia tương đối khiêm tốn.

Thoa thuan AUKUS anh 2

Công nghiệp quốc phòng Australia đóng tàu ngầm gần nhất cách đây hơn 20 năm. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Australia.

Australia đóng tàu ngầm cuối cùng cách đây hơn 20 năm. Quốc gia này chỉ có vài sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hạt nhân mỗi năm. Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của đất nước chuột túi cũng tụt xuống mức thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Hai kế hoạch đóng tàu ngầm trong quá khứ đã thất bại ngay khi còn trên giấy.

“Đó là một con đường nguy hiểm mà chúng tôi đang vấp phải. Điều này đang đe dọa đến an ninh quốc gia”, Thượng nghị sĩ Rex Patrick, người từng là sĩ quan tàu ngầm, cho biết.

Đối với Australia, việc vận hành tàu ngầm hạt nhân đem lại cho họ phương tiện mạnh mẽ chống lại yêu sách ngày càng tăng của Trung Quốc. Đó cũng là lối thoát cho thỏa thuận mua tàu ngầm điện - diesel đang gặp khó khăn với Pháp.

Đối với chính quyền Tổng thống Biden, thỏa thuận AUKUS thể hiện sự ủng hộ đối với một đồng minh lớn trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc. Đối với Anh, thỏa thuận này củng cố vị thế quốc tế của họ sau Brexit.

Nhưng giới phân tích cho rằng AUKUS giống như một khối rubic đầy phức tạp có thể làm chậm quá trình chuyển giao tàu ngầm. Những sự cản trở từ nhóm chỉ trích và cả công chúng có thể khiến nỗ lực thất bại, để lại lỗ hổng nguy hiểm trong khả năng phòng thủ của Australia.

Các quan chức Mỹ đã dành hàng trăm giờ để đàm phán với đối tác Australia, trao đổi về những điều khó khăn. Bản thân Thủ tướng Morrison cũng thừa nhận “đây là chương trình có tính rủi ro cao”.

Anh và Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề

Về phần mình, Mỹ và Anh đối mặt với những trở ngại trong việc mở rộng quy mô ngành công nghiệp đóng tàu ngầm, cũng như các linh kiện có độ chính xác cao cho Australia. Hai nước này cũng gặp khó khăn trong việc điều phối các chuyên gia sang Australia, nơi các tàu ngầm hạt nhân sẽ được lắp ráp.

Thoa thuan AUKUS anh 3

Hai nhà máy đóng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đang quá tải các đơn hàng mới từ Hải quân Mỹ. Ảnh: Huntington Ingalls.

Australia đang kỳ vọng Mỹ có thể giúp họ đóng mới một tàu ngầm tương tự tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Tuy nhiên, hai nhà máy đóng tàu ngầm của Mỹ đang vật lộn để theo kịp tiến độ các hợp đồng đã ký với hải quân nước này. Các xưởng của Mỹ đóng mới khoảng 2 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mỗi năm cho hải quân.

Hai xưởng này cũng đang bận rộn chuẩn bị đóng mới tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ tiếp theo lớp Columbia. Chương trình tàu ngầm lớp Columbia là một ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ chính quyền nào ở Washington.

Theo một báo cáo trình lên Ủy ban Quân vụ Thượng viện vào tháng trước, các cơ sở đóng tàu ngầm hạt nhân đang quá tải với các đơn hàng gia tăng của hải quân.

“Họ đang làm việc ở mức 95-98% công suất đối với tàu ngầm Virginia và Columbia”, ông Richard V. Spencer, cựu Bộ trưởng Hải quân dưới thời chính quyền Donald Trump nói.

Báo cáo này không tính đến đề xuất của Australia.

Một số chuyên gia khác cho rằng Australia nên chọn tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh. Loại tàu ngầm này nhỏ, rẻ và sử dụng thủy thủ đoàn ít hơn so với tàu ngầm Virginia của Mỹ.

Tuy nhiên, các tàu ngầm Astute của Anh thường ra khỏi dây chuyền với tốc độ rất chậm. BAE Systems - đơn vị đóng tàu ngầm duy nhất của Anh - cũng đang bận rộn với kế hoạch đóng mới tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ tiếp theo lớp Dreadnought.

“Năng lực dự phòng là rất hạn chế. Anh không thể trì hoãn chương trình Dreadnought để chuyển hướng sang Australia”, ông Trevor Taylor, nhà nghiên cứu về quản lý quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh hoàng gia Anh, nói.

Anh đã thống nhất loại bỏ lò phản ứng hạt nhân PWR2 - sử dụng trên tàu ngầm Astute - vì không đáp ứng được tiêu chuẩn. Nếu Australia muốn đóng mới một tàu ngầm dựa trên Astute sẽ không có lò phản ứng phù hợp.

Trong khi đó, thiết kế của tàu ngầm Astute không phù hợp với lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo. Ông Taylor cho biết điều này có thể gây khó khăn đối với việc khởi động đóng tàu ngầm cho Australia dựa trên thiết kế của Astute.

Anh đang thiết kế một tàu ngầm hạt nhân mới để thay thế Astute, nhưng công việc chỉ mới bắt đầu trên giấy tờ. Tháng trước, chính phủ Anh cho biết họ cần thêm 3 năm cho việc thiết kế.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Anh nói sẽ còn rất lâu để tàu ngầm mới được đưa vào biên chế. Nó sẽ không kịp cho tham vọng vận hành tàu ngầm hạt nhân của Australia vào cuối những năm 2030.

Thách thức không chỉ dừng lại ở việc chế tạo tàu ngầm. Các biện pháp bảo vệ an toàn cho thủy thủ, cư dân cũng như đáp ứng nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân đòi hỏi chuyên môn về an toàn hạt nhân của Australia.

Cuộc đua phát triển tàu ngầm nóng dần giữa các cường quốc

Thỏa thuận AUKUS khiến cuộc chạy đua phát triển tàu ngầm giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở nên gay cấn hơn, kéo theo nguy cơ bất ổn gia tăng.

AUKUS khoét sâu rạn nứt phương Tây

Mỹ đang phải vật lộn để hàn gắn quan hệ với Pháp cũng như giữ vững sự thống nhất với các đồng minh châu Âu khác sau hiệp ước AUKUS, nhưng vẫn cho rằng AUKUS là bước đi đúng đắn.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm